(GLO)- Xuân về, khi mọi người tạm gác lại những bộn bề, lo toan của cuộc sống để trở về với gia đình, cùng người thân quây quần bên mâm cơm ấm cúng thì đâu đó vẫn còn rất nhiều những người lao động xa quê phải xuôi ngược mưu sinh trong nỗi nhớ nhà, nhớ người thân và nhớ Tết quê hương đến quặn lòng.
Ngày Tết cũng như ngày thường
Lẫn trong những tiếng nói cười vui tươi của dòng người đổ về du Xuân trên khắp các điểm vui chơi, các ngả đường của thành phố Pleiku những ngày này là tiếng mời chào “mua số đi anh ơi”, “mua bóng bay cho con đi anh chị ơi”… của những người bán dạo. Đa phần họ là những người lao động nghèo đến từ các tỉnh thành lân cận. Vì gánh nặng cơm áo mà họ bỏ lại phía sau những ngày đoàn viên, sum họp gia đình ngay cả trong ngày Tết để rồi lặng lẽ một mình ngược xuôi mưu sinh nơi đất khách quê người.
Rất nhiều người vì mưu sinh mà quên đi một mùa Xuân nữa lại về. Ảnh: H.T |
Hơn 13 năm đến với nghề bán bóng bay dạo cũng là chừng ấy năm anh Võ Thanh Lâm (42 tuổi, quê ở Bình Định) không biết đến mùi vị Tết là như thế nào. Với anh, Tết cũng như bao ngày bình thường khác, không bánh chưng, bánh tét, không chén rượu đầy chúc nhau đầu Xuân mà thay vào đó là những ngày rong ruổi trên từng cây số để bán những quả bóng bay đủ sắc màu cho trẻ con. Nói về những lần không được đón Tết ở quê, anh bùi ngùi: “Mấy năm đầu không được ở nhà đón Tết cùng vợ con, tôi thấy chạnh lòng lắm. Nhưng rồi… đi miết cũng thành quen. Các con tôi cũng đã quen với những ngày Tết không có cha ở nhà. Giờ chỉ mong sao kiếm được nhiều tiền hơn để gửi về cho chúng được đi học đủ đầy”.
Cũng như anh Lâm, những ngày này, vợ chồng anh Nguyễn Văn Út (quê ở Đồng Tháp) cũng đang tất bật mưu sinh trên khắp các nẻo đường của thành phố Pleiku. Mang theo hai chiếc xe đạp từ quê lên, hàng ngày vợ chồng anh dậy sớm, đạp xe chở đầy những viên cá chiên len lỏi khắp mọi ngõ ngách của thành phố để bán. Với họ, đây là thời điểm bán được nhiều hàng nhất trong một năm làm ăn nên dù nhớ nhà đến quặn lòng họ cũng bấm bụng ở lại chỉ để mong kiếm thêm miếng cơm, thêm hộp sữa cho lũ trẻ ở nhà. Anh tâm sự: “Lúc đầu thấy mọi người đua nhau mua sắm, vợ chồng tôi cũng tính mua một ít bánh kẹo để trong phòng trọ cho có hương vị Tết. Nhưng rồi nghĩ lại ngày nào cả hai vợ chồng cũng tất bật đi làm đến tận đêm khuya mới về nên lại thôi không mua sắm gì nữa”.
Điều ước đầu năm
Đa phần họ đều có hoàn cảnh khó khăn, không có vốn sản xuất, đành phải mưu sinh xa xứ. Đến với mảnh đất này, họ chỉ buôn bán những mặt hàng có nguồn vốn nhỏ. Bởi vậy nên những ước mơ khởi đầu cho một năm mới với họ cũng rất đỗi bình thường.
Gặp chị Nguyễn Thị Lan (quê ở Thừa Thiên-Huế) đang ngồi bán hàng rong trước một cổng chùa trên đường Trường Chinh, chúng tôi không khỏi động lòng trước người phụ nữ đã ngoài 50 tuổi nhưng hàng ngày vẫn phải rong ruổi với gánh hàng rong của mình trên từng ngõ hẻm. Nhà nghèo, chồng lại cờ bạc nên bao nhiêu của cải làm ra đều bị ném vào trò “đen đỏ” khiến cho gia đình rơi vào cảnh nợ nần. Chán nản, chị bỏ nhà vào đây mưu sinh đã 7 năm nay và chưa một cái Tết nào chị được về sum họp cùng gia đình. Khi được hỏi về ước mơ trong năm mới, tay vừa mân mê những chiếc ví, chị vừa nói trong nước mắt: “Năm mới tôi chỉ mong bán được nhiều hơn để kiếm tiền về trả nợ và mong sao chồng tôi bỏ được cờ bạc để chú tâm làm ăn buôn bán cho gia đình nhanh thoát khỏi cảnh nghèo túng này”.
Chị Nguyễn Thị Khuyến (quê ở Thanh Hóa) vào đây mưu sinh đã 8 năm nay. Trên chiếc xe đạp cũ kỹ của chị là một hộp kính nhựa đựng mấy gói bắp rang và mấy quả bóng bay được thổi phồng, nối dây cột trên ghi đông xe đạp. Thoạt nhìn có vẻ những món hàng của chị chẳng làm thay đổi được cuộc sống của một thân phận nghèo. Vậy mà đã 8 năm nay, những món hàng này trở thành chiếc cần câu cho miếng cơm, manh áo và sự học của 5 đứa con ở ngoài quê. Nói về ước mơ cho một năm mới vừa đến, chị Khuyến tâm sự: “Tôi chỉ mong sao ngày nào cũng bán hết hàng để chuẩn bị những món hàng mới cho ngày mai. Có như thế thì tôi mới mong kiếm được chút tiền gửi về nuôi các con ăn học và dành dụm cho những chi tiêu trong gia đình lúc mùa mưa bão về…”.
Đó cũng là ước mơ của bao mảnh đời khác mà tôi đã gặp. Với họ, những gánh hàng rong nhẹ dần trên vai, những quả bóng bay, quả cầu vơi dần trên chiếc xe mỗi ngày đã là một niềm vui lớn. Giản dị là vậy nhưng không biết ngày mai đây, những điều ước trên có trở thành hiện thực trong khi cuộc sống còn quá nhiều bộn bề, lo toan? Tôi cầu mong một năm mới nhiều may mắn sẽ đến với họ và chúc cho những cái Tết năm sau, họ được trở về trong không khí đầm ấm của gia đình.
Hồng Thương