Tháo gỡ khó khăn khi thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 8/3, Đoàn công tác Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do Phó Chủ tịch Cao Thị Xuân làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk nhằm đánh giá tác động của Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc về phân định vùng dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển, việc thực hiện chính sách dân tộc tại tỉnh Đắk Lắk.
 
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân phát biểu tại buổi làm việc.
Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho biết: Trên địa bàn tỉnh có khoảng 1,9 triệu dân với 49 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 35,7%. Trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk luôn quan tâm tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã tạo việc làm cho hơn 143.000 lao động. Đến năm 2020, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90,23%; tỷ lệ thôn, buôn có điểm trường hoặc lớp mẫu giáo đạt 100%. Toàn tỉnh hiện có 168 công trình cấp nước tập trung nông thôn. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Đắk Lắk có 37.773 khách hàng vay chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ gần 1.021 tỷ đồng, trong đó có 15.924 hộ nghèo vay vốn.
Theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Lắk có 54 xã thuộc khu vực III, 5 xã khu vực II, 71 xã thuộc khu vực I và 519 thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Toàn tỉnh có 54 xã không còn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 4 xã và 143 thôn, buôn đặc biệt khó khăn không còn diện đặc biệt khó khăn. Toàn tỉnh có 240.746 người không còn được thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế. Chế độ phụ cấp, trợ cấp đối với cán bộ, giáo viên công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và chính sách hỗ trợ học bổng, chi phí học tập cho sinh viên dân tộc thiểu số bị cắt giảm...
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận về kết quả thực hiện chính sách an sinh xã hội tại xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2022; đồng thời đã đánh giá tác động của Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc tại tỉnh Đắk Lắk, những bất cập và thuận lợi, khó khăn khi triển khai.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, thực tế tại 54 xã và 143 thôn, buôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, hiện nay tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều khó khăn; tỉnh khó xây dựng chính sách cho 54 xã này. Vì vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đề nghị, Hội đồng Dân tộc kiến nghị với Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư chính sách hỗ trợ đặc thù; báo cáo Quốc hội kiến nghị Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện chế độ, chính sách như bảo hiểm xã hội, y tế, giáo dục cho các xã, thôn, buôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn từ 3 năm, sau đó chia theo giai đoạn; bảo đảm ưu tiên bố trí kinh phí để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khó khăn, đặc biệt khó khăn. Hội đồng Dân tộc kiến nghị Quốc hội giám sát công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, công tác thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân đề nghị, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Đắk Lắk cần tăng cường quan tâm, chỉ đạo sát sao việc triển khai chính sách dân tộc, bảo đảm đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng tất cả chính sách một cách kịp thời, đúng đối tượng. Để thực hiện tốt chính sách dân tộc, cơ quan chuyên môn cần xác định nhanh những vướng mắc, bất cập, khó khăn trong quá trình thực hiện để kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ; các cơ quan dân cử làm tốt hơn vai trò, chức năng giám sát.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân cũng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk cần có văn bản báo cáo cụ thể về tác động của hai Quyết định trên để Hội đồng Dân tộc có cơ sở tổng hợp, báo cáo các cơ quan Trung ương có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Theo NGUYỄN CÔNG LÝ (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.