Tây Nguyên: Đưa nước sạch về bản làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tây Nguyên có đặc thù là nhiều đồi núi, dân cư bố trí thưa thớt ở vùng sâu nên khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Để đảm bảo sức khỏe cho người dân, chính quyền các địa phương đã huy động nguồn lực để đưa nước sạch về cho dân.  

Hộ anh Vy Văn Tuyến sử dụng nước sạch của Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại thôn Ia Muung
Hộ anh Vy Văn Tuyến sử dụng nước sạch của Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại thôn Ia Muung.



Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung thôn Ia Muung, xã Ia Dom (huyện Ia Hdrai, tỉnh Kon Tum) được xây dựng từ năm 2019, gồm các hạng mục giếng khoan, bể chứa, bể lọc. Gia đình anh Vy Văn Tuyến (thôn Ia Muung) phấn khởi: “Trước đây, gia đình tôi sống trong rẫy cao su, hàng ngày phải vào ngọn núi đầu nguồn để lấy nước suối về sinh hoạt. Từ lúc chuyển về thôn Ia Muung, không còn nỗi lo thiếu nước, hay phải đi xa lấy nước. Nước lại sạch sẽ”. Ông Vy Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Dom, cho biết, trước khi xây dựng công trình  cấp nước sinh hoạt tập trung thôn Ia Muung, đa số người dân vào suối Cọp, cách thôn 1km, để lấy nước suối về dùng, rất vất vả. Bên cạnh đó, nước suối có nguy cơ ô nhiễm do chảy qua các vườn cao su có sử dụng những hóa chất bảo vệ thực vật. Nhờ công trình này được đầu tư mà dân không còn đi vào suối lấy nước, không còn lo ảnh hưởng sức khỏe.

Theo UBND huyện Ia Hdrai, khi chưa được đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, nguồn nước người dân sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt trên địa bàn huyện chủ yếu là nước suối, khe... chưa qua xử lý, không đảm bảo vệ sinh. Nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân về nguồn nước, chính quyền huyện đã chỉ đạo đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Việc đầu tư được khảo sát, lựa chọn vị trí kỹ lưỡng nhằm mang lại hiệu quả cao. Nhờ đó, thời gian qua, huyện Ia Hdrai đã đầu tư được 6 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung phục vụ cho người dân, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 5 tỷ đồng.

Ông Bùi Văn Nhàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Hdrai, cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục huy động nguồn vốn để đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Theo kế hoạch, giai đoạn 2022-2025, huyện sẽ đầu tư thêm 8 công trình cấp nước phục vụ cho các điểm dân cư với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng.

Tại tỉnh Gia Lai, ông Rơ Lan Chim, Bí thư Đảng ủy xã Ia Mơ (huyện Chư Prông), cho biết, cách đây 2 năm, huyện đã đầu tư 2 công trình cấp nước sạch ở làng Khôi và làng Hnáp (xã Ia Mơ). Khi chưa đầu tư 2 công trình này, người dân gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, nhất là vào mùa khô. “Bây giờ có giếng khoan cấp nước tập trung, người dân 2 làng đã có nguồn nước sử dụng ổn định, dân rất mừng”, ông Rơ Lan Chim nói.

Theo UBND tỉnh Gia Lai, năm 2021, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước đạt quy chuẩn là hơn 154.000 hộ, tương đương 59,02%, tăng 1,86% so với năm 2020. Vừa qua, tỉnh Gia Lai cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ số hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 98%. Để triển khai kế hoạch, tỉnh Gia Lai sẽ bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung; sửa chữa nâng cấp các công trình cấp nước sạch đảm bảo; hỗ trợ cấp nước quy mô hộ gia đình đối với những vùng gặp khó khăn; nghiên cứu xây dựng và nhân rộng mô hình thu, xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình...

 


Theo ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, UBND tỉnh đã có văn bản về việc tăng cường công tác quản lý, đầu tư xây dựng, vận hành các công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn. Theo đó, đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND tỉnh yêu cầu trong kế hoạch đầu tư công phải xem xét ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư công trình cấp nước tập trung nông thôn theo hướng hoàn chỉnh có công nghệ xử lý nước phù hợp, ưu tiên việc sử dụng nguồn nước từ hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa cho công trình cấp nước tập trung nông thôn để có nguồn nước ổn định.


Theo HỮU PHÚC (SGGPO)

 

Có thể bạn quan tâm