Công việc chính là giáo viên dạy toán ở trường THCS, nhưng anh Nguyễn Văn Biên (Ninh Bình) lại có niềm đam mê riêng là trồng tảo xoắn. Nhờ nghề tay trái, thầy giáo say mê loại tảo “thần kỳ” kiếm thêm cả chục triệu đồng mỗi tháng.
Trang trại nuôi tảo xoắn hiện đại, khép kín của gia đình anh Biên. |
Anh Nguyễn Văn Biên (33 tuổi) đang là giáo viên dạy toán của một trường THCS tại xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp (Ninh Bình).
Công việc chính là đứng trên bục giảng, nhưng sau mỗi giờ lên lớp, anh lại có niềm đam mê riêng không giống ai, là: Nghiên cứu và trồng tảo xoắn - loài đang được mệnh danh là tảo “thần kỳ” với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe con người.
Anh Biên cho biết, trước kia gia đình anh hay sử dụng các sản phẩm làm từ tảo xoắn Spiurlina.
“Tôi nhận thấy công dụng của loài tảo này rất tốt cho sức khỏe nên thường xuyên lên mạng tìm hiểu rất kỹ về nó. Sau đó, tôi tìm hiểu và nghiên cứu về cách trồng và chăm sóc” - anh Biên chia sẻ.
Chỉ từ những tò mò ban đầu, loài tảo xoắn đã cuốn hút thầy giáo chuyên toán lúc nào không hay. Càng tìm hiểu anh lại càng say mê, để rồi bén duyên với cây tảo xoắn như một duyên nợ. Sau nhiều năm ấp ủ, đầu năm 2017 anh và gia đình quyết đầu tư 150 triệu đồng để trồng loài tảo “thần kỳ” này.
Với số tiền trên, anh Biên tiến hành xây dựng 100m2 nhà kính và mua các trang thiết bị như bể nuôi, hệ thống sục khí… để phục vụ việc nuôi tảo. Ổn định cơ sở, anh đi tìm mua giống tảo với giá 1 triệu đồng/lít, sau đó về thả vào bể tiến hành chăm sóc, thực hiện ước mơ của mình.
Các bể chứa đầy tảo xoắn, từ lúc nuôi đến khi thu hoạch mất khoảng 20 ngày. |
Những lứa tảo đầu đưa về nuôi, anh Biên gặp thất bại hoàn toàn. Mua nuôi đến đâu tảo chết đến đó mà không rõ nguyên nhân. Lúc đầu anh cứ nghĩ do giống, nhưng mua nhiều nơi khác nhau tảo cũng không sống sót được. Xem xét kỹ lại quy trình và kỹ thuật nuôi trồng, anh mới rõ nguyên nhân tảo chết là do các điều kiện rất bình thường không ngờ tới như: anh sáng, nhiệt độ, chất lượng nước…
Sau lần thất bại anh Biên vẫn quyết không chịu lùi bước. Chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ anh lại tiếp tục đi mua giống về nuôi, vừa nuôi vừa học tập và nghiên cứu để có thêm kinh nghiệm. Những lứa tảo thành công ban đầu đã không phụ công anh và đã cho thu hoạch ngoài mong đợi trước sự vui mừng của anh và gia đình.
Thầy giáo 33 tuổi tâm sự, quy trình kỹ thuật nuôi trồng tảo xoắn rất khắt khe, phải đảm bảo sạch sẽ từ trang trại, bể nuôi và nguồn nước, toàn bộ quy trình chăm nuôi phải đảm bảo khép kín.
Sau giờ lên lớp, anh Biên lại về nhà chăm sóc tảo, nghề "tay trái" cho anh niềm đam mê riêng và có thêm khoản thu nhập không hề nhỏ mỗi tháng. |
“Tảo từ khi bắt đầu thả nuôi đến lúc thu hoạch mất khoảng 20 ngày. Trồng loại tảo này không tốn nhiều thời gian chăm sóc như các loại cây trồng khác. Một ngày chỉ mất khoảng 1 tiếng để chăm sóc. Vì vậy, mà việc trồng tảo không ảnh hưởng đến công việc dạy học hiện tại của tôi” – anh Biên chia sẻ.
Tảo "thần kỳ" sau khi thu hoạch đóng thành viên có giá 1 triệu đồng/kg. |
Cũng theo anh Biên, làm công việc gì cũng phải có đam mê, trồng loại tảo xoắn lại càng phải đam mê nghề hơn thì mới có được thành công. Đến thời điểm hiện tại, trung bình mỗi tháng gia đình anh Biên xuất bán ra thị trường hơn 15kg tảo xoắn tươi dạng ép viên. Mỗi kg tảo có giá 1 triệu đồng, trừ hết chi phí, nghề “tay trái” cho anh Biên lãi khoảng chục triệu đồng/tháng.
Anh Biên chia sẻ thêm, tảo xoắn có tên khoa học là Spirulina platensis, đây là một loại vi tảo dạng sợi xoắn màu xanh lục, có tác dụng bồi bổ cơ thể, bổ sung các vi lượng và vitamin cần thiết nên rất tốt cho sức khỏe con người. Cũng vì lẽ đó mà tảo xoắn còn được mệnh danh là tảo “thần kỳ”.
Thái Bá (Dantri)