Tận diệt mai rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Phong trào chơi mai rừng ở nhiều địa phương đang rộ kéo theo thực trạng nhiều người bản địa ở Gia Lai tỏa vào rừng sâu đào sạch những gốc mai cổ thụ đem bán.
Những gốc mai rừng bị đốn hạ - Ảnh: Trần Hiếu
Những gốc mai rừng bị đốn hạ - Ảnh: Trần Hiếu
Rừng sẽ càng vắng bóng những cây mai trổ bông mỗi khi xuân về, trong khi tỷ lệ cây sống khi di thực từ rừng về vườn nhà rất thấp.
Có dịp đến Gia Lai thời điểm này sẽ bắt gặp nhiều người bản địa chở những cây mai rừng bán khá nhiều ở dọc đường. Nhiều cây mai từ vài năm đến vài chục năm tuổi được đào gốc, đóng bầu chở từ rừng về. Người mua chỉ có việc xem cây, ngã giá rồi đem về trồng. Những chợ mai mini xuất hiện khắp các nơi. Các tay buôn cũng không bỏ qua cơ hội này, thu gom nhiều gốc mai rừng chở đi các nơi bán lại cho người có nhu cầu.
Đào tận gốc, trốc tận rễ
Một vài năm trở lại đây, phong trào chơi mai giảo (lấy gốc của cây mