Tây Nguyên nỗi nhớ làng rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã hơn bốn mươi năm sau ngày đất nước mình thống nhất, năm nào cũng vậy, để thỏa nỗi nhớ, dù khó khăn đến mấy tôi cũng cố tự tìm cho mình một vài cơ hội để về lại được với buôn làng Tây Nguyên. Ở nơi ấy tôi có bạn bè, có bà con anh em và có toàn bộ tuổi trẻ của mình.

Tôi tự nhận đó là quê hương thứ hai.

Nhưng mấy năm gần đây, mỗi lần về với núi, với rừng, tôi lại gặp cái cảm giác buồn vui lẫn lộn. Cơ chế thị trường ập tới, từng góc phố, từng ngôi làng xa xôi, mọi sự đều đã đổi thay. Và đúng là không thể không thay đổi.

Nhưng rồi sẽ thế nào đây?

Mẹ Lúa bây giờ được xuống đất bằng, có mương nước, có ruộng nước tươi tốt hơn xưa và Mẹ Lúa về kho cũng đơn giản gọn nhẹ, dễ dàng hơn thời chúng tôi nhiều. Thung lũng Ia Drăng (huyện Chư Prông) hôm nay tôi về đi đến đâu cũng thấy rầm rập xe công nông, xe bò chở mì khô ra, chở các vật dụng sinh hoạt vào. Để có được những khoảnh ruộng vàng rộm dâng hương lúa mới dưới triền thung kia, để có được hạt thóc như hạt thóc nhà ông Siu Ho, nhà anh Kpa Miết bạn tôi ở làng mới định cư đây, đâu phải chuyện bình thường. Bao nhiêu công trình lớn nhỏ đã và đang hoàn thành. Bao nhiêu của cải của dân của nước phải trải qua không biết bao nhiêu chuyện mới cũ, đúng sai. Ở trên kia là rừng già, là làng buôn cũ với ngàn đời phong tục. Ở  dưới này là hồ là ruộng, là điện-đường-trường-trạm.

 

Ngày hội làng. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Ngày hội làng. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Vậy mà đối với ông Rơ Lan Liêng và các già làng, trong lòng ai cũng mang nặng nỗi nhớ rừng già, nhớ làng cũ khôn nguôi. Người già nhớ chuyện cũ, đó là câu thành ngữ của người Jrai. Thanh niên thích leo núi, đó là câu thành ngữ của người Bahnar. Nhiều lúc nhớ lại cứ khiến tôi chạnh nghĩ, đối với bà con các dân tộc Tây Nguyên, rừng là tất cả. Cuộc sống của con người ở nơi đây nương tựa vào rừng. Không ai yêu rừng, tôn trọng rừng và giữ rừng tốt hơn họ, bởi chính họ là những đứa con thiêng của rừng. Con người của cộng đồng làng là con người của mối liên hệ mật thiết giữa làng với rừng. Nói đến làng rừng Tây Nguyên là nói đến những luật tục có liên quan đến sự sống còn của con người và sự tồn tại của rừng. Mỗi thành viên của cộng đồng làng gắn bó với nhau tạo nên sức mạnh để tồn tại và hòa nhập với rừng, với thiên nhiên. Tôi trở lại Plei Ơi (huyện Phú Thiện), gặp những người thân xưa cũ. Già Triêm, già Rim, già Díp, anh Yaih... Làng mới định cư xuống núi hàng chục năm rồi, vậy mà nếp sinh hoạt xưa cũ như quần tụ với nhau quanh bến nước, quanh nhà rông vẫn là niềm vui của mọi người.

