Thay đổi nếp nghĩ, cách làm ở Đăk Rơ Ông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong hơn 1 năm thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động), xã Đăk Rơ Ông (huyện Tu Mơ Rông) đã triển khai nhiều phần việc, mô hình hay giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chăm lo phát triển kinh tế gia đình.

Chị Mai Thị Luận-Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Rông cho biết: Là xã đặc biệt khó khăn với gần 97% số dân là đồng bào DTTS, ngay sau khi tỉnh phát động Cuộc vận động, UBND xã đã tập trung xây dựng kế hoạch, triển khai các mô hình cụ thể, gần gũi với người dân; đồng thời, phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên tại khu dân cư về việc tiên phong, gương mẫu khi thực hiện mô hình. Trước tiên, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thay đổi những thói quen không tốt trong sinh hoạt hằng ngày, giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, bỏ dần các tập tục lạc hậu. Cùng với đó, UBND xã tập trung vận động bà con áp dụng khoa học vào sản xuất nông nghiệp để giải phóng sức lao động.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh A Vinh ở thôn Mô Pành. Thời điểm này là mùa cày ruộng, nhưng cả anh cùng vợ đều đang tập trung đắp bờ còn việc cấy cày được làm bằng máy móc do gia đình thuê từ một người dân trong làng.

Anh Vinh cho biết: Trước đây làm thủ công, 1 sào ruộng của gia đình phải mất hơn 1 tuần mới có thể cày xới xong, sau đó gia đình mới tiến hành làm những việc tiếp theo. Còn giờ đây, gia đình tôi thuê máy móc vào cày, trung bình 1 sào ruộng chỉ mất một ngày với giá 600 nghìn đồng, trong khi đó tôi cùng vợ có thể làm được nhiều việc khác.

Cũng như anh Vinh, khi được chính quyền xã vận động đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp, đến nay toàn xã có hơn 800 hộ đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chiếm hơn 90% số hộ trên địa bàn. Song song với việc áp dụng máy móc vào sản xuất, 580 hộ dân đã bỏ dần các tập tục lạc hậu, chiếm 65% số hộ trên địa bàn.

Để giúp bà con phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững, UBND xã Đăk Rơ Ông đã lựa chọn những hộ điển hình để thực hiện mô hình do xã xây dựng nhằm đem lại hiệu quả cao để các hộ khác học hỏi làm theo. Một số mô hình mà xã triển khai như trồng lúa ST25 với 14 hộ tham gia, mô hình trồng cà phê xen cây mắc ca với 3 hộ tham gia và triển khai mô hình nuôi heo đen với 5 hộ tham gia.

 

Mô hình trồng cà phê xen mắc ca đang được xã Đăk Rơ Ông quan tâm. Ảnh: VT
Mô hình trồng cà phê xen mắc ca đang được xã Đăk Rơ Ông quan tâm. Ảnh: VT

Chị Luận cho biết: Triển khai mô hình trồng cà phê xen mắc ca, xã đã lựa chọn những gia đình tiêu biểu thực hiện để đạt hiệu quả, sau này có thể làm gương cho bà con học hỏi theo. Bước đầu, xã đã hỗ trợ 300 cây mắc ca cho đảng viên A Khi ở thôn Kon Hia 3, đồng thời hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc để vườn cây phát triển tốt. Khi vườn mắc ca của ông A Khi sinh trưởng tốt, hộ ông A Sơn và ông A Đông ở thôn Mô Pành cũng tham gia mô hình. Đến nay, cả 3 mô hình trồng cà phê xen mắc ca đều phát triển tốt.

Đưa chúng tôi đi thực tế, chị Mai Thị Luận rất tự hào khi đến mô hình trồng cà phê xen mắc ca trên địa bàn. Để vườn cây sinh trưởng tốt, xã đã luôn quan tâm, cắt cử cán bộ thường xuyên đến theo dõi, hướng dẫn người dân các kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh.

Cùng với đó, khi triển khai mô hình nuôi heo đen, xã đã lựa chọn ra các hộ nghèo DTTS, sau đó vận động bà con làm chuồng trại để được nhận heo hỗ trợ nhằm thay đổi thói quen nuôi thả rông sang nuôi nhốt. Theo đó, Hội LHPN huyện đã hỗ 6 triệu đồng/5 con heo cho 5 hộ nhằm tạo cơ hội thoát nghèo cho bà con.

Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi heo của bà Y Chin ở thôn Mô Pành. Gặp chúng tôi, bà Y Chin phấn khởi kể: Con heo giống được hỗ trợ vào tháng 9/2021, khi đó chỉ hơn chục kí. Nhờ nuôi nhốt, cho ăn đều đặn, con heo bây giờ gần 60 kí và chuẩn bị đẻ con. Thấy tôi làm chuồng nuôi heo, nhiều người cùng học và làm theo. Sắp tới heo sinh sản, đây là cơ hội để gia đình tôi thoát nghèo.

Chị Mai Thị Luận cho biết: Ngoài các mô hình trên, UBND xã còn tạo điều kiện cho bà con vay vốn trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Hiện tại, trên địa bàn xã đã có hơn 40 hộ ở thôn Kon Hia 3 đã trồng sâm Ngọc Linh. Trong thời gian tới, xã tiếp tục quan tâm, sâu sát các mô hình mà xã đã triển khai để các mô hình mang lại hiệu quả cao đồng thời lan toả sâu rộng trong đời sống của đồng bào DTTS để bà con đều thay đổi nếp nghĩ, cách làm. 

https://www.baokontum.com.vn/xa-hoi/thay-doi-nep-nghi-cach-lam-o-dak-ro-ong-24412.html
 

Theo Văn Tùng (baokontum)

Có thể bạn quan tâm