Tây Nguyên: Nông sản được giá, nông dân ăn tết lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Năm nay, nhiều loại cây trồng chủ lực ở Tây Nguyên như hồ tiêu, cà phê, chanh dây, mì có giá cao, đã giúp nông dân có thu nhập khá. Nhờ đó, nông dân có điều kiện sắm sửa để đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần tươi vui, phấn khởi.

Sản xuất cà phê ở Đắk Lắk. Ảnh: Mai Cường
Sản xuất cà phê ở Đắk Lắk. Ảnh: Mai Cường


Chỉ còn vài ngày nữa là đến tết Nguyên đán Nhâm Dần. Tại các tỉnh Tây Nguyên, không khí hân hoan chào đón năm mới đang rộn ràng khắp buôn làng, thôn bản. Năm nay, nhờ nông sản được giá nên người dân có điều kiện mua sắm, trang trí chuẩn bị đón tết khang trang hơn. Đến thôn 8, xã Đắk Ruồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, con đường dẫn vào làng sạch sẽ, tươm tất. Từng tốp người dân đi mua sắm tết, trên xe chất đầy bánh mứt, hoa quả… Anh Shit (thôn 8, xã Đắk Ruồng) phấn khởi: “Gia đình tôi trồng 2ha mì. Năm nay dù dịch bệnh nhưng được cái giá mì cao ở mức 2.900 đồng/kg, cao nhất trong 10 năm qua. Tổng số tiền gia đình thu được là 130 triệu đồng. Trừ hết chi phí còn lời được 80 triệu đồng. Nhờ đó mà gia đình có tiền ăn tết, lo cho con cái học hành. Đến giờ phút này, gia đình đã chuẩn bị mọi thứ đầy đủ để đón Tết Nhâm Dần”.

Ông Võ Văn Lương, Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, cho biết, cây trồng chủ lực trên địa bàn là mì và cà phê. Năm qua, giá 2 loại nông sản này khá cao nên bà con có lời. Nhờ đó, bà con có nguồn thu để mua sắm tết đầy đủ hơn. Bên cạnh đó, huyện cũng có nhiều chính sách để chăm lo tết cho bà con như tổ chức Ngày hội bánh chưng xanh để bà con có bánh chưng đón tết, chăm lo, hỗ trợ cho các gia đình khó khăn….

Ngược về Đắk Lắk, thủ phủ cà phê của vùng Tây Nguyên, năm nay, nhờ cà phê được giá nên không khí xuân ở tỉnh cũng nhộn nhịp hơn. Các chợ nhỏ, chợ lớn từ xã, huyện đến thành phố đều nhộn nhịp người mua sắm. Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk), đánh giá: “Năm nay, giá cà phê lên hơn 40.000 đồng/kg, là mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Trong thời buổi vật giá leo thang, chi phí chăm sóc cao nhưng ở mức giá này bà con làm cà phê có lợi nhuận. Năm nay, người trồng cà phê ăn tết lớn”.

Đi dọc tỉnh lộ 8 vào huyện Cư M’gar - huyện có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh, không khí xuân đã tràn về đến từng ngõ ngách buôn, bản. Dạo quanh thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) không khí mua sắm tết nhộn nhịp hơn mọi năm. Đặc biệt, hàng quán hoa cảnh, mai, đào tấp nập người xem, người mua. Gặp anh Phạm Trí Độ (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) khi anh chọn mua một chậu me cảnh với giá hơn 10 triệu đồng để chơi tết. Anh Độ cho biết, năm nay với 2ha cà phê, gia đình thu được hơn 8 tấn cà phê nhân. “Thu hoạch cà phê xong tôi bán hết với giá 42.000 đồng/kg, trừ hết chi phí lợi nhuận thu về gần 200 triệu đồng. Mấy năm liên tục cà phê mất giá, tết đến chẳng dám tiêu xài nhiều. Năm nay, nhờ cà phê được giá mình mua sắm mạnh tay hơn, ăn tết thoải mái chút, con cái cũng có điều kiện học hành tốt hơn”, anh Độ phấn khởi nói.

Ông Lê Nam Cao, Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar, cho biết, năm nay dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng cà phê và hồ tiêu được giá nên đời sống của bà con trong vùng cũng cải thiện, không khí xuân nhộn nhịp hơn mọi năm. “Nhờ cà phê được mùa, được giá nên kinh tế của bà con cũng khấm khá. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn cũng giảm so với mọi năm. Hy vọng rằng giá cà phê, hồ tiêu luôn bình ổn ở mức này để kinh tế bà con ổn định, góp phần đẩy mạnh sự phát triển của địa phương”, ông Cao chia sẻ.

 

Theo HỮU PHÚC - MAI CƯỜNG (SGGPO)
 

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.