Kông Chro: Đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” đã góp phần giúp người dân huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) cải thiện cuộc sống.
Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội huyện Kông Chro đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập trung hướng về cơ sở, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế-xã hội nhằm khơi dậy ý chí vươn lên của đồng bào DTTS. Đồng thời, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với các cơ quan, ban ngành tổ chức tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, mở các lớp dạy nghề và định hướng việc làm cho đoàn viên, hội viên nghèo là đồng bào DTTS; vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, xóa bỏ các hủ tục.
Làng Húp ngày càng khang trang, sạch đẹp, đời sống người dân từng bước được nâng lên. Ảnh: Quang Tấn
Làng Húp (xã Kông Yang, huyện Kông Chro) ngày càng khang trang, sạch đẹp; đời sống người dân từng bước được nâng lên. Ảnh: Quang Tấn
Song song với công tác tuyên truyền, vận động, huyện đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ người dân vùng DTTS phát triển kinh tế. Đơn cử như Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo giai đoạn 2017-2020. Dự án có tổng kinh phí trên 29 tỷ đồng đã hỗ trợ 1.118 con bò sinh sản, hàng chục ngàn cây giống và trên 5 tấn phân bón NPK cho các hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất. Tham gia dự án, các hộ dân đã tiếp thu và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước thay đổi tập quán canh tác, quy mô sản xuất được mở rộng hơn. 
Trước đây, do không có đất sản xuất nên cuộc sống gia đình Đinh Thị Byer (làng Húp, xã Kông Yang) rất khó khăn. Được Nhà nước hỗ trợ vay vốn ưu đãi, chị đã mua bò để phát triển chăn nuôi, mua đất trồng mì, trồng chuối mốc. Đến nay, kinh tế gia đình ngày càng ổn định, có điều kiện nuôi con ăn học. “Mỗi năm, gia đình thu nhập khoảng 150 triệu đồng từ 1,7 ha mì, 1,5 ha chuối mốc và quán tạp hóa. Ngoài ra, gần 5 ha rừng sản xuất năm sau đến kỳ thu hoạch sẽ đem lại nguồn thu không nhỏ cho gia đình”-chị Byer phấn khởi nói.
Chị Đinh Thị Byer (làng Húp, xã Kông Yang, huyện Kông Chro) bên diện tích rừng trồng của gia đình. Ảnh: Quang Tấn
Chị Đinh Thị Byer (làng Húp, xã Kông Yang, huyện Kông Chro) bên diện tích rừng trồng của gia đình. Ảnh: Quang Tấn
Còn ông Đinh Văn Đinh-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Húp thì cho hay: “Trước năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo trong làng chiếm trên 80%. Được sự tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành nên nhận thức của bà con đã thay đổi nhiều. Hiện nay, người dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng để mang lại giá trị kinh tế cao hơn… Nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, nhà cửa được xây dựng khang trang, các tập tục lạc hậu bị đẩy lùi”.
Theo bà Đinh Thị Nghek-Phó Bí thư Đảng ủy xã Kông Yang: Cuộc vận động đã tác động mạnh mẽ đến nếp nghĩ, cách làm của người DTTS trên địa bàn. Nhiều gia đình đã biết tổ chức lao động sản xuất hợp lý, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; biết chi tiêu hợp lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư phát triển kinh tế.
Trao đổi với P.V, ông Đinh Thanh Xuân-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kông Chro-nhấn mạnh: “Thời gian tới, Mặt trận các cấp tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, già làng, người có uy tín. Đồng thời, phối hợp với UBND các xã và các ban, ngành liên quan ký kết chương trình phối hợp cụ thể hóa nội dung thực hiện cuộc vận động gắn với xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Hàng năm, huyện tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn nâng cao kiến thức, chuyển giao khoa học công nghệ, tạo mọi điều kiện để hộ nghèo DTTS được tiếp cận và áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi”.
QUANG TẤN
 

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.