(GLO)- Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhiều bạn trẻ đã xây dựng những mô hình hợp tác xã (HTX) thiết thực. Những mô hình HTX do thanh niên làm chủ đã góp phần tích cực trong xây dựng, mở rộng các hình thức liên kết hợp tác ở địa phương.
Thanh niên làm kinh tế tập thể
Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) là điển hình về HTX do thanh niên làm chủ, chuyên cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp, thu mua, chế biến nông sản. Anh Trần Văn Công-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX-cho hay: Hợp tác xã được thành lập vào tháng 6-2018 với 65 thành viên tham gia, trong đó có cả thanh niên là công chức, viên chức, nông dân… Quá trình hoạt động, mỗi thành viên được phân công, giao việc rõ ràng, có mối quan hệ tốt với đối tác, chủ cơ sở tiêu thụ sản phẩm nên thuận lợi trong giới thiệu, chào bán sản phẩm của HTX. Hiện HTX đang duy trì hoạt động hiệu quả, doanh thu đạt trên 100 triệu đồng/tháng.
Các thành viên HTX Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS tại Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2019. Ảnh: T.D |
“Với mong muốn tìm hướng đi mới cho thanh niên khởi nghiệp từ việc tận dụng những lợi thế của địa phương, HTX hoạt động theo quy trình liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ an toàn, nâng cao chất lượng nông sản sau thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm sau chế biến. Gắn với các sự kiện kết nối cung-cầu của địa phương, chúng tôi đã mở rộng đối tượng thành viên có sẵn các sản phẩm sau chế biến như: tinh dầu sả, tinh bột nghệ, trà măng tây, mủ trôm… và hỗ trợ bao bì, nhãn mác, thủ tục pháp lý để đưa các sản phẩm này tham gia xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác. Hiện nay, HTX tham gia dự án chuỗi “Liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm mít Thái an toàn” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của huyện Chư Pưh”-anh Công chia sẻ.
Cũng giống như FAOS, dù mới thành lập cuối năm 2018 nhưng HTX Nuôi trồng thủy sản Ia Grăng (huyện Ia Grai) đã khẳng định được hiệu quả. Ia Grăng là địa phương có lợi thế về diện tích mặt nước từ các công trình thủy điện, thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Nhận thấy lợi thế đó, thanh niên nơi đây đã chung tay triển khai mô hình nuôi trồng thủy sản. Khởi điểm chỉ có 8 thành viên với vốn điều lệ khoảng 200 triệu đồng, HTX đã đầu tư nuôi 9 lồng cá thương phẩm. Anh Nguyễn Văn Yên-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX-cho biết: “Những ngày đầu nuôi cá, các thành viên gặp nhiều khó khăn do chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc, chế độ cho ăn, theo dõi nguồn nước… Hợp tác xã đã cử thành viên tham gia các lớp tập huấn do địa phương tổ chức và tham quan một số mô hình. Hiện tại, HTX đã vận động được 26 thanh niên tham gia và đang nuôi 15 lồng cá diêu hồng, trắm cỏ. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, chúng tôi thu về trên 150 triệu đồng. Thời gian tới, HTX sẽ ươm nuôi thêm cá giống; đồng thời, tiếp tục tìm kiếm thị trường tiêu thụ để đảm bảo ổn định đầu ra sản phẩm”.
Tạo đà khởi nghiệp
Theo thống kê của Tỉnh Đoàn, toàn tỉnh hiện có 5 HTX do thanh niên làm chủ với tổng số vốn điều lệ gần 3 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, gồm: HTX Nông nghiệp 81 (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh), HTX Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh), HTX Nuôi trồng thủy sản Ia Grăng (huyện Ia Grai), HTX Dịch vụ-Nông nghiệp xã Ia Mơr (huyện Chư Prông), HTX Nông nghiệp và Dịch vụ môi trường xã Al Bá (huyện Chư Sê).
Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Ia Grăng (huyện Ia Grai, Gia Lai). Ảnh: Trần Dung |
Anh Phan Hồ Giang-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn-thông tin: Tỉnh Đoàn xác định, việc xây dựng các HTX thanh niên là hướng đi phù hợp, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn là nơi để gắn kết đoàn viên, thanh niên. Đầu năm 2018, Tỉnh Đoàn đã triển khai Kế hoạch số 55-KH/TĐTN-CNĐ về tham gia xây dựng HTX thanh niên giai đoạn 2018-2022. Ngay sau đó, Đoàn Thanh niên các huyện, thị xã, thành phố đã tiến hành khảo sát các mô hình kinh tế hiệu quả trong lực lượng đoàn viên, thanh niên; đồng thời nắm bắt nhu cầu liên kết phát triển kinh tế giữa các thanh niên để hướng tới việc thành lập HTX do thanh niên làm chủ.
Để hỗ trợ tối đa cho thanh niên, Tỉnh Đoàn tổ chức các lớp tập huấn, diễn đàn trao đổi kinh nghiệm nhằm hướng dẫn cách thức, quy trình thành lập HTX theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012. Đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp để định hướng xây dựng thương hiệu, giới thiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm. Mặt khác, các HTX thanh niên còn được tư vấn pháp lý, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu đầu ra từ các tổ chức Đoàn, ngành Khoa học và Công nghệ, cơ quan khuyến nông. Các cơ sở Đoàn đã chủ động đăng ký với UBND cùng cấp dùng nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ để hỗ trợ ban đầu cho thanh niên. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã làm việc với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh để hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho HTX; phối hợp với Ban thư ký Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh chỉ đạo Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tăng cường hỗ trợ các chương trình khuyến khích thanh niên khởi nghiệp; tìm kiếm các nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp để giúp các HTX thanh niên hiện thực hóa ý tưởng sản xuất kinh doanh.
Dù mới thành lập nhưng kết quả hoạt động của các HTX thanh niên khá khả quan. Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn, thời gian tới, Tỉnh Đoàn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của thanh niên về vai trò, ý nghĩa của kinh tế HTX; tổ chức các chương trình tập huấn, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm để đoàn viên, thanh niên hiểu rõ về quy trình thành lập, phương thức hoạt động của HTX. Bên cạnh đó, kêu gọi, huy động nguồn lực quan tâm hỗ trợ về vốn, tiêu thụ, quảng bá, giới thiệu, kết nối đầu ra cho sản phẩm của các HTX thanh niên; phối hợp với các ngành liên quan tạo điều kiện hỗ trợ HTX xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, xúc tiến thương mại để có thị trường tiêu thụ rộng rãi.
TRẦN DUNG