Làng của người Tây Nguyên được hình thành từ nền văn minh trồng cây lúa khô nương rẫy. Đó là một tổ chức xã hội gần như duy nhất và cũng là cội nguồn của nền văn hóa bản địa. Trong sinh hoạt cộng đồng, mỗi khi nhà nào có việc, liền được sự đóng góp chung của mọi người. Ghè rượu quý nhất của mỗi gia đình được đem đến cùng chia sẻ. Niềm vui nỗi buồn của mỗi người cũng là niềm vui nỗi buồn chung của cả buôn làng. Cái sợ lớn nhất của con người ở đây là bị buộc phải tách ra khỏi cộng đồng. Điều ấy còn đáng sợ hơn cả cái chết. Bởi vậy, tôi nghĩ, Tây Nguyên, từ cội nguồn của văn hóa làng-rừng đã tạo nên sắc thái riêng biệt, độc đáo mà chỉ nơi đây-miền rừng nối tiếp miền rừng mới có. Những quần thể tượng nhà mồ hồn nhiên sinh động hòa nhập vào tự nhiên như vẻ đẹp nguyên sơ của tâm hồn người bản địa. Mái nhà rông chính là nơi quần tụ cộng đồng để các già làng lo việc chung, phân xử đúng sai và cũng là nơi trai tráng tụ tập phòng khi bất trắc.Văn hóa dân tộc nói chung vốn gắn liền với đời sống của cộng đồng.

Một khi điều kiện sống thay đổi thì cũng sinh ra lắm chuyện. Làm sao giữ được nhà rông? Chúng ta không thể làm thay cho bà con, nhưng sự hỗ trợ (đúng) là rất cần thiết. Vì sao tôi lại ngoặc đơn ra cái chữ “đúng” này, bởi nhiều năm nay ta đầu tư cho nhà rông không ít, mà hiệu quả đem lại không nhiều, như cách nói của cố họa sĩ Xu Man, người bạn già đã về với tổ tiên. Hồi nghỉ hưu ông sống cùng bà con ở Plei Bông (huyện Mang Yang). Khắc khoải nhìn cảnh cán bộ đốc thúc bà con làm lấy được nhà rông mái tôn, ông bảo trật lất rồi. Vì sao sai? Vì các nhà quản lý và các nhà đầu tư không hiểu vẻ đẹp văn hóa lâu đời của nếp sinh hoạt nhà rông, mà chỉ muốn “cải tạo” nó thành ra hội trường! Nhà rông là nét đẹp văn hóa riêng của làng rừng Tây Nguyên. Giữ được nó tức là giữ được cái hồn cốt của nét đẹp sinh hoạt cộng đồng.

Văn hóa Tây Nguyên nói chung cũng vậy. Nó thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa con người với tự nhiên. Đời sống tâm linh của người Tây Nguyên vô cùng phong phú. Bà con cho rằng bên trong mỗi cái cây, ché rượu, hòn đá, bầu nước, mọi vật quanh ta đều có linh hồn. Điều đó thể hiện sự tôn trọng sâu xa đối với tự nhiên. Tôi chợt thấy lo khi môi trường thay đổi, khi cái tín ngưỡng đa thần giáo ấy không còn giữ được, thì điều gì sẽ diễn ra?

Cái gì sẽ thay thế nó đây?

Vâng, đổi mới mang lại cho cuộc sống hiện đại nhiều cái mới, có nhiều cái mới tất có nhiều niềm vui. Nhưng phía sau niềm vui hiện đại là cả một sự vật vã chuyển mình của bà con. Ở Tây Nguyên ngày nay, rừng và làng đâu có còn quần tụ như xưa? Làng mới chuyển ra hai bên mặt đường thành ra nửa phố, nửa làng. Cuộc sống mới kéo theo biết bao đổi thay, hệ lụy về phong tục tập quán. Đi tới đâu tôi cũng gặp cái hân hoan phấn khởi của lớp trẻ với dàn karaoke, và bên cạnh đó là nỗi khắc khoải nhớ rừng của người già. Sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa là tất yếu. Nhưng đằng sau nó là cả một vấn đề rất lớn về xã hội và con người.

Để Tây Nguyên thắng được cái đói, cái nghèo, rất cần sự quan tâm của toàn xã hội. Hơn nữa, cần sự hiểu biết sâu sắc về phong tục tập quán, điều kiện tự nhiên của các nhà hoạch định chính sách. Chính sách tạo cho bà con đường hướng phát triển lâu dài. Nhưng phải nhớ rằng, chính sách sai thì sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Để biến những ý tưởng và khao khát có được một Tây Nguyên giàu đẹp, giữ được bản sắc văn hóa riêng thành hiện thực, tôi cứ nghĩ đi nghĩ lại, chuyện này không thể nôn nóng, đâu phải chuyện một sớm một chiều.

