Tháng chạp của mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong suy nghĩ của tôi, tháng chạp không đơn giản là tháng cuối cùng trong quỹ thời gian một năm, tháng chạp không dừng lại ở sự nôn nao tiễn cũ đón mới, tháng chạp trong tôi đặc biệt hơn, bởi tháng chạp thường về trong nỗi nhớ dáng mẹ tảo tần lo Tết cho con.
Mẹ tôi đích thị là nông dân, thuần túy chỉ làm ruộng. Nhiều người nghĩ nông dân chỉ lao động ba bữa mùa, còn lại rất nhàn. Đúng mà không đúng. Bằng chứng mẹ tôi không có một ngày nhàn nhã. Chỉ là nông dân nhưng hết ruộng tới vườn, hết bò tới heo, hết đồng tới rừng, hết mẹ (bà ngoại) tới con. Tóm lại, mẹ bị dòng thời gian xoay tròn như cánh chóng. Và khi thời gian đọng lại ở tháng cuối cùng của năm thì đó là lúc mẹ bận rộn nhất.
Anh Cả tôi nói anh em nhà tôi rất kỳ lạ, cứ canh tới tháng chạp là đổ bệnh. Nhà tới tám anh em, những thứ bệnh như cảm, sốt siêu vi rất dễ lây nhưng cứ tới tháng chạp là bệnh. Mẹ loay hoay với một bầy con tái mét, hết sốt lại ói. Bầy con quần một trận nhừ tử nhưng con hết bệnh mẹ lại tất tả ra đồng. Tháng chạp, lúa đồng đang cần được cấy dặm. Vụ lúa Đông Xuân cực nhất khâu này. Vừa ngớt mưa đã sạ nên ruộng thường bị chỗ dày chỗ thưa. Có những năm lúa hư, mẹ lội đồng, xin về từng bó mạ để dặm ruộng. Mẹ đi từ sáng sớm, lúc chưa nhìn rõ mặt người và về nhà cũng là khi đã hết thấy đường. Ròng rã. Không thể thủng thẳng được, lúa mỗi ngày mỗi lớn, chần chừ thì mất ăn - mẹ nói vậy.
Xong đồng thì về nhà lo Tết nhứt.
Nhà nghèo thì có Tết nghèo, mà Tết nghèo càng phải vất vả lo toan nhiều hơn. Tết chỉ ba bữa nhưng có biết bao công việc phải làm để đón Tết, chính xác là việc cứ bày ra trước mắt.
Căn nhà nhỏ, đến tháng chạp bỗng thấy có quá nhiều thứ cần phải thu gom, sắp xếp. Chỉ trừ mỗi việc quét mạng nhện và chà bộ đèn thờ là của ba, còn lại tất tật những việc khác đều là của mẹ.
Mùng mền, chiếu gối qua mùa mưa cần được phơi nắng thơm tho, mẹ lần lượt làm đâu ra đó. Giặt mùng mền cực nhất là vắt, phơi và phải trông chừng mưa nắng.
Một góc chợ quê ngày Tết Ảnh THANH TÂM
Một góc chợ quê ngày Tết Ảnh THANH TÂM
Khi nhà cửa đã sạch đẹp, khâu cuối cùng của tháng chạp là thực phẩm Tết. Đó là những ngày bận rộn vô cùng. Nhà có mảnh vườn nho nhỏ, mẹ trồng mấy hàng khoai từ, đậu ve và rau. Tháng chạp - mẹ có thêm nghề bán rau. Để có một gánh rau cho phiên chợ sáng thì từ xẩm tối mẹ đã phải chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ. Ngồi chợ xong về còn tranh thủ ngâm gạo, đem bột tới lò tráng bánh, đem nếp đi bùm cốm rồi về chuẩn bị dưa chua, mứt gừng, mứt dừa, rót bánh thuẫn…v.v Mỗi thứ một chút nhưng những việc lặt vặt đó chiếm hết thời gian của mẹ.
Trong ký ức của những cái Tết thuở xưa, mẹ tôi bận rộn từ đầu đến cuối tháng chạp. Đến nỗi sau mâm cỗ cúng tất niên, sau những giờ phút cả nhà quây quần bên mâm cơm đoàn tụ thì mẹ vẫn còn công việc. Mẹ sẽ bỏ than vào cái bàn ủi con gà, ủi phẳng phiu những bộ đồ cho chồng, con. Nếu hỏi sao không thấy đồ mẹ, mẹ sẽ nói Tết ở nhà chứ có đi đâu mà là với ủi...
Tháng chạp đã về!
Tháng chạp, tôi hay nghĩ về mẹ. Tháng chạp, mẹ tất bật chuẩn bị Tết cho cả nhà, trừ… mẹ.
Theo Nguyễn Thị Bích Nhàn (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.