(GLO)- Sáng 22-6, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016. Nhiều vấn đề “nóng” được bàn bạc, tháo gỡ, đặc biệt là các vấn đề như: chậm giải ngân vốn các công trình xây dựng cơ bản, chậm giải phóng mặt bằng, cải cách các thủ tục hành chính chưa đạt yêu cầu, việc cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp chưa được quan tâm kịp thời…
“Không điều chỉnh chỉ tiêu”
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2016 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 5,83%, trong đó, nông-lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,29%; công nghiệp-xây dựng tăng 2,25%; dịch vụ tăng 8,87%...
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Minh Nguyễn |
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đánh giá một số tồn tại, hạn chế trong 6 tháng đầu năm 2016. Trong đó, đặc biệt “nóng” là vấn đề quyết toán vốn các công trình xây dựng cơ bản; công tác chỉ đạo điều hành ở một số sở ngành, các địa phương còn chậm; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa đồng bộ; quy trình thẩm định giá đất, các quy định liên quan đến việc thu hút đầu tư chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư...
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hồ Phước Thành cho biết: Tính đến ngày 15-6, trong 87 dự án khởi công mới năm 2016 từ nguồn vốn ngân sách tỉnh quản lý, chỉ có 1 dự án hoàn thành; 39 dự án đang thi công; 20 dự án đang lựa chọn nhà đầu tư; 8 dự án đang lập kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư; 18 dự án đang lập thiết kế bản vẽ thi công, dự toán; 1 dự án đang phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong tổng số vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giao năm 2016 (hơn 2.061 tỷ đồng), tính đến ngày 15-6 nguồn vốn đầu tư chỉ mới giải ngân hơn 94,9 tỷ đồng, đạt 12,09% so với kế hoạch. Trong khi đó, vốn ngân sách địa phương cũng chỉ giải ngân 158,79 tỷ đồng, đạt 20,38%.
Nói về nguyên nhân chậm giải ngân, ông Hồ Phước Thành cho biết: Công tác phối hợp giữa các chủ đầu tư và các sở ngành còn chưa tốt, việc giải phóng mặt bằng còn nhiêu khê gây ách tắc, chậm trễ. Năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý, các đơn vị tư vấn còn yếu kém dẫn đến chất lượng công trình không cao; các chủ đầu tư còn chủ quan trong việc giải ngân…
Bà Nguyễn Thị Sen-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh kiến nghị một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: Minh Nguyễn |
Để giải quyết vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các “giải pháp cứng” là kiểm điểm các chủ đầu tư, ban quản lý có giải ngân thấp dưới 20%. Cụ thể ở các huyện Krông Pa (7,3%), Ayun Pa (6,9%), Ia Pa (2,98%); đẩy nhanh tiến độ giải ngân, năm nào giải ngân hết năm đó và xem đây là tiêu chí thi đua cho các đơn vị; phải có mặt bằng sạch mới bố trí vốn…
Đối với công tác thu ngân sách, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Dũng cho biết: Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 6 tháng ước đạt 1.767 tỷ đồng, bằng 55,48% dự toán Trung ương giao, 51,7% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 15% so với cùng kỳ. năm 2015. Ngoài các khoản vượt tiến độ thì vẫn còn các khoản thu chưa đạt như: thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương, doanh nghiệp nhà nước địa phương.
Vì vậy, quyết tâm của đơn vị là trong 6 tháng cuối năm đẩy mạnh công tác thu hồi nợ đọng (phấn đấu dưới 5%/tổng số thu); tổ chức làm việc với các địa phương nhằm rà soát lại tất các các khoản thuế, tìm các nguồn thu bù vào các khoản thu thiếu hụt. Ông Nguyễn Dũng cũng đề nghị không thực hiện điều chỉnh các chỉ tiêu thu ngân sách mà quyết tâm thực hiện hoàn thành dự toán đề ra.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai cũng đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong việc cơ cấu lại thời hạn nợ, giảm lãi suất, khoanh nợ và cho vay mới. Đồng thời tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn vay theo chương trình tái canh cây cà phê; xây dựng hệ thống tưới nước nhỏ giọt; các khoản vay giảm tổn thất nông nghiệp (mua sắm máy móc, trang bị nông nghiệp...).
Cách chức các Ban Quản lý yếu kém
Đề nghị cách chức các ban quản lý dự án yếu kém, yêu cầu Sở Xây dựng nêu đích danh các đơn vị tư vấn yếu kém lên website của sở này để các doanh nghiệp khác không tiếp tục ký hợp đồng… là những chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đối với các đơn vị chậm giải ngân. Ngoài ra, theo ông Thành, năm sau nếu các sở ngành, các huyện đưa ra lý do đơn vị đầu tư, đơn vị tư vấn yếu kém để giải thích cho việc chậm giải ngân các công trình xây dựng cơ bản thì các đơn vị này phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, đến tháng 10-2016 nếu không thực hiện được thì đề nghị không bố trí vốn. UBND tỉnh sẽ thành lập tổ giải ngân do Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách có trách nhiệm đôn đốc, xử lý và theo dõi, tháo gỡ vướng mắc. Đến tháng 7-2016 nếu không giải ngân được 30% thì chuyển công trình này cho địa phương đó tự trả tiền. Bắt đầu từ năm 2017, đến cuối năm không giải ngân được trên 80% thì thay thế ban quản lý đó.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang chỉ đạo: Các sở ngành, các huyện phải thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 19 về cải tạo môi trường kinh doanh và Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 của Chính phủ; đơn vị nào không làm tốt sẽ đưa ra kiểm điểm. Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị UBND tỉnh ngay trong tháng 7-2016 phải thành lập Câu lạc bộ khởi nghiệp Gia Lai, vì đây là mô hình sáng tạo, năng động sẽ góp phần phát triển Gia Lai nhanh và bền vững. Giao Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào Gia Lai.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đề nghị kiểm điểm, cách chức Ban Quản lý dự án yếu kém, chậm giải ngân vốn xây dựng cơ bản. Ảnh: Minh Nguyễn |
Liên quan đến việc chậm giải ngân, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo: Chậm nhất là ngày 23-6, Văn phòng Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp danh sách các dự án, địa chỉ các công trình chậm giải ngân và sẽ có văn bản phê bình gửi đến các đơn vị, sở ngành thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc giải ngân. “Ban Quản lý dự án huyện, người đứng đầu của huyện về chính quyền phải kiểm điểm rút kinh nghiệm hoặc phải thi hành kỷ luật. Kiểm điểm lần thứ nhất, lần thứ hai thì phải nhường ghế đó cho người khác. Căn cứ vào Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết của Tỉnh ủy về việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà đưa ra kiểm điểm”-Bí thư Tỉnh ủy dứt khoát.
Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy cũng phê bình việc quản lý bảo vệ rừng yếu kém (tăng 77 vụ phá rừng so với cùng kỳ năm 2015); công tác cải cách thủ tục hành chính chưa đạt yêu cầu đề ra, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2016 chưa được cải thiện. “Việc này thể hiện năng lực trình độ mỗi cấp, mỗi ngành, tinh thần trách nhiệm có nơi, có chỗ, có người “phẩm chất của con người đó chưa sạch và thơm”, đặc biệt là liên quan rất nhiều đến công tác cải cách hành chính”-Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Minh Nguyễn