(GLO)- “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đoàn viên thanh niên” là mô hình thiết thực do Đoàn Thanh niên xã Ia Phìn (huyện Chư Prông) triển khai nhằm giúp đoàn viên thanh niên từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Xã Ia Phìn hiện có 178 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) đang tham gia sinh hoạt tại 10 chi đoàn thôn, làng, trong đó có 3 chi đoàn dân tộc thiểu số, gồm: Bak 1, Bak 2 và Grang 1. Do quỹ đất sản xuất ít nên ĐVTN ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số phải đi làm thuê, thu nhập khá bấp bênh. Anh Phạm Anh Trung-Bí thư Đoàn xã Ia Phìn, cho biết: “Với mong muốn hỗ trợ ĐVTN phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, năm 2015, Đoàn xã đã thống nhất triển khai mô hình “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong ĐVTN”, tập trung vào ĐVTN ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số”. Ban đầu, các chi đoàn triển khai tuyên truyền, vận động ĐVTN thay đổi nếp nghĩ, cách làm từ việc sử dụng quỹ đất sản xuất trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả. Các chi đoàn cũng hướng dẫn các gia đình cách xây dựng “Vườn rau thanh niên”, vận động không thả rông gia súc, dời chuồng trại chăn nuôi ra phía sau nhà để giữ gìn vệ sinh môi trường, tránh bệnh tật…
Mô hình chăn nuôi heo của đoàn viên Kpuih Soa. Ảnh: A.H |
Đặc biệt, để giúp ĐVTN có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế, ngay năm đầu tiên triển khai mô hình, Đoàn xã đã kêu gọi các nhà hảo tâm và vận động ĐVTN ủng hộ được 4,7 triệu đồng. Số tiền này được dùng để giúp gia đình anh Kpuih Soa (làng Grang 1) là hộ nghèo vì không có đất sản xuất, cả vợ lẫn chồng đều không có việc làm ổn định. “Đây là công trình điểm nên thay vì hỗ trợ tiền mặt, Đoàn xã đã mua vật liệu, 3 con heo giống, thức ăn cho heo và huy động ĐVTN tham gia ngày công để làm chuồng chăn nuôi theo nguyện vọng của gia đình. Đoàn xã cũng giao cho Bí thư chi đoàn làng Grang 1 trực tiếp chịu trách nhiệm hướng dẫn gia đình cách chăm sóc, phòng bệnh, dọn vệ sinh chuồng trại…”-Bí thư Đoàn xã Ia Phìn Phạm Anh Trung cho biết. Chỉ sau vài tháng, 3 con heo của gia đình anh Kpuih Soa đã được xuất chuồng. Số tiền bán heo, anh Kpuih Soa tiếp tục đầu tư mua heo giống, mua cám để duy trì chăn nuôi. Hiện đàn heo nhà anh đã có 7 con. Anh Kpuih Soa phấn khởi: “Nhờ có Đoàn Thanh niên xã giúp đỡ, cuộc sống của gia đình tôi đã bớt khó khăn và có nguồn thu nhập ổn định”. Theo anh Kpuih Soa, nuôi heo nhốt chuồng lợi hơn rất nhiều so với thả rông, vì không lo mất trộm, heo ăn uống đầy đủ nên nhanh lớn. Đặc biệt, gia đình có thêm nguồn phân để bón cho cây trồng.
Không dừng lại ở đó, năm 2016, Đoàn Thanh niên xã tiếp tục vận động ĐVTN và các nhà hảo tâm trong xã được trên 12 triệu đồng, giúp cho 5 ĐVTN ở các chi đoàn: Grang 1, Bản Tân, Bak 1, Hoàng Yên, Hoàng Hưng sửa chữa chuồng heo, chuồng bò. Được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò, song vì điều kiện kinh tế khó khăn nên gia đình anh Nguyễn Đức Hải (thôn Hoàng Hưng) vẫn nuôi nhốt tạm bợ ở phía sau nhà. “Trong lúc loay hoay tìm kinh phí, gia đình tôi được Đoàn Thanh niên xã hỗ trợ 2 triệu đồng mua nguyên-vật liệu, chi đoàn thôn vận động đoàn viên tham gia ngày công để dựng chuồng chăn nuôi cho chắc chắn, tôi rất phấn khởi! Bên cạnh đó, gia đình tôi còn được chi đoàn hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cỏ ngay trong vườn để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò…”-anh Hải chia sẻ.
Nói về mô hình “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong ĐVTN”, anh Phạm Anh Trung cho rằng, sau gần 2 năm triển khai, mô hình đã khẳng định được hiệu quả bằng việc giúp một số ĐVTN nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và dần thay đổi thói quen trong sản xuất, sinh hoạt… “Thời gian tới, Đoàn xã sẽ tiếp tục vận động để có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ ĐVTN khó khăn; đề xuất với cấp ủy, chính quyền mở các lớp tập huấn, dạy nghề và tạo điều kiện để ĐVTN tiếp cận nguồn vốn vay phát triển kinh tế”-Bí thư Đoàn xã Phạm Anh Trung nhấn mạnh.
Anh Huy