Tháng tư trên chiến địa Plei Me

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dưới cái nắng bỏng rát trong những ngày tháng tư lịch sử, tôi tìm về với Plei Me (huyện Chư Prông)-nơi trận đầu đánh Mỹ của quân đội ta trên chiến trường Tây Nguyên. Đã có rất nhiều cây bút khắc họa về nơi này, nhưng tôi vẫn muốn viết lại, đơn giản, chỉ là lột tả cảm xúc của riêng mình khi lần đầu đặt chân đến vùng đất một thời thấm đẫm máu và hoa của cha anh 49 năm về trước…

Mênh mang miền ký ức

 

Ông Rơ Mah Bông thắp hương tưởng niệm tại Khu Di tích Plei Me. Ảnh: Hồng Thi
Ông Rơ Mah Bông thắp hương tưởng niệm tại Khu Di tích Plei Me. Ảnh: Hồng Thi

Thật khó để có thể kể lại cho độc giả một cách cuốn hút về chiến thắng Plei Me oanh liệt, phần vì tôi nhận mình kém tài diễn sử, phần khác cũng bởi sách vở đã ghi chép quá nhiều về sự kiện này. May mắn thay, tôi tìm được nhân vật giúp mình sau vài cái hẹn. Ấy chính là những cựu du kích Plei Me năm xưa: già Rah Lan Kốt, Rah Lan Mơn (xã Ia Pia), Rơ Mah Bông (xã Ia Ga) và cả nữ giao liên Ksor H’Blâm (xã Ia Mơr) nữa. 37 ngày đêm “nếm mật nằm gai”, bom đạn giày xéo vào mùa thu năm 1965 ấy hẳn vẫn còn khắc sâu trong tâm khảm các già, dẫu rằng thời gian có vội vã lướt qua.

Ở cái tuổi trên bát thập, già Rah Lan Kốt (làng Hát 1, xã Ia Pia) trông vẫn còn rắn rỏi lắm. Từ từ lật giở từng trang ký ức, già chậm rãi kể cho tôi nghe về trận chiến đã thấm đượm biết bao máu xương của bà con các làng trong chiến địa, gồm: Hát, Ngó, Lú, Pốt, Pia, Nớt, Khóp, Mo… Tất thảy đều một lòng theo Đảng và Bok Hồ, thanh niên hầu hết tham gia du kích, những người còn lại thì tích cực vót chông bẫy giặc, tiết kiệm lương thực nuôi quân, đồng thời sẵn sàng chăm sóc, trị thương cho bộ đội. “Mình khi ấy là Xã đội trưởng E9, cùng Đại đội du kích E12 ở phía Đông và E8 ở cánh Tây phối hợp với bộ đội chủ lực vừa đánh trực diện vào đồn Plei Me, vừa cài mìn, cắm chông, chặn đánh địch ở hai bên đường. Sau khi thất bại ở thung lũng Ia Drăng, quân Mỹ tìm cách tháo chạy nhưng hễ tới đâu là bị quân ta truy kích, đốt xe tới đó”-già Kốt nhớ lại.

Ngồi cạnh bên, già Mơn (làng Mo, xã Ia Pia) mấy lần khèo nhẹ tay tôi. Tôi biết, nghe già Kốt thuật chuyện, nhiều nỗi niềm xưa cũ chất chứa nơi cái bụng của già cũng muốn bộc bạch lắm rồi. Già bảo rằng, khi trận chiến bắt đầu, các làng đều “vườn không nhà trống”. Nhận được lệnh, người dân đã nhanh chân sơ tán vào rừng hay hầm trú ẩn ở cạnh con suối Hát rồi âm thầm đánh giặc. Nhìn nhà cửa tan hoang, mấy đám ruộng mới trổ bông bị Mỹ thả bom tàn phá, bà con xót xa vô cùng, chỉ lo không có lúa giã gạo, bộ đội ta phải chịu đói. Nghĩ đoạn, bao nhiêu gạo mùa trước, mọi người vét hết mang nuôi quân, còn mình thì rang bắp, nấu củ mì ăn dần, kiên trì cho đến ngày thắng lợi.

 

Già Rơ Lan Kốt (phải) và Rơ Lan Mơn-những cựu du kích Plei Me ngày đó. Ảnh: Hồng Thi
Già Rơ Lan Kốt (phải) và Rơ Lan Mơn-những cựu du kích Plei Me ngày đó. Ảnh: Hồng Thi

Chia tay hai cựu du kích Ia Pia, tôi tiếp tục men theo tỉnh lộ 665 để về xã Ia Ga-vùng trung tâm chiến địa. Bia chiến thắng Plei Me với những thông tin về trận đánh (thuộc thôn Đoàn Kết)-vật chứng duy nhất còn lại-sừng sững đứng ngay ngã ba đường, dưới bầu trời cao, vàng rọi màu nắng hạ. Tại đây, tôi được trò chuyện với già Rơ Mah Bông, là Xã đội trưởng của E52 tham gia đánh Plei Me thuở ấy. Già chia sẻ rằng, vì là một người con sinh ra và lớn lên ở làng nên già nắm địa bàn trong lòng bàn tay, thuộc rõ từng đường mòn, ụ mối. Nhờ thế, trong những thời điểm hiểm nguy, ác liệt, già Bông luôn kịp thời chỉ đường rút, giúp cho quân ta bảo toàn hoặc ít hao mòn lực lượng.

Còn với người làm công tác hậu cần như bà Ksor H’Blâm (làng Krông, xã Ia Mơr), chiến dịch Plei Me trong ký ức bà, ngoài tính khắc nghiệt, ác liệt của chiến tranh còn có những niềm vui nho nhỏ từ chính những người đồng đội của mình nơi vùng hậu cứ. Bà H’Blâm bồi hồi: “Trận đánh Plei Me ác liệt lắm, không thể tả được. Trên trời, Mỹ cho máy bay lượn như chuồn chuồn, thả bom nhiều lắm. Dưới đất thì xe tăng, xe quân sự… chạy như kiến, chúng kéo càn, bắn điên cuồng vào buôn làng. Mấy lần hai bên đánh giáp lá cà, cả ta cả địch bị thương vong nhiều. Chúng tôi phải vừa liên tục đưa thuốc men, đạn dược vào chiến địa, vừa gấp rút chuyển thương binh về chữa trị, giữa đường nếu gặp địch thì lao vào đánh. Bộ đội ta khi ấy lạc quan lắm, bị thương nặng vẫn cứ ca hát, trêu ghẹo, đùa cợt nhau như thể chẳng biết đau đớn là gì. Mà đó cũng là cách chúng tôi động viên nhau để vượt qua gian khổ, tiếp tục chiến đấu và giành toàn thắng vào ngày 19-11-1965 sau đúng một tháng trời đương đầu với giặc”.

Căng tràn nhựa sống

 

Một góc chiến địa Plei Me hôm nay. Ảnh: Hồng Thi
Một góc chiến địa Plei Me hôm nay. Ảnh: Hồng Thi

Sau gần 50 năm, những đau thương, mất mát dần lùi vào quá khứ. Dọc hai bên quốc lộ, giờ đã ngút ngàn màu xanh của những vườn cà phê, hồ tiêu trải dài tít tắp. Những mái nhà cao tầng được xây dựng rộng rãi, kiên cố và khang trang nhấp nhô xen lẫn. Đường vào làng được trải nhựa hoặc bê tông thẳng tắp đảm bảo đi lại, giao thương thuận lợi và thông suốt. Điện thắp sáng, nước sạch đã kéo về tận từng nếp nhà.

