Tây Nguyên cải tạo diện tích cà-phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hàng trăm nghìn héc-ta cà-phê ở các tỉnh Tây Nguyên đã được tái canh, ghép cải tạo giống nhằm thay thế những diện tích già cỗi, năng suất thấp, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm phục vụ nhu cầu xuất khẩu và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng...
 
Người dân huyện Bảo Lâm (Lâm Ðồng) thu hoạch vườn cà-phê sau tái canh.
Năng suất tăng nhanh
Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh (Lâm Ðồng), Trần Nhật Thi cho biết, "Cà-phê là cây trồng chủ lực cho nên thời gian qua huyện đã quan tâm, xây dựng kế hoạch tái canh. Toàn huyện đang trồng hơn 44,5 nghìn ha cà-phê, trong đó tái canh hơn 25,2 nghìn ha; dự kiến đến hết năm 2020, diện tích tái canh, chuyển đổi giống sẽ đạt 27,6 nghìn ha. Qua đánh giá, sau khi tái canh, ghép cải tạo, năng suất cà-phê đã tăng từ hai lên sáu tấn/ha. Một số diện tích tái canh sau ba, bốn năm năng suất đạt từ sáu đến bảy tấn/ha".
Dọc theo quốc lộ 28, chúng tôi ghé thăm vườn cà-phê của gia đình ông Vũ Văn Bật, xã Gung Ré, huyện Di Linh. Ông Bật quê gốc Nam Ðịnh, vào lập nghiệp ở đây và gắn bó với cây cà-phê từ năm 1984. Hiện nay, ông trồng hơn 3,5 ha cà-phê, trong đó diện tích tái canh hơn 2 ha. Ông Bật chia sẻ: "Ngày mới tiếp xúc với cây cà-phê, mọi thứ còn lạ lẫm, từ khâu chọn giống đến kỹ thuật canh tác nên cây sinh trưởng, phát triển không đều, thường xuyên bị sâu bệnh, năng suất chỉ đạt từ 1,5 đến 2 tấn/ha, thu không đủ bù chi. Ðến năm 2013, tôi quyết định tái canh, ghép cải tạo từng phần vườn cà-phê. Sau hai, ba năm chăm sóc, vườn cà-phê bắt đầu cho thu hoạch. Ðến năm thứ tư sau tái canh, năng suất cà-phê tăng lên từ năm đến sáu tấn/ha, gấp nhiều lần so với vườn cũ. Dự báo, năng suất sẽ tăng hơn nữa trong những vụ tiếp theo". Ông Nguyễn Văn Sinh, xã Gung Ré, huyện Di Linh cho biết, gia đình đang trồng hơn 1,2 ha cà-phê. Trước đây, trên diện tích này, cây già cỗi, năng suất thấp. Sau khi được cán bộ khuyến nông tuyên truyền, hướng dẫn gia đình đã cải tạo, tái canh hơn 7.000 m2 cây cà-phê. Trước đây, cà-phê chỉ cho năng suất bình quân khoảng hai tấn, nay đạt từ năm đến sáu tấn/ha.
Hiện nay, tỉnh Lâm Ðồng có hơn 174,3 nghìn ha cà-phê, trong đó diện tích kinh doanh chiếm 93%; năng suất bình quân khoảng 31,3 tạ/ha; sản lượng đạt hơn 520 nghìn tấn. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Lâm Ðồng, Nguyễn Văn Châu cho biết, thời gian qua, tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển cà-phê bền vững; ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi diện tích cà-phê kém hiệu quả, từng bước "trẻ hóa" loại cây trồng chủ lực này. Tái canh cà-phê là một trong những chương trình được tỉnh chỉ đạo cách đây hơn bảy năm, đến nay đã mang lại những kết quả rõ rệt. Diện tích cà-phê tái canh, ghép cải tạo giai đoạn 2013-2019 của tỉnh đạt hơn 62 nghìn ha, đưa năng suất bình quân từ 26,1 tạ/ha năm 2012 lên 31,3 tạ, sản lượng từ 366 nghìn lên hơn 520 nghìn tấn năm 2019. Có nhiều mô hình tái canh cà-phê cho năng suất đạt tám tấn/ha.
Tại tỉnh Ðắk Lắk, diện tích cà-phê tái canh hiện nay đạt gần 29 nghìn ha, do quản lý tốt về giống và kỹ thuật nên năng suất bình quân đạt 27,84 tạ/ha, tăng khoảng 3,3 tạ/ha so với chưa tái canh. Ở tỉnh Ðắk Nông, đến nay đã ghép cải tạo, tái canh hơn 16 nghìn ha cà-phê; năng suất bình quân sau khi ghép cải tạo, tái canh đạt từ ba đến bốn tấn/ha.
Nâng cao giá trị gia tăng
Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN và PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết, diện tích cà-phê năm 2019 trên cả nước đạt khoảng 692,6 nghìn ha. Ðể thực hiện thành công chương trình tái canh cà-phê ở các tỉnh Tây Nguyên, Bộ NN và PTNT đã phối hợp các tỉnh ban hành hướng dẫn, các địa phương có cơ chế, chính sách, phục vụ việc tái canh. Ðáng chú ý là đề án tái canh cà-phê các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020. Ðến nay, diện tích cà-phê trồng tái canh, ghép cải tạo tại khu vực Tây Nguyên đạt hơn 118 nghìn ha; trong đó diện tích tái canh hơn 84 nghìn ha, diện tích ghép cải tạo hơn 34 ha. Do diện tích cà-phê tái canh chủ yếu trồng bằng giống mới cho nên từng bước phát huy tốt về năng suất, chất lượng cà-phê nhân.
