Tăng cường hợp tác giữa các tỉnh Tây Nguyên và Nhật Bản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 7/10, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk, Cơ quan Xúc tiến kinh doanh quốc tế Nhật Bản (JETRO) và các cơ quan khác của Nhật Bản tại Việt Nam, tổ chức hội thảo “Tăng cường hợp tác giữa Tây Nguyên và Nhật Bản”.
Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Hoàng Long đánh giá cao quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian qua; đồng thời cho biết Nhật Bản hiện là đối tác hợp tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
 
 Cục trưởng Cục Ngoại vụ - Bộ Ngoại giao Nguyễn Hoàng Long phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Hoài Thu/ TTXVN.
Vùng đất Tây Nguyên được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam thắng cảnh tự nhiên, nhiều nguồn tài nguyên quý như: núi rừng, khoáng sản, hệ sinh thái, năng lượng tự nhiên. Về kinh tế, Tây Nguyên có tiềm năng phong phú để phát triển nông – lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng sạch, du lịch. Tây Nguyên là vùng trọng điểm phát triển cây công nghiệp chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, cao su, sản xuất rau, hoa công nghệ cao phục vụ xuất khẩu. Tây Nguyên đầy nắng và gió, là một trong những nơi thích hợp để khai thác điện gió, điện mặt trời.
Ngoài ra, nằm tại vị trí giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ thương mại – du lịch của các nước Tiểu vùng sông Mekong, có vốn văn hóa đặc sắc, khí hậu đa dạng, nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo, tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp của Tây Nguyên rất to lớn. 
Tại hội thảo, các đại biểu đã được xem video giới thiệu tổng quan về tình hình tài nguyên, tiềm năng, thế mạnh, định hướng phát triển, các dự án kêu gọi đầu tư, chính sách thu hút đầu tư trong các lĩnh vực của 5 tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, Tây Nguyên được đánh giá là có tiềm năng phong phú để phát triển nông – lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng sạch và du lịch.
 
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN.
Chia sẻ tại hội thảo, đại diện các cơ quan đến từ Nhật Bản bày tỏ sự quan tâm, mong muốn được đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt, Việt Nam đã trở thành điểm đến được quan tâm thứ hai trên thế giới đối với các công ty Nhật Bản; có khoảng 70% công ty Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh trên địa bàn. Hai bên đã thảo luận, đánh giá tình hình, nhận định triển vọng; kiến nghị các biện pháp để thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ trong các lĩnh vực, định hướng chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư, hỗ trợ các tỉnh.
Ông Shinji Hirai, Trưởng đại diện Cơ quan Xúc tiến kinh doanh quốc tế Nhật Bản, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Với ưu đãi từ điều kiện thiên nhiên, khí hậu, các tỉnh Tây Nguyên có tiềm năng lớn để tập trung sản xuất nông nghiệp, công nghệ cao, khâu sau thu hoạch của nông nghiệp và năng lượng tái tạo. Các tỉnh Tây Nguyên cũng có tiềm năng giao lưu văn hóa, du lịch lớn với Nhật Bản.
Hội thảo “Tăng cường hợp tác giữa Tây Nguyên và Nhật Bản” được tổ chức nhằm thúc đẩy kết nối hợp tác giữa các địa phương khu vực Tây Nguyên với các cơ quan đại diện của Chính phủ Nhật Bản, cũng như đại diện cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Đây cũng là diễn đàn để lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, lãnh đạo các cơ quan đại diện Nhật Bản tìm hiểu thông tin, đối thoại, chia sẻ về chủ trương, chính sách, biện pháp, dự án cụ thể, thiết thực thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thời gian tới.
Hoài Thu (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm

Bên dòng Đăk Bla

Bên dòng Đăk Bla

Sông Đăk Bla thường được gọi với tên gọi “Dòng sông chảy ngược” cùng những truyền thuyết, thần thoại. Thế nhưng, không chỉ có sự độc đáo và bí ẩn đầy hấp dẫn, Đăk Bla còn là dòng sông mang lại sự trù phú, ấm no với những bãi bồi xanh mướt cây trồng và tiềm năng kinh tế du lịch đang được “đánh thức”.

Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín

Infographic Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín

Vào tháng 6 hàng năm, những thửaruộng bậc thang thôn Kon Tu Rằng (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) bắt đầu chín rộ. Những thửa ruộng bậc thang vàng rực, trải dài ven các triền núi xanh ngát xuống bờ sông Đăk Bla khiến khung cảnh nơi đây trở nên tuyệt đẹp, thu hút đông đảo du khách đến thưởng ngoạn.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

null