Tháng 7 tri ân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 (GLO)- Trong tháng 7 này, các ngành, địa phương trong tỉnh Gia Lai tổ chức nhiều hoạt động tri ân người có công với cách mạng.

Những phần việc thấm đượm nghĩa tình khẳng định đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện trách nhiệm của toàn xã hội với những người đã cống hiến đời mình cho nền độc lập, tự do của dân tộc.

Đoàn viên, thanh niên về nguồn tại Khu di tích lịch sử chiến thắng Chư Nghé (huyện Ia Grai). Ảnh: M.N

Đoàn viên, thanh niên về nguồn tại Khu di tích lịch sử chiến thắng Chư Nghé (huyện Ia Grai). Ảnh: M.N

Mới đây, hơn 20 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) thuộc Đoàn khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, Đoàn Thanh niên BIDV Gia Lai và Đoàn Thanh niên Công an tỉnh đã có chuỗi hoạt động ý nghĩa trong hành trình về nguồn tại xã Ia Krái, huyện Ia Grai.

Trong hành trình ý nghĩa này, các tổ chức cơ sở Đoàn đã tặng 25 suất quà (400 ngàn đồng/suất) cho thương-bệnh binh, gia đình có công với cách mạng. Kinh phí quà tặng do ĐVTN các tổ chức Đoàn đóng góp. Các y-bác sĩ đến từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 50 thương-bệnh binh, gia đình có công với cách mạng trên địa bàn xã.

Thương binh Rơ Châm Duân (làng Tung Breng, xã Ia Krái) chia sẻ: “Tôi rất xúc động khi được các cháu quan tâm tặng quà, khám bệnh. Mong các ĐVTN tiếp tục nỗ lực trong công tác, rèn luyện để tiếp nối truyền thống cách mạng của thế hệ đi trước, chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển”.

Sau hoạt động tặng quà, các ĐVTN đến dâng hương, dâng hoa tại Khu di tích lịch sử chiến thắng Chư Nghé. Qua câu chuyện kể lịch sử của các cựu chiến binh ở xã Ia Krái, ĐVTN cảm nhận sâu sắc hơn về tinh thần anh dũng chiến đấu hy sinh của cha ông để làm nên chiến thắng lịch sử, góp phần giải phóng dân tộc. Thắp nén tâm hương trên đài tưởng niệm, các ĐVTN kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ những người con ưu tú đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc.

Chị Nguyễn Thị Yến-Bí thư Đoàn cơ sở Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho hay: “Qua những câu chuyện lịch sử, những chứng tích của một thời bom đạn, chúng tôi hiểu hơn về sự hy sinh, sự đóng góp to lớn của thế hệ cha ông vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Vì thế, hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình có công với cách mạng được các tổ chức Đoàn triển khai thường xuyên như một sự tri ân, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với thế hệ đi trước. Tôi tự hứa với bản thân phải không ngừng nỗ lực, cống hiến trong công tác, xứng đáng là thế hệ tiếp nối truyền thống cách mạng”.

Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai bàn giao nhà tình nghĩa cho ông Đinh Gak. Ảnh: Văn Ngọc

Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai bàn giao nhà tình nghĩa cho ông Đinh Gak. Ảnh: Văn Ngọc

Ngày 18-7, ông Đinh Gak (SN 1956, làng Jro Dơng, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) phấn khởi vì được nhận ngôi nhà xây kiên cố do Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao tặng. Ngôi nhà rộng 45 m2 với kinh phí 80 triệu đồng do Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn hỗ trợ.

Ông Gak và vợ là bà Đinh Thị Thei từng là du kích, làm nhiệm vụ tiếp tế lương thực cho bộ đội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm 1996, ông Gak và bà Thei được nhận Huy chương Kháng chiến hạng nhất. Do cuộc sống khó khăn nên gia đình ông Gak nhiều năm phải sống trong căn nhà xuống cấp. Ngôi nhà tình nghĩa được trao tặng vào dịp này như một sự tri ân đối với những cống hiến của ông bà trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ông Gak bày tỏ: “Mình cảm ơn sự quan tâm của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Mình nhận thức phải có trách nhiệm giáo dục con cháu về truyền thống cách mạng, nỗ lực hơn trong lao động sản xuất, học tập”.

Dịp này, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao tặng 30 suất quà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng tại xã Kon Thụp (huyện Mang Yang), xã Yang Bắc (huyện Đak Pơ) và thị xã An Khê. Đồng thời, khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho ông Bi (làng Pơ Nang, xã Kon Thụp). Hoạt động tri ân các gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam Anh hùng được Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp tổ chức nhiều năm qua.

Ngày 18-7, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1757/KH-UBND về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực người có công đến các tầng lớp nhân dân. Biểu dương kịp thời những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.

Các huyện, thị xã, thành phố có công trình ghi công liệt sĩ bố trí ngân sách năm 2024 và huy động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tổ chức tôn tạo, tu sửa, chỉnh trang bảo đảm khang trang, sạch đẹp. Cùng với đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức 18 đoàn đến thăm và tặng quà gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công tiêu biểu ở các địa phương.

Trong tháng 7, công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” tiếp tục được các ngành, địa phương trong tỉnh chú trọng với nhiều hoạt động ý nghĩa. Cụ thể, các tổ chức Đoàn trực thuộc Đoàn khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, Thành Đoàn Pleiku, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh, Đoàn cơ sở BIDV Gia Lai đã ra quân dọn vệ sinh tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh bằng các phần việc: thay cát trong lư hương, lau từng bia mộ, quét dọn khuôn viên nghĩa trang.

Đại diện Thành Đoàn Pleiku cũng đến thăm và tặng quà 3 Mẹ Việt Nam Anh hùng và 5 gia đình có công với cách mạng trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương trong tỉnh còn tổ chức thăm hỏi, tặng quà, sửa chữa nhà tình nghĩa… cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng.

Mỗi hoạt động đều thể hiện trách nhiệm, sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với cha ông đi trước. Các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước và sự tự hào dân tộc để mỗi người dân, mỗi ĐVTN chuyển biến sâu sắc trong tư tưởng, biến nhận thức thành hành động, không ngừng nỗ lực trong lao động, học tập, công tác, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trao gửi yêu thương đến trẻ em ở làng tái định cư

Trao gửi yêu thương đến trẻ em ở làng tái định cư

(GLO)- Hàng trăm người dân và trẻ em ở xã Ia Phí (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã nhận được nhận những phần quà ý nghĩa tại chương trình “Áo ấm cho em” do Ban Thanh niên Công an tỉnh Gia Lai, Ban Thanh niên Công an tỉnh Bình Dương phối hợp cùng Huyện Đoàn Chư Păh, Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ tỉnh trao tặng trong ngày 4-12 vừa qua.

Tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn giao thông trước cổng trường

Tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn giao thông trước cổng trường

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn còn nhiều trường học có cổng ra vào nằm cạnh đường quốc lộ và tỉnh lộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) rất cao. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần triển khai các giải pháp nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến học sinh.

Quy định không được chơi game quá 180 phút/ngày: Chủ quán Internet công cộng và giới trẻ Gia Lai nghĩ gì?

Quy định không được chơi game quá 180 phút/ngày: Chủ quán Internet công cộng và giới trẻ Gia Lai nghĩ gì?

(GLO)- Vào tháng 12 sắp tới, Chính phủ sẽ chính thức áp dụng nghị định về quản lý dịch vụ Internet và thông tin mạng trên toàn quốc. Tại Gia Lai, quyết định này được dự đoán sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến các quán Internet công cộng cũng như thói quen giải trí của giới trẻ.