Theo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, trong thời gian qua dù đã có nhiều nghiên cứu phục vụ tái canh và sản xuất cà-phê bền vững ở Tây Nguyên như sử dụng giống năng suất cao, phẩm cấp hạt lớn và kháng bệnh gỉ sắt; giải pháp sử dụng phân bón hợp lý, cân đối; giải pháp tưới nước; trồng cây che bóng, quản lý sâu bệnh hại... mang lại hiệu quả, nhưng trên thực tế, việc tái canh cà-phê vẫn còn nhiều khó khăn do người dân nắm bắt các tiến bộ kỹ thuật chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Thời gian luân canh chưa bảo đảm, nguồn gốc giống không rõ ràng. Một số nơi tái canh không đúng quy trình khuyến cáo.
Tại tỉnh Ðắk Lắk, đến nay kết quả tái canh cà-phê chưa đạt so với kế hoạch vì phần lớn diện tích cần tái canh là của nông hộ. Do việc tái canh sẽ ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống trong thời gian dài nên người dân chưa mạnh dạn thực hiện. Mặt khác, giá cà-phê không ổn định cũng là nguyên nhân làm diện tích tái canh thấp. Còn tại Gia Lai, cà-phê là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh với diện tích 94.900 ha, trong đó có 80.763 ha cho sản phẩm. Những năm qua, sản xuất cà-phê góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp, giúp đời sống nhân dân được cải thiện. Tuy đạt được những kết quả quan trọng nhưng nhìn chung, việc sản xuất cà-phê của Gia Lai còn thiếu bền vững, đối mặt không ít khó khăn. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có khoảng 12,6% diện tích cà-phê trồng trong giai đoạn 2000-2005 cho năng suất thấp cần được tái canh; khoảng 6% diện tích cà-phê thường bị khô hạn và thiếu nước tưới trong mùa khô. Mặt khác, hơn 85% diện tích cà-phê do người dân quản lý theo quy mô nhỏ, mức độ cơ giới hóa thấp, chi phí sản xuất cao. Ðến nay, toàn tỉnh mới tái canh, ghép cải tạo được hơn 11 nghìn ha, đạt hơn 67% kế hoạch đề ra.
Nhằm phát huy hiệu quả chương trình tái canh, ghép cải tạo cây cà-phê trong thời gian tới, theo Bộ NN và PTNT, các địa phương vùng Tây Nguyên cần xác định cơ cấu giống có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sinh thái một số tiểu vùng nhằm góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất cà-phê. Ðồng thời, cần rà soát phân loại, đánh giá, lựa chọn các cơ sở đủ điều kiện để nhân giống cà-phê phục vụ kế hoạch trồng tái canh và ghép cải tạo cà-phê. Tăng cường quản lý và kiểm tra chất lượng cây giống cà-phê; sử dụng hoàn toàn giống cà-phê có năng suất, chất lượng cao, chín đều, thích ứng biến đổi khí hậu trong tái canh và trồng mới. Nhân rộng các mô hình tái canh, ghép cải tạo thành công. Ngoài ra, các địa phương cần quan tâm thực hiện canh tác theo hướng tiêu chuẩn GAP, bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập và bảo vệ môi trường; tăng cường bón phân hữu cơ, bón phân vô cơ cân đối, hạn chế phun thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng.

Theo Cục Trồng trọt, đến năm 2025, cả nước dự kiến giảm diện tích và duy trì ổn định khoảng 600 nghìn ha cà-phê; phấn đấu năng suất bình quân đạt từ 2,7 đến 2,9 tấn/ha, sản lượng từ 1,8 đến 2 triệu tấn/năm. Trong đó, bốn tỉnh trọng điểm ở Tây Nguyên là Ðắk Lắk, Lâm Ðồng, Gia Lai và Ðắk Nông với diện tích 530 nghìn ha; ngoài vùng trọng điểm gồm bảy tỉnh với diện tích 70 nghìn ha là: Ðồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kon Tum, Quảng Trị, Sơn La, Ðiện Biên. Ðồng thời, quy hoạch vùng trồng cà-phê chất lượng cao chiếm khoảng 25% diện tích ở Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Tây Bắc.

Hoàng Hùng và Mai Văn Bảo (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm