Tháng ba Tây Nguyên trong ký ức những vị tướng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đã 44 năm trôi qua nhưng ký ức về những ngày tháng ba Tây Nguyên sục sôi đánh giặc vẫn in đậm trong tâm trí nhiều người. Với những vị tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam, Tây Nguyên không chỉ kiên cường, bất khuất trong đấu tranh mà còn là vùng đất trù phú, ăm ắp nghĩa tình.
Nhắc đến tháng 3 Tây Nguyên, nhiều người đều nhớ nằm lòng những giai điệu mượt mà, đằm thắm: “Tháng 3 mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông hút nước, mùa em đi phát rẫy làm nương...”. Tháng 3, mùa lễ hội, tiếng cồng chiêng ngân vang giữa đại ngàn. Nhưng trong ký ức nhiều người, còn đó những ngày tháng 3 cách đây 44 năm khi cả Tây Nguyên sục sôi khí thế đánh giặc để giải phóng quê hương.
Nghi binh đánh địch
Với Trung tướng Khuất Duy Tiến-nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, Tây Nguyên không chỉ là nơi ông cùng đồng đội anh dũng, kiên cường chiến đấu mà còn là nơi ông “mắc nợ” ân tình. “Tôi luôn nói với con cháu mình rằng còn sức thì phải vào Tây Nguyên vì nơi đó có nhiều đồng đội, đồng chí của tôi nằm lại, nơi đó có tình thương bao la của đồng bào các dân tộc. Vào để thấy Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng đang từng ngày thay da đổi thịt, khi ấy sẽ hiểu cái giá của sự hy sinh xương máu của các thế hệ đi trước”-Trung tướng Khuất Duy Tiến tâm sự.
Nói về những ngày tháng 3 lịch sử, ông kể: Để giải phóng Buôn Ma Thuột, đồng bào các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh Gia Lai đóng góp rất lớn. Khi ấy, ông là Trưởng phòng Tác chiến, được Bộ Tư lệnh chiến dịch giao nhiệm vụ soạn thảo kế hoạch tác chiến, trong đó có kế hoạch nghi binh nhằm làm cho địch không đoán được ý định của ta. Yêu cầu cụ thể của kế hoạch là phải kìm bằng được lực lượng chủ lực Quân đoàn 2 của ngụy ở lại Pleiku và Kon Tum, tạo hướng chiến lược để các đơn vị khác bí mật hành quân chuẩn bị đánh Buôn Ma Thuột. Trên cơ sở đó, cuối tháng 9, đầu tháng 10-1974, trên địa bàn Gia Lai, Sư đoàn 320A cho các tổ luồn sâu vào Thanh Bình, Thanh An trinh sát, sửa đường 5B hướng vào thị xã Pleiku. Trên hướng hoạt động nghi binh, Bộ Tư lệnh chiến dịch cho Sư đoàn 968 huy động lực lượng mở gấp các tuyến đường từ ngã ba Võ Định (Bắc Kon Tum) xuống An Khê; từ Bắc Đức Cơ kéo dài về hướng Tây Pleiku; rồi từ Nam Đức Cơ xuyên đường 14. Bên cạnh đó, để đánh lừa địch, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Gia Lai tiếp tục mở các trận đánh vây ráp đồn địch, chia cách các tuyến đường giao thông, vận động binh lính đầu hàng. Trong những ngày sôi động đó, hàng ngàn người dân thuộc huyện 4 và 5 (nay là 3 huyện Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông) đã cùng bộ đội mở đường vận chuyển hàng hóa quân sự phục vụ chiến đấu.
 Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (bìa phải) và Trung tướng Khuất Duy Tiến gặp lại nhau tại Gia Lai. Ảnh: H.H
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (bìa phải) và Trung tướng Khuất Duy Tiến gặp lại nhau tại Gia Lai. Ảnh: H.H
Trò chuyện với chúng tôi, vị tướng già luôn nhắc tới sự đóng góp không tiếc máu xương của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Giọng ông trầm lắng: Nếu không có sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân thì kế hoạch nghi binh, lừa địch khó có thể hoàn thành. Ban ngày, nhân dân mở đường, giả vờ tải đạn, đào công sự, rồi truyền tin cho nhau rằng quân giải phóng sắp đánh lớn ở Bắc Tây Nguyên. Ban đêm, bà con lại âm thầm, bí mật bảo vệ các tuyến đường chuyển quân của đơn vị, giúp lực lượng vũ trang bí mật vận chuyển vũ khí, phương tiện hướng sang Buôn Ma Thuột, rồi tuần tra đề phòng biệt kích, thám báo... Và sau đòn đánh điểm trúng huyệt, Buôn Ma Thuột được giải phóng ngày 10-3. Chớp thời cơ địch thất thủ, cùng với các lực lượng chủ lực, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã nổi dậy tấn công, truy kích, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng Quân đoàn 2 của địch, loại khỏi vòng chiến đấu 4 tiểu đoàn biệt động quân, 1 trung đoàn thiết giáp và nhiều đơn vị pháo binh, bảo an, dân vệ của địch. Đến ngày 17-3-1975, Gia Lai được hoàn toàn giải phóng.
Cuộc hành quân mang tầm thời đại
Năm nay đã bước qua tuổi 93 nhưng Trung tướng Nguyễn Quốc Thước-nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 vẫn nhớ như in những ngày Tây Nguyên vừa giải phóng. Ông chậm rãi kể: Ngày 26-3-1975, tại Sở Chỉ huy Sư đoàn 320A đóng tại xã Ea Tir (huyện Ea Hleo, tỉnh Đak Lak), Đại tướng Văn Tiến Dũng thay mặt Quân ủy Trung ương công bố quyết định thành lập Quân đoàn 3. Đồng thời giao nhiệm vụ mới cho Quân đoàn: Thời cơ hết sức khẩn trương, Quân đoàn nhanh chóng kết thúc chiến dịch, thu quân cơ động về khu vực Dầu Tiếng-Tây Ninh, chuẩn bị tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Chậm nhất ngày 25-4-1975, đơn vị cuối cùng phải có mặt, riêng Sở Chỉ huy Quân đoàn ngày 10-4 có mặt để nhận lệnh.
Quân đoàn vừa được thành lập, nhiệm vụ sắp tới hết sức nặng nề, tình hình khẩn trương, làm sao chỉ trong 29 ngày phải thu đủ quân đang rải khắp trên hàng trăm cây số vuông; làm sao kịp chấn chỉnh tổ chức, bổ sung quân số trang bị, nhất là các loại pháo và xe tăng sau 1 tháng chiến đấu đã bị tiêu hao. Cùng với đó, tổ chức cơ động trên 3 vạn quân cùng hàng ngàn phương tiện kỹ thuật về hướng chiến trường. Tuy nhiên, lợi thế của Quân đoàn lúc này là vừa làm nên thắng lợi vẻ vang giải phóng Tây Nguyên, đã có kinh nghiệm chiến đấu ở chiến trường, được nhân dân các dân tộc Tây Nguyên yêu thương, bao bọc, che chở.
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Tăng-Thiết giáp 273 (Quân đoàn 3) cùng nhân dân đào mương, lắp ống dẫn nước về làng. Ảnh: H.H
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Tăng-Thiết giáp 273 (Quân đoàn 3) cùng nhân dân đào mương, lắp ống dẫn nước về làng. Ảnh: H.H
Nhớ về những năm tháng khốc liệt, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước kể: Khó khăn chồng chất khó khăn, mâu thuẫn gay gắt giữa khối lượng công việc khổng lồ với thời gian hạn hẹp đã đặt ra cho cơ quan tham mưu Quân đoàn, người chỉ huy các cấp trách nhiệm nặng nề. Thế nhưng, tự hào là đơn vị ra đời trong thời điểm bão táp quyết định vận mệnh thiêng liêng của dân tộc, đơn vị đã gấp rút lên đường. Sư đoàn 320A ở cách xa hơn 400 cây số nhanh chóng cơ động lực lượng, phương tiện; Sư đoàn 10 vừa hành quân vừa mở đường cho cơ giới, vừa đánh trả không quân địch đánh phá. Huy động tất cả các phương tiện hiện có, vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh, toàn Quân đoàn đã có mặt tại vị trí tập kết sớm hơn 1 ngày so với quy định. “Trên cuộc hành quân mang tầm thời đại ấy, tôi vẫn nhớ như in nhiều hộ dân dỡ nhà mình để giúp bộ đội làm cầu, huy động xe bò, xe trâu, thậm chí là mang vác. Sau này, tôi thường nói với đồng chí, đồng đội rằng cuộc hành quân ấy đã kết hợp được sức mạnh của một Tây Nguyên bất khuất, kiên trung và sức mạnh của một Binh đoàn chủ lực được sinh ra từ mảnh đất này”-Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bồi hồi nhớ lại.