Sau khi cùng mọi người thắp nén hương tưởng nhớ tại bia chiến thắng Plei Me, già Bông chỉ cho tôi vị trí của đồn Plei Me, của làng mình ngày trước và cả cái nơi ông cùng bộ đội ẩn nấp để đánh giặc. “Xưa ở khu vực này toàn là thép gai bao quanh rồi tan hoang vì bom đạn giày xéo thế mà giờ chẳng còn bất kỳ một dấu vết nào. Bà con mình làm kinh tế giỏi, trồng tiêu, trồng cà phê xanh um, lấp hết cả rồi”-già Bông hào sảng.

Có được những thành quả ấy là nhờ sự quan tâm, chăm lo đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự quyết tâm xây dựng cuộc sống mới của bà con dân làng. Bằng việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng-vật nuôi, những loại cây trồng kinh tế bền vững như tiêu, cà phê, cao su… đã dần thế chân các loại cây truyền thống địa phương như mì, bắp, lúa rẫy. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

 

Mảnh đất đau thương xưa giờ trải dài một màu xanh hồ tiêu tít tắp. Ảnh: Hồng Thi
Mảnh đất đau thương xưa giờ trải dài một màu xanh hồ tiêu tít tắp. Ảnh: Hồng Thi

Theo con số cung cấp từ các xã, tính đến hết năm 2013, toàn xã Ia Pia có tổng cộng 750 ha hồ tiêu, 320 ha cà phê, 193 ha cao su, 350 ha mì, 20 ha điều. Ngoài ra còn có một số loại cây trồng khác như: đậu phộng, đậu các loại, bông, bời lời, cây ăn quả… Thu nhập bình quân mỗi năm 20 triệu đồng/người. Cùng với đó, xã Ia Ga cũng có 212 ha hồ tiêu, gần 75 ha cà phê, 83 ha cao su, gần 240 ha điều, hơn 348 ha bắp, hơn 87 ha lúa nước 2 vụ và lúa rẫy. Thu nhập bình quân đầu người 13,2 triệu đồng và phấn đấu đến cuối năm 2014 đạt 14,5 triệu đồng/người.

Trao đổi với tôi về sự đổi thay của mảnh đất trung tâm vùng chiến địa, anh Trần Hiếu-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ga-cho hay: Bộ mặt nơi này thực sự bắt đầu khởi sắc từ khi thành lập xã vào năm 2004. Cơ sở vật chất, điện-đường-trường-trạm được trang bị, xây mới và nâng cấp. Trước kia, đồng bào Jrai thuộc 3 làng Tu 1, Tu 2 và Khôi chủ yếu canh tác dưới những tán rừng, phương thức sản xuất lạc hậu, nhận thức còn hạn chế. Sau năm 1994, chỉ có những hộ dân ở các thôn Thống Nhất, Tân Thủy, Đoàn Kết, Đồng Tâm (hầu hết là người từ phía Bắc vào làm kinh tế mới theo chủ trương của Nhà nước-N.V) là khá giả hơn chút đỉnh nhờ trồng mì cao sản, bắp lai và tiêu. Mãi đến năm 2007-2008, khi cây hồ tiêu bắt đầu được nhân rộng trên địa bàn, đời sống bà con mới dần đủ đầy; nhiều triệu phú, tỷ phú nông dân xuất hiện. Trong vòng 2 năm trở lại đây, Ia Ga là một trong những xã thu ngân sách địa phương đứng đầu huyện Chư Prông.     

Cũng theo anh Hiếu, thời gian qua, nhờ sự quan tâm của Nhà nước và chính quyền địa phương trong việc rà phá bom, mìn mà người dân Ia Ga đã yên tâm hơn trong sản xuất, phát triển kinh tế. Đã không còn nỗi ám ảnh, sợ sệt hay những hậu quả đáng tiếc vì tai nạn bom, mìn còn sót lại trong lòng đất.

Plei Me hoang sơ, khốc khổ ngày xưa giờ chỉ còn là miền ký ức, thay vào đó là Ia Pia, Ia Ga hôm nay đang vươn mình trỗi dậy, khẳng định một sức sống mới.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.