Tạo sức bật từ nông sản chủ lực địa phương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), những năm gần đây, nhiều loại nông sản đặc trưng ở địa phương được các hộ gia đình, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng và giá trị, đa dạng mẫu mã, mở rộng kênh tiêu thụ.

Động lực nâng tầm nông sản

Ông Nguyễn Văn Thiêm-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nguyễn Thiêm (xã Ia Chía, huyện Ia Grai) cho biết: Năm 2022, sản phẩm hạt điều rang muối Nguyễn Thiêm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Năm nay, Công ty tiếp tục đầu tư chế biến sản phẩm cà phê nguyên chất Nguyễn Thiêm để tham gia Chương trình OCOP. Vừa rồi, sản phẩm này được Hội đồng đánh giá, phân hạng huyện Ia Grai công nhận đạt 3 sao cấp huyện. Đây là động lực để Công ty tiếp tục đầu tư nâng tầm chất lượng và giá trị sản phẩm.

“Tôi thấy chính quyền địa phương rất quan tâm hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP nhằm đánh thức tiềm năng phát triển các loại nông sản chủ lực của địa phương. Điều này góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân, doanh nghiệp, nâng tầm chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường”-ông Thiêm khẳng định.

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá đợt 1-2023. Ảnh: N.D

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá đợt 1-2023. Ảnh: N.D

Thực hiện Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025, năm nay, toàn tỉnh đã có 118 sản phẩm của 14/17 huyện, thị xã, thành phố được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Trong đó, 21 sản phẩm đánh giá, phân hạng lại; 4 sản phẩm nâng hạng, còn lại là những sản phẩm nông sản mới được các địa phương đánh giá, phân hạng cấp huyện. Điều này khẳng định nhiều nông sản ở các làng, xã được các chủ thể đặc biệt quan tâm đầu tư sản xuất, chế biến trở thành sản phẩm OCOP.

Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh được bán tại Khu du lịch Biển Hồ. Ảnh: N.D

Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh được bán tại Khu du lịch Biển Hồ. Ảnh: N.D

Chị Rơ Mah H’Dịu (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) cho hay: Dự án làng nghề đan lát truyền thống thanh niên của chị đạt giải nhất cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” tỉnh Gia Lai lần thứ VI-2022. “Năm nay, sản phẩm đan lát được Hội đồng đánh giá, phân hạng huyện Đức Cơ công nhận đạt 3 sao. Hiện các sản phẩm đan lát bằng tre đang được giới thiệu cho các nhà hàng, quán cà phê… Mong muốn của tôi là cố gắng làm sao giúp thanh niên xã Ia Kriêng học tập, tiếp nối nghề đan lát truyền thống và tạo ra những sản phẩm OCOP chất lượng cao để có thu nhập ổn định”-chị H’Dịu chia sẻ.

Kỳ vọng vào sản phẩm mới

Ông Phạm Ngọc Huyền-Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh-cho biết: Năm nay, nhiều sản phẩm mới được các địa phương công nhận đạt OCOP 3 sao. Theo quy định, Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp huyện công nhận các sản phẩm đạt 3 sao; còn Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp tỉnh đánh giá, công nhận sản phẩm đạt 4 sao. Việc phân cấp này giúp nâng cao vai trò của cấp huyện trong phát triển sản phẩm OCOP.

“Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh thường xuyên đôn đốc các địa phương tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm đúng thực chất và chuyển hồ sơ để Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp tỉnh phân hạng sản phẩm 4 sao và những sản phẩm tiềm năng 5 sao gửi Trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia”-ông Huyền cho biết thêm.

Du khách tìm hiểu sản phẩm hạt điều rang củi Hải Bình Gia Lai tại điểm bán hàng khu du lịch Biển Hồ. Ảnh: N.D

Du khách tìm hiểu sản phẩm hạt điều rang củi Hải Bình Gia Lai tại điểm bán hàng khu du lịch Biển Hồ. Ảnh: N.D

Toàn tỉnh hiện có 49 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 267 sản phẩm đạt 3 sao. Trong đó, nhóm thực phẩm có 286 sản phẩm, nhóm đồ uống 8 sản phẩm, nhóm thảo dược 20 sản phẩm, nhóm vải may mặc 1 sản phẩm, nhóm thủ công mỹ nghệ, trang trí 1 sản phẩm.

Mới đây, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh đã đánh giá, phân hạng 7 sản phẩm, trong đó có 2 bộ sản phẩm được đánh giá là tiềm năng gồm bộ sản phẩm hạt điều rang củi Hải Bình Gia Lai (TP. Pleiku) và 3 sản phẩm của Nhà máy Đường An Khê có thể tham gia đánh giá, phân hạng 5 sao cấp quốc gia.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp-Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh đề nghị các thành viên tập trung, dân chủ, khách quan; thống nhất kết quả đánh giá, báo cáo sản phẩm, đề xuất các sản phẩm có tiềm năng 5 sao gửi Trung ương đánh giá, phân hạng. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh công nhận những sản phẩm đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh. Đặc biệt, kiên quyết không đánh giá sản phẩm giả mạo hồ sơ và các vi phạm khác theo quy chế của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.