Nhớ đến những ngày Tây Nguyên hân hoan mừng giải phóng và cuộc chuyển quân thần tốc của Quân đoàn 3, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước vẫn không quên được những giọt nước mắt của đồng chí, đồng đội được phân công ở lại Tây Nguyên: “Tây Nguyên đã giải phóng nhưng chính quyền còn non trẻ, bọn phản động ra sức chống phá. Vì vậy, nhiều đồng chí được giao ở lại để bảo vệ địa bàn, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh. Nhiệm vụ tiến về giải phóng Sài Gòn là hết sức gấp rút, nhưng bảo vệ nhân dân Tây Nguyên, bảo vệ vùng giải phóng cũng là trách nhiệm nặng nề, cao cả. Do đó, những đơn vị được giao ở lại dẫu có rưng rưng nước mắt, dẫu có nuối tiếc vì không được trực tiếp tham gia trận đánh cuối cùng nhưng vẫn hăng say trên mặt trận mới”.
Cho Tây Nguyên thêm xanh
Chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ, thời gian đã xóa nhòa nhiều dấu tích. Thế nhưng, những địa danh đã đi vào sử sách như Sân bay Cù Hanh, Aria, Chư Nghé, Thanh An, Thanh Giáo... luôn là địa chỉ đỏ để thế hệ trẻ hôm nay tìm hiểu về ý chí, lòng quyết tâm và tinh thần bất khuất của cha anh.
Chúng tôi may mắn được nhiều lần theo chân các vị tướng thăm lại chiến trường xưa. Trong tâm khảm họ luôn đau đáu một nỗi niềm: Làm sao để Tây Nguyên ngày càng bình yên, trù phú? “Cuộc đời binh nghiệp của tôi gắn bó nhiều với Tây Nguyên, ở đó mỗi tên đất, tên làng tôi đều nhớ. Đó cũng là nơi những đồng đội của chúng tôi còn nằm lại mãi mãi cho mảnh đất này tươi xanh hơn. Mỗi lần đến đây, tôi đều căn dặn cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 bên cạnh việc huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu phải giúp đỡ nhân dân các dân tộc phát triển kinh tế, vì Quân đoàn lớn mạnh như ngày hôm nay là nhờ sự giúp đỡ, chở che của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên”-Trung tướng Khuất Duy Tiến bộc bạch. Vậy nên, hơn ai hết, những người lính hôm nay đều hiểu được trách nhiệm của mình với cộng đồng với địa phương. Thiếu tướng Thái Văn Minh-Tư lệnh Quân đoàn 3-chia sẻ: “Là lực lượng chủ lực của Bộ Quốc phòng, những năm qua, bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Quân đoàn đã huy động gần 40 ngàn lượt ngày công để giúp đỡ các địa phương phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới. Kinh tế vững thì an ninh-quốc phòng sẽ mạnh và đó cũng là điều kiện để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ”.
Tháng 3 này, Tây Nguyên ngát hương hoa cà phê. Trên những tuyến đường, cờ hoa tung bay mừng ngày giải phóng. Đâu đó, những buôn làng ở Gia Lai đã bước vào mùa lễ hội. Một Gia Lai bình yên và tươi đẹp, đầy lòng mến khách đang rộng lòng chào đón mọi người.
 HOÀNG HIỂN

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.