Tản mạn… mì tôm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dù mì ăn liền không phải là món “quốc hồn, quốc túy” như bún, phở của ẩm thực Việt, nhưng dân ta đã bị mê hoặc bởi sự đa dạng về hương vị, tính tiện lợi. Chúng luôn là thực phẩm không thể thiếu, nhất là với giới bình dân và sinh viên xa nhà.
1. Lần đầu tiên tôi được thưởng thức một gói mì ăn liền là lúc còn nhỏ xíu, nhớ mang máng vào khoảng những năm đầu của thập niên 60 của thế kỷ trước. Hương vị đặc trưng của gói mì đời đầu (và cũng là đầu đời) đeo đẳng tôi đến mãi bây giờ, để tả lại thì... hơi khó. Nhưng tôi đoán chắc, những ai đã từng ăn lúc ấy sẽ không thể nào quên.
Mì ăn liền có thể xem như một cuộc “cách mạng” về ẩm thực châu Á, nhất là những quốc gia có món mì là lương thực phổ biến. Theo Wikipedia thì loại thực phẩm này được phát minh bởi ông Momofuku Ando-người sáng lập và là Tổng Giám đốc Tập đoàn Nissin Food tại Nhật Bản, ra mắt từ năm 1958. Khi mới xuất hiện ở Việt Nam, sản phẩm này do người Đại Hàn (Hàn Quốc) mang vào nên dân tình cứ gọi là mì Đại Hàn, có người gọi chính xác hơn là mì Nhật. Hương vị các gói mì này rất đặc trưng, rất ngon và dễ… gây nghiện. Sau này, các nhà sản xuất biến tấu đủ loại khác nhau và cái mùi vị thuở ban đầu ấy rất tiếc đã “tuyệt chủng”, tìm không thấy nữa.
 Mì ăn liền được bày bán tại một siêu thị. Ảnh: internet
Mì ăn liền được bày bán tại một siêu thị. Ảnh: internet
Người Việt Nam cũng nhanh chóng tham gia thị trường hấp dẫn này với vài thương hiệu, nổi bật nhất trong số đó là Công ty Thực phẩm Sài Gòn với gói mì hai con tôm Miliket trứ danh. Có lẽ đó là lý do người tiêu dùng Việt Nam đổi tên cho mì ăn liền là… mì tôm, bất kể có tôm hay không và món này “chết tên” từ đó cho đến bây giờ, y như người ta dùng từ Honda để chỉ xe máy các loại khi thương hiệu ấy khuynh loát thị trường.
2. “Bạn tôi sáng nhịn ăn lên giảng đường. Bạn tôi sáng đạp xe hai mươi cây số. Thằng đi dạy thêm, đứa làm tiếp thị, thằng làm quán cơm, tối về một gói mì tôm”-nghe những lời này trong một ca khúc của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh thì có thể mường tượng ngay ra tính “cứu cánh” của mì tôm như thế nào. Thời bao cấp, tôi có một ông bạn độc thân, ở nhà tập thể, ghiền mì tôm đến mức cả tháng sáng-trưa-chiều đều giải quyết nhu cầu của cái dạ dày bằng mì tôm, đặc biệt chỉ mì giấy của Miliket. Mọi sự gia giảm hành tiêu trứng thịt đều bị từ chối. Bởi, như ông bạn tôi phán: “Thế thì còn gì là mì tôm!”.
Ngoại trừ trường hợp “cực đoan” vừa kể thì đa phần người sử dụng loại thức ăn nhanh này thường tìm cách thêm vài thứ gia vị, bổ sung rau xanh, đạm với các loại thịt thà hoặc hải sản, trông cũng rất hấp dẫn! Cái này thì phù hợp với khuyến cáo của các chuyên gia rằng ăn mì tôm thường xuyên có nguy cơ thiếu dinh dưỡng nếu không ăn cùng mấy thứ kể trên. Cũng vui vui khi một loại thức ăn nhanh bỗng thành chậm và bất tiện vì phải chế biến. Không sao! Miễn ngon là được.
Nhắc lại một chút là lúc mới ra đời, giá một gói mì tôm không hề rẻ, thậm chí đắt hơn một tô phở ngon theo thời giá khi đó, chắc do yếu tố mới lạ. Sau đó thì giá cả trở lại bình thường theo đúng bản chất của một loại “thức ăn nhanh”.
3. Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA), ước tính người Việt Nam tiêu thụ trung bình 5,2 tỷ gói mì ăn liền mỗi năm. Với con số này, Việt Nam là quốc gia xếp thứ 5 thế giới về lượng tiêu thụ mì gói, chỉ sau Trung Quốc (40,25 tỷ gói), Indonesia (12,540 tỷ gói), Ấn Độ (6,06 tỷ gói), Nhật Bản (5,780 tỷ gói). Nếu con số này là chính xác thì mỗi người dân ta ăn 55 gói/năm, đứng số một thế giới về số lượng mì tiêu thụ trên đầu người. Cứ vào bất kỳ một siêu thị lớn nhỏ nào, mặt hàng mì ăn liền thường chiếm hẳn vài kệ trưng bày với dày đặc cơ man các thương hiệu, bao bì bắt mắt. Đấy mới chỉ là mì, chưa nói đến bún, phở, miến ăn liền... Gói mì ăn liền bây giờ có đủ hương vị, phụ kiện... thật, bò thì có gói bò băm thật, tôm có gói tôm thật, nấm có gói nấm thật giúp tăng chất lượng sản phẩm lên nhiều lần.
Với mức tiêu thụ bình quân như đã nêu trên, tính ra người Việt Nam dùng chỉ hơn 1 gói mì ăn liền/tuần, vẫn dưới mức khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng về những tác hại của nó nếu ăn quá 2 gói/tuần. Số người sử dụng gần như hàng ngày khá đông và hậu quả thì vẫn chưa rõ ràng, nên lỡ ghiền rồi biết làm sao đây?
 NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.