Thăm lò lửa trui rèn tinh thần cách mạng ở Phú Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhân kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh Gia Lai đã đến thăm di tích lịch sử Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc (TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang)-nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, lò lửa trui rèn tinh thần bất khuất, kiên cường của các chiến sĩ cách mạng trong chiến tranh.

Đến thăm Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc (gọi tắt là Trại giam Phú Quốc) lần này, đoàn hành trình về “địa chỉ đỏ” của Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh gồm 15 người. Hành trình kéo dài từ ngày 22 đến 25-4 tại Phú Quốc, các cựu tù chính trị đã tận thấy chuồng cọp Catso, dây thép gai thít chặt người tù; hình thức tra tấn dã man: ép ván vỡ lồng ngực, đục và bẻ răng; đóng đinh vào tay, chân; trùm bao bố chế nước sôi; tra điện…

 Các cựu tù chính trị yêu nước tỉnh viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Phú Quốc. Ảnh: Thuận Văn
Các cựu tù chính trị yêu nước tỉnh Gia Lai viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Phú Quốc. Ảnh: Thuận Văn


Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc thuộc địa phận TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), tồn tại từ tháng 6-1967 đến tháng 3-1973. Đây là nơi từng giam giữ hơn 40.000 tù binh, trong chừng đó năm, đã làm hơn 4.000 người chết, hàng chục ngàn người bị thương tật, tàn phế bởi hơn 40 hình thức tra tấn vô cùng dã man.

Dù đã trở lại đây nhiều lần nhưng ông Nguyễn Văn Thuận-Ủy viên Thường trực Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh-vẫn không khỏi rùng mình nơi Mỹ-ngụy tra tấn, đày đọa mình. 18 tuổi, ông là bộ đội trinh sát ở mặt trận Bình Trị Thiên. Trong một trận đánh năm 1966, vì không cân sức, đồng đội hy sinh, bản thân ông Thuận bị thương và bị địch bắt làm tù binh.

Địch đưa ông vào Trại giam Non Nước (TP. Đà Nẵng), sau đó giam giữ ở Phú Quốc. Ông Thuận bị địch tra tấn, dụ dỗ, mua chuộc dò la tin tức của quân ta. Thế nhưng, với lòng kiên trung với Tổ quốc, ông Thuận đã không bao giờ chịu thỏa hiệp.

Ông Thuận kể: “Tôi bị nhốt ở Trại giam Phú Quốc cho đến khi được trao trả ngày 21-3-1973 là 6 năm lẻ 1 ngày. Lần nào trở về đây, tôi vẫn chung một cảm xúc, rùng mình ớn lạnh khi nhớ lại những đòn roi tra tấn của kẻ thù. Tuy nhiên, bản thân luôn ngẩng cao đầu hiên ngang tư thế của người chiến thắng, tự hào về bản lĩnh, tinh thần người chiến sĩ Cộng sản”.

Cũng là tù binh Trại giam Phú Quốc, nhưng đây là lần đầu tiên ông Hoàng Minh Hải-Trưởng ban Liên lạc cựu tù chính trị yêu nước huyện Phú Thiện-trở lại nơi được trao trả (tháng 3-1973). Năm 1971, trong một trận đánh ở huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên-Huế), ông Hải bị thương nặng và bị địch bắt đưa về nhà tù Mang Cá, rồi di chuyển đến Trại giam Non Nước, sau đó, chuyển ra Trại giam Phú Quốc.

Ở đây, địch đã dùng mọi thủ đoạn để lung lạc ý chí chiến đấu của ông nhằm moi thông tin của quân ta. Ông Hải cho biết, không tù binh nào ở Trại giam Phú Quốc thoát khỏi sự tra tấn dã man, đê hèn của kẻ thù, chuyện này xảy ra như cơm bữa. 48 năm đã trôi qua, song ký ức về những ngày tháng bị giam cầm tại Trại giam Phú Quốc vẫn không hề phai mờ trong tâm trí ông.

Trở lại Phú Quốc lần này với bao cảm xúc, ông Hải chia sẻ: “48 năm trước, huyện Phú Quốc đầy mất mát, hy sinh của các chiến sĩ cách mạng. Đau thương mà các anh phải chịu đựng không thể diễn tả hết bằng lời. Thế nhưng, ai cũng kiên cường vượt qua để chờ ngày thống nhất đất nước. Thành phố Phú Quốc bây giờ nhộn nhịp và rất phát triển, nhưng những dấu tích của “địa ngục trần gian” vẫn còn lưu giữ, để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau”.


Những người lần đầu tiên đến thăm Trại giam Phú Quốc không tránh khỏi bàng hoàng, rùng mình ớn lạnh khi nhìn thấy những hình ảnh mô phỏng cảnh tra tấn tù binh ở địa ngục trần gian. Bà Võ Thị Mai-Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị yêu nước huyện Đak Đoa, từng bị địch giam giữ ở Quảng Ngãi-bày tỏ: “Lần đầu đến thăm Trại giam Phú Quốc, nhìn cảnh tra tấn tù binh, tôi không kìm được nước mắt, lòng đau như cắt. Đâu cần phải tưởng tượng, chỉ cần nhìn những tượng người mô phỏng, tôi cũng đã hình dung được những đòn tra tấn dã man của kẻ địch đối với các chiến sĩ cách mạng”.

Ngoài thăm Trại giam Phú Quốc, Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh còn tới dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ Phú Quốc; Bảo tàng Phú Quốc; đền thờ Nguyễn Trung Trực… Ông Trần Chín-Phó Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh-cho hay: “Được sự tạo điều kiện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh đã có dịp đến thăm các di tích lịch sử tại Phú Quốc. Mỗi chứng tích đều dấy lên trong lòng các cựu tù chính trị những đau thương, mất mát, nhưng cũng rất đỗi tự hào.

Trại giam Phú Quốc sẽ mãi là trang lịch sử sống động, nhắc nhở mỗi người sống sao cho xứng đáng với những hy sinh to lớn của các chiến sĩ cách mạng, những tấm gương sáng ngời mà sách sử đã ghi lại: Bất khuất giữa trại giam, tù binh Cộng sản Phú Quốc/Chết mà bất tử-kiên cường trong ngục tù/Bộ đội giải phóng miền Nam-thác vẫn trường tồn/Dưới mộ cờ đỏ bọc xương-sóng biển tỏa bát ngát/Ru giấc ngủ liệt sĩ, tù binh…”.
 

 THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Ngọc Lương tặng quà cho thương binh Hoàng Xuân Hảo (phường An Nhơn Nam).

Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Nguyễn Ngọc Lương thăm, tặng quà các gia đình chính sách ở khu vực phía Đông tỉnh

(GLO)- Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), chiều 22-7, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai, đến thăm, tặng quà gia đình chính sách ở các xã, phường khu vực phía Đông tỉnh. Cùng đi có lãnh đạo một số sở, ngành.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Anh (thứ 6 từ trái sang) tặng quà cho lãnh đạo phường Hoài Nhơn. Ảnh: Phi Long

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Anh làm việc với phường Hoài Nhơn, Hoài Nhơn Nam và các đơn vị quân đội

(GLO)- Ngày 17-7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Tuấn Anh đã đến thăm, làm việc với lãnh đạo phường Hoài Nhơn, Hoài Nhơn Nam, Đồn Biên phòng Tam Quan Nam và Ban Chỉ huy Phòng thủ Khu vực I - Hoài Nhơn Nam nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Anh (thứ 10 từ phải sang) tặng quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho lãnh đạo và Công an phường Hoài Nhơn Tây. Ảnh: Phi Long

Hoài Nhơn Tây và Hoài Nhơn Bắc cần áp dụng AI để nâng cao hiệu quả công việc

(GLO)- Chiều 16-7, đồng chí Nguyễn Tuấn Anh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã có buổi làm việc với tập thể lãnh đạo 2 phường Hoài Nhơn Tây và Hoài Nhơn Bắc về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị sau hơn nửa tháng vận hành theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Rah Lan Chung trực tiếp trao 2 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đầu tiên do cấp xã cấp cho 2 người dân trên địa bàn. Ảnh: Vũ Thảo

Xã Gào cần định hướng mục tiêu và có giải pháp giảm nghèo bền vững

(GLO)- Sáng 15-7, đồng chí Rah Lan Chung - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai, có buổi làm việc với xã Gào về tình hình hoạt động của tổ chức bộ máy sau sáp nhập đơn vị hành chính. Tham gia buổi làm việc có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đơn vị của tỉnh.

null