Tây Nguyên, mái nhà chung của chúng ta. Đến với xứ sở này không phải chỉ là đến với một vùng đất đầy tiềm năng để khai thác, mà trước hết, cần đến từ những tấm lòng chân thật.

Cách đây hơn 20 năm, tôi có tới một làng sâu hun hút trên núi, tình cờ gặp cô giáo Thanh. Thanh còn rất trẻ, mới 18 tuổi, quê cô ở mãi Ninh Bình, là giáo viên vừa ra trường thì tình nguyện vào đây cùng các bạn đem cái chữ đến giúp cho bà con nghèo. Cô cũng chỉ bằng tuổi chúng tôi hồi mới vào Nam thời đánh Mỹ. Bây giờ về lại, tôi đi tìm Thanh, thì thật khủng khiếp khi nghe tin cô đã  mất trong một tai nạn của trận xả lũ cuồng nộ năm rồi.

Người ta bảo Tây Nguyên huyền bí. Có lẽ điều ấy chỉ đúng khi còn rừng già. Rừng già và làng trong rừng là 2 yếu tố cấu thành nền văn hóa cộng đồng độc đáo, lâu đời. Văn hóa làng-rừng ở Tây Nguyên chính là nguồn lực, là tiềm năng của sự phát triển. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể chính là cái không gian văn hóa của làng rừng Tây Nguyên đấy các bạn ạ. Khôi phục làng rừng ở Tây Nguyên cũng là khôi phục nguồn gốc của văn hóa. Văn hóa Tây Nguyên dường như đã trao cho các nghệ nhân của mình cái bản năng sinh tồn mà nếu ta biết trân trọng một cách chân thành thì đó chính là nguồn sống vô tận.

Cũng giống như câu chuyện ở dưới chân núi Kông Chro xa xôi có một cặp vợ chồng nghệ sĩ. Họ đã từng là những người rất nổi tiếng, đi khắp đó đây, rồi về sống trong một căn nhà sàn nhỏ bé sát mé rừng bên dòng sông Ba do bà con buôn làng dựng cho. Đó là nghệ sĩ hát và múa lừng danh một thời, một nhà giáo khiêm nhường đã nghỉ hưu, tên chị là H’Ben, người Bahnar và chồng chị-anh Thịnh, nghệ sĩ đàn violon thuở nào. Anh Thịnh, một chàng trai Hà Nội đắm đuối suốt đời cùng Tây Nguyên, cùng tình yêu với chị H’Ben. Hàng chục năm nay, ngày ngày vợ chồng anh chị rủ nhau vào làng để nghe đồng bào hát và rồi lặng lẽ ghi lại những bản dân ca, những điệu dân vũ, những bài h’mon (bài hát kể mà chúng ta vẫn gọi là trường ca) dài bất tận như lịch sử thăng trầm của con người ở xứ sở này. Đó là nhu cầu tự thân của anh chị, như là cơm ăn, nước uống, như là khí trời để thở vậy. Không có ai tài trợ, chỉ có đồng bào tài trợ tình cảm cho mình thôi, chị trả lời khi nhà báo hỏi câu “tài trợ”. Vâng tôi cũng có biết, Nhà nước đã đầu tư cho việc khai thác trường ca ở đất này lên đến 21 tỷ đồng! Kể con số đó cũng gây ấn tượng và hấp dẫn lắm lắm. Nhưng thôi, đó là chuyện khác, chuyện khác dài lắm…

Mỗi lần trở lại Tây Nguyên bao giờ tôi cũng tranh thủ về với căn nhà sàn bé nhỏ của anh chị, bên ghè rượu cần, anh chị hát những làn điệu dân ca Bahnar cổ mới khai thác được, kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ thuở xa xưa nơi đây là rừng thiêng mới tìm ra qua miệng của người già. Và anh chị em chúng tôi lấy đó là niềm vui, là hạnh phúc.

Nhưng lần này về thì vắng bóng anh! Anh đã ra đi nhẹ nhàng trong niềm thương yêu của  dân làng Bahnar. Bà con Bahnar nơi đây đã làm lễ tang theo phong tục của mình cho anh...

Trung Trung Đỉnh

Có thể bạn quan tâm