Tháng Tư, hòa bình và yêu thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 30/4/1975 không chỉ là Ngày chiến thắng, đó còn là ngày tỏa sáng niềm tin vào một đất nước độc lập và tự do; chan chứa hy vọng về một đất nước hạnh phúc và hùng cường.

Đúng 11 giờ 30 phút, ngày cuối cùng của tháng Tư năm 1975, những chiếc xe tăng khét mùi thuốc súng húc đổ cổng sắt Dinh Độc Lập, và những lá cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh.

Tờ New York Times ra ngày 1/5/1975 đã gọi ngày 30/4/1975 là “ngày lịch sử của thế giới”. Còn hãng thông tấn AFP khẳng định: “Trong năm 1975, sự kiện nổi bật nhất châu Á là sự kiện 30 tháng 4 của Việt Nam, dư chấn rung động địa cầu”.

Alain Rusco- nhà sử học nước Pháp đánh giá: “Sự kiện 30/4/1975 ở Việt Nam gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế về một dân tộc không chịu khuất phục trước quân thù”.

Với dân tộc Việt Nam, giờ này, ngày này, năm này trở thành một trong những thời khắc thiêng liêng nhất của lịch sử đất nước.

Đó là ngày tỏa sáng niềm tin vào một đất nước độc lập và tự do; chan chứa hy vọng về một đất nước hạnh phúc và hùng cường. Đó còn là điểm tựa tinh thần lớn lao, tạo bệ phóng cho tương lai nước Việt.

Xe tăng Quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu

Xe tăng Quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu

Cũng ngày này, ở khắp 3 miền Bắc-Trung-Nam, nhiều gia đình thầm lặng sắp mâm cơm lên bàn thờ, thắp nén nhang thơm và khóc thương người thân không thể trở về trong ngày vui đại thắng.

Ngày chiến thắng cũng là ngày bắt đầu cho một cuộc sống hòa bình, dưới mỗi mái nhà đều rộn tiếng cười, như những dòng thơ sâu lắng của Đoàn Nam: Mong hòa bình ở với người hậu duệ/Không tồn tại những vết xước chiến tranh/Từng mái nhà chỉ toàn tiếng cười xanh/Vui như thể cả đất trời vào hội (Chiến tranh và Hòa Bình).

Vào một ngày tháng Tư, ở khu phố cũ, tôi từng dự cuộc trò chuyện thật “đặc biệt” giữa ông Phong- một đại tá nghỉ hưu và một người từng bên kia chiến tuyến, mà vì sự tôn trọng nên tôi đành giấu tên.

Nhập ngũ tháng 6/1974, sau thời gian huấn luyện, tháng 12/1974, chàng tân binh tên Phong cùng đồng đội hành quân vào chiến trường Tây Nguyên, chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 66, Sư đoàn 10.

Từ đó, cuộc đời binh nghiệp của anh lính trẻ quê Hà Nam gắn liền với những cuộc hành quân gian nan, những trận đánh khốc liệt: Tham gia giải phóng Buôn Ma Thuột; hành quân thần tốc đánh chiếm Nha Trang, giải phóng Cam Ranh…, cho đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

8h sáng 30/4/1975, Trung đoàn 66 tiến đánh Bộ Tổng Tham mưu ngụy. 9h30 ngày 30/4, lá cờ Quyết chiến quyết thắng của quân ta do các chiến sĩ Trung đoàn 66 cắm, đã tung bay trên nóc tòa nhà.

Giữa đống đổ nát, giữa khét lẹt khói súng, ông và đồng đội đã ôm chặt lấy nhau, hô tên Bác Hồ khản cả tiếng. Trên gương mặt các chiến sĩ Sư 10 đã dạn dày trận mạc đẫm lệ.

Họ khóc bởi niềm vui chiến thắng, non sông liền một dải, sẽ không còn những mất mát, đau thương. Họ khóc vì những đồng đội đã ngã xuống trong suốt hành trình tiến về Sài Gòn, khóc vì những đồng đội ngã xuống trong trận đánh cuối cùng, trước giờ toàn thắng.

Đến bây giờ, ông vẫn luôn tâm niệm rằng, vinh dự lớn nhất trong đời mình là được tham gia giải phóng Sài Gòn, thống nhất nước nhà.

Trong khi anh đang thần tốc tiến về đồng bằng, giải phóng miền Nam, thì tôi lại đang hoang mang không biết lựa chọn chạy trốn hay ở lại- người bạn già của ông Phong rủ rỉ.

Ông nói rằng, ngày đó rất chán ghét chiến tranh, và dù bị ép phải vào lực lượng địa phương quân, phải cầm súng, nhưng kỳ lạ là ông luôn nghĩ rằng quân giải phóng sẽ chiến thắng.

Rồi ngày ấy cũng đến. Khi bộ đội giải phóng Buôn Ma Thuột thì chính quyền Ngụy ở Kon Tum đã rung rinh lắm rồi, cho đến khi nghe đạn pháo quân giải phóng bắn vào thị xã Kon Tum thì bắt đầu tháo chạy.

Trước đó, người lính địa phương quân này đã trốn về nhà, súng đạn được ông giấu để “mai mốt nộp cho chính quyền, chứ quẳng ra đó lại nguy hiểm”. Sau đó, thấy thiên hạ rùng rùng chạy nên gia đình ông cũng bỏ nhà cửa... chạy theo.

Đến cầu Phú Bổn, gặp được bộ đội ta, gia đình ông quyết định quay về Kon Tum. Sau khi trình diện, ông được cho về nhà, với yêu cầu lên trình diện mỗi ngày.

Trưa 30/4, qua làn sóng radio, tôi nghe tin quân giải phóng chiếm Dinh Độc Lập, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Thoáng cái, cờ đỏ sao vàng được treo trước nhiều ngôi nhà. Chiến thắng đến nhanh thế đấy- ông chậm rãi nói.

Sau ngày toàn thắng, dù có không ít bà con, anh em, bạn bè ở nước ngoài, muốn bảo lãnh cho ông theo, nhưng ông từ chối.

Sau này, có người hỏi thẳng tôi: Sao hồi ấy ông không đi, ở lại chi cho khó khăn như vầy? Khoảng thời gian đó đúng là thời gian khó khăn nhất trong đời tôi, nhưng cho đến bây giờ, tôi vẫn không hối hận vì mình đã quyết định ở lại. Bởi vì đây là nhà tôi, và quan trọng hơn, tôi không có nỗi lo sợ bị “trả thù”, và còn vì tôi thấy mình cần phải sống có ích cho quê hương- giọng ông ấm đến lạ.

Câu chuyện kéo dài bên bàn trà. Hai mái tóc bạc kề bên nhau rủ rỉ kể chuyện, như chưa từng có chuyện mỗi người một chiến tuyến.

Hơn hai mươi năm kháng chiến chống Mỹ là một thời gian rất dài với biết bao đau thương, tang tóc do cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo của Mỹ và đặc biệt do chính sách “Việt Nam hóa” chiến tranh thâm độc của Mỹ-Ngụy.

Sự mất mát, đau khổ ở cả hai phía, trong nhiều gia đình Việt Nam. Có những vết thương lòng rất sâu nên sự hàn gắn không dễ dàng, đòi hỏi thời gian.

Nhưng người chiến thắng đã chìa bàn tay nhân ái với bên bại trận để cùng nhau đi tiếp trên con đường xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc trong hòa bình, tự do.

Chúng ta gọi 30/4 là “Ngày Chiến thắng”. Người chiến thắng nở nụ cười khải hoàn nhưng cũng biết thấm vào tim những mất mát đau thương của dân tộc. Những nén nhang thơm, những giọt lệ mặn không là biểu hiện của yếu đuối, của đau khổ hay hờn căm, uất hận.

Như nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đánh giá: Chúng ta giành thắng lợi hoàn toàn ngày 30/4, không hề có “tắm máu”. Hòa giải, hòa hợp dân tộc xuất phát từ truyền thống khoan dung, nghĩa tình của dân tộc ta từ xưa.

Tôi hiểu rằng, với những người đã trải qua tất cả những thái cực của cuộc sống, ánh sáng và bóng tối, lụi tàn và tái sinh, sống và còn, được và mất, thì Ngày Chiến thắng chính là ngày được sống, được gặp nhau và được yêu thương.

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.