Tạo việc làm cho quân nhân xuất ngũ-Kỳ 1: Đa dạng hình thức hỗ trợ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hướng nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ là một trong những chính sách được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng quan tâm nhằm động viên, khuyến khích các thế hệ thanh niên tiếp tục lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trên địa bàn tỉnh, việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ thời gian qua đã được một số địa phương, trường dạy nghề quan tâm.
Mỗi năm, tỉnh ta có hàng ngàn thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Với tấm thẻ học nghề miễn phí, nhiều thanh niên đã đăng ký học nghề để tìm kiếm một công việc có thu nhập ổn định. Nhiều trường dạy nghề, địa phương cũng đã có những cách làm hay nhằm hỗ trợ số thanh niên này.
Kết nối với doanh nghiệp để tạo việc làm
 Tư vấn việc làm cho thanh niên huyện Đak Đoa sau khi xuất ngũ. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Tư vấn việc làm cho thanh niên huyện Đak Đoa sau khi xuất ngũ. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Năm 2018, huyện Đak Đoa có hơn 200 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, trong đó chỉ có 30% tham gia học nghề. Nhằm tạo điều kiện cho các thanh niên khi xuất ngũ về địa phương có việc làm ổn định, huyện đã tổ chức kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động.
Ông Nguyễn Hữu Thọ-Bí thư Huyện ủy Đak Đoa-cho biết: Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội là một trong những việc mà huyện luôn chú trọng để các thanh niên yên tâm hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc. Hàng năm, huyện đều tổ chức lễ đón các thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ, từ đó có hình thức giúp đỡ phù hợp. “Năm nay, chúng tôi kết nối với gần 70 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn để gặp gỡ các quân nhân vừa xuất ngũ. Một số ngành nghề được quân nhân xuất ngũ, nhất là người dân tộc thiểu số quan tâm là: cơ khí, hàn, lái xe, điện lạnh… Đây cũng là những ngành nghề phù hợp với nhu cầu và thực tế việc làm tại địa bàn huyện”-ông Thọ cho hay.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh A Dung (xã A Dơk, huyện Đak Đoa) đã được giới thiệu việc làm. Anh chia sẻ: “Sau khi được tư vấn, tôi đã chọn nghề hàn bởi ở đơn vị, tôi cũng đã làm công việc này. Nơi làm việc gần nhà nên tôi rất thích. Hy vọng rằng công việc này sẽ mang lại thu nhập ổn định để tôi có điều kiện giúp đỡ gia đình”.
Năm nay, huyện Chư Pah cũng tổ chức đón quân nhân xuất ngũ và kết nối với doanh nghiệp để tạo cơ hội việc làm. Hơn 150 thanh niên xuất ngũ sau khi được huyện tổ chức đón tiếp, tặng quà đã được các doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu việc làm. Nhiều thanh niên xuất ngũ đã chọn được những việc làm phù hợp với khả năng của mình.
Hỗ trợ học nghề
Không chỉ các địa phương tìm giải pháp hỗ trợ việc làm cho quân nhân xuất ngũ mà nhiều trường nghề, đặc biệt là các trường nghề trong quân đội, cũng có hình thức hỗ trợ riêng với đối tượng này. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, mỗi thanh niên sẽ được cấp 1 thẻ học nghề (giá trị bằng 12 tháng lương cơ bản).
Với tấm thẻ này, họ có thể chọn cho mình những ngành nghề phù hợp để học. Nhiều năm nay, Trường Cao đẳng Nghề số 21 (Bộ Quốc phòng) đã có nhiều hình thức hỗ trợ các quân nhân xuất ngũ đăng ký học nghề. Theo đó, nhà trường tạo điều kiện để các quân nhân xuất ngũ học nghề tại đây được ở ký túc xá miễn phí; đồng thời hỗ trợ 30 ngàn đồng tiền ăn/ngày và miễn phí công nấu. Cùng với đó, học viên có nhà ở xa trên 12 km sẽ được nhà trường hỗ trợ 200 ngàn đồng tiền xe/khóa học. Mặt khác, để giúp các học viên sau khi tốt nghiệp, nhà trường cũng đã liên kết với một số doanh nghiệp lớn trong nước để giới thiệu họ tìm việc làm... 
Trao đổi với chúng tôi về việc hỗ trợ quân nhân xuất ngũ học nghề, Thượng tá Võ Sơn Anh-Bí thư Đảng ủy Trường Cao đẳng Nghề số 21-cho biết: Hàng năm, nhà trường tiếp nhận số lượng lớn học viên là quân nhân xuất ngũ đến học nghề và luôn tạo điều kiện tối đa để họ hoàn thành tốt khóa học. Ngoài ra, trường còn làm việc với một số doanh nghiệp để đưa học viên đến thực tập. Khi thực tập, học viên sẽ được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, chế độ bảo hiểm và trả công 170-200 ngàn đồng/người/ngày.
Với Trường Trung cấp Nghề số 15 (Binh đoàn 15), mỗi năm, nhà trường đào tạo cho khoảng 700 học viên là bộ đội xuất ngũ với các ngành nghề: lái xe, tin học, cơ khí, điện tử, điện công nghiệp, điện dân dụng...
Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, thực hiện thông báo của Bộ Quốc phòng về việc tạm dừng đào tạo nghề hệ trung cấp, cao đẳng nên trường chỉ còn đào tạo hệ sơ cấp với một số nghề như: lái xe, cơ khí...
Trao đổi thêm về vấn đề này, Đại tá Đoàn Kỳ Nam-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay, ngoài đào tạo nghề cho các học viên là bộ đội xuất ngũ, nhà trường còn liên hệ với một số cơ sở, công ty trên địa bàn tỉnh để giới thiệu, hỗ trợ các em có việc làm sau khi học xong. “Quân nhân xuất ngũ thường được ưu tiên tuyển dụng hơn so với các đối tượng khác vì họ đã có thời gian trui rèn trong quân đội nên ý thức, trách nhiệm rất cao”-Đại tá Đoàn Kỳ Nam nhấn mạnh.
Vĩnh Hoàng - Anh Huy

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.