Teo tóp 'đại dự án' chăn nuôi ở Đắk Lắk

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sau hơn 10 năm triển khai, dự án chăn nuôi hướng thịt quy mô hơn 1.500 ha tại Đắk Lắk không những chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng mà chủ dự án còn xin trả lại hơn 1.000 ha đất. Trong thời gian này, hơn 300 hộ dân có đất thu hồi phải "sống dở chết dở".

Doanh nghiệp được nhiều ưu ái

Năm 2010, UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận cho Công ty TNHH liên hợp công - nông nghiệp phát triển bền vững Sao Đỏ (Công ty Sao Đỏ - chủ đầu tư) thuê 1.513 ha đất thời hạn 50 năm để thực hiện dự án đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc hướng thịt tại xã Ea Lai, H.M'Đrắk. Dự án có quy mô nuôi 13.000 con bò; quản lý, bảo vệ 71,5 ha rừng tự nhiên; trồng 96,5 ha rừng sản xuất; tổng mức đầu tư gần 224 tỉ đồng…

Khu trang trại dự án chăn nuôi của Công ty Sao Đỏ. Ảnh: Hoàng Bình

Khu trang trại dự án chăn nuôi của Công ty Sao Đỏ. Ảnh: Hoàng Bình

Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk có nhiều cho dự án này như miễn, giảm tiền thuê đất; trích kinh phí cho chủ đầu tư tạm ứng hơn 55 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng (GPMB). Dự án được kỳ vọng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, cải thiện đời sống người dân địa phương... Thế nhưng, theo ghi nhận gần đây, Công ty Sao Đỏ mới triển khai trên diện tích khá khiêm tốn so với quy mô dự án; công tác GPMB của dự án vẫn chưa hoàn thành.

Ông Nguyễn Đình Dũng (ở thôn 8, xã Ea Lai) cho biết gia đình ông có 5 ha đất bị thu hồi tại dự án với chi phí đền bù khoảng 800 triệu đồng. Đến nay, ông nhận tiền đền bù 3 lần tổng cộng gần 300 triệu đồng. Phần đất chưa đền bù, ông Dũng không được trồng cây lâu năm, phải trồng cây ngắn ngày, hiệu quả rất thấp.

"Do đất không phù hợp trồng cây ngắn ngày nên tôi đành bỏ hoang diện tích chưa đền bù. Tính ra 10 năm, nếu không có dự án, tôi có thể trồng 2 vụ keo trên 5 ha đất và đã có thu nhập khoảng 900 triệu đồng. Thế nhưng giờ tiền đền bù không đủ, đất phải bỏ hoang, người dân chúng tôi thiệt thòi đủ đường", ông Dũng bức xúc.

Trả lại 1.000 ha đất

Theo ông Võ Đức Nhân, Chủ tịch UBND xã Ea Lai, toàn dự án có 314 hộ dân bị với diện tích khoảng 500 ha, hơn 1.000 ha còn lại là đất của các công ty lâm nghiệp. Đến nay, dự án mới hoàn thành chi trả đền bù cho khoảng 212 hộ, những hộ còn lại chỉ nhận đền bù một phần hoặc chưa nhận được đền bù.

Chưa thể thu hồi hơn 55 tỉ đồng tạm ứng ngân sách

Vào năm 2018, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành kết luận thanh tra về dự án của Công ty Sao Đỏ. Tại thời điểm thanh tra, nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án chỉ khoảng 125 tỉ đồng (đạt 56% tổng vốn đăng ký đầu tư). Số lượng đàn bò, diện tích trồng rừng, quy mô sử dụng lao động… đạt rất thấp so với kế hoạch đề ra.

Cuối năm 2022, Thanh tra Chính phủ có thông báo kết luận thanh tra, đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi số tiền hơn 55 tỉ đồng đã cho Công ty Sao Đỏ tạm ứng để nộp về ngân sách; thu hồi diện tích đất không sử dụng, ký hợp đồng thuê đất và xử phạt chủ đầu tư về các vi phạm trong thực hiện dự án. Đồng thời đề nghị tỉnh Đắk Lắk làm rõ trách nhiệm và có biện pháp xử lý về việc suy giảm hơn 51 ha rừng tự nhiên tại dự án của Công ty Sao Đỏ.

Ngày 16.2, theo một lãnh đạo Sở Tài chính Đắk Lắk, trước khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã có chỉ đạo Sở phối hợp các bên liên quan truy thu số tiền Công ty Sao Đỏ tạm ứng. Tuy nhiên, hiện chưa thu hồi được do chưa xác định được diện tích cuối cùng mà Công ty Sao Đỏ sử dụng.

"Hiện Công ty Sao Đỏ có nhu cầu sử dụng đất khoảng 400 ha, ít hơn rất nhiều so với ban đầu. Do đó, H.M'Đrắk và phía công ty đang xác định lại diện tích đất sử dụng, đất trả lại. Sau khi hoàn tất công đoạn nói trên mới tính toán để truy thu được", lãnh đạo Sở Tài chính Đắk Lắk cho biết.

Cũng theo ông Nhân, hiện Công ty Sao Đỏ đã có văn bản đề nghị trả lại hơn 1.000 ha trong vùng dự án (phần đất của các công ty lâm nghiệp), chỉ sử dụng hơn 400 ha (trên diện tích đất thu hồi của người dân).

Theo ông Thảo, tổng mức đền bù GPMB tại dự án là 106 tỉ đồng, nhưng đến nay Công ty Sao Đỏ mới thực hiện hơn 76 tỉ đồng (trong đó có hơn 55 tỉ đồng tạm ứng từ ngân sách). "Thực tế nhà đầu tư chỉ bỏ ra khoảng 22 tỉ đồng tiền GPMB. Kinh phí đền bù GPMB là của nhà đầu tư nhưng không đủ. Khi nào đền bù xong mới giao đủ đất được", ông Thảo lý giải.

Ông Đặng Thái Nhị, Tổng giám đốc Công ty Sao Đỏ, xác nhận đã có văn bản đề nghị trả lại 1.000 ha đất trong vùng dự án gửi UBND tỉnh Đắk Lắk. Theo ông Nhị, lý do trả lại đất là công tác GPMB chậm, gây khó khăn trong việc triển khai dự án và thiệt hại về kinh tế đối với công ty. Ông Nhị cũng cho biết đã có kế hoạch hoàn trả lại số tiền hơn 55 tỉ đồng được tạm ứng cho địa phương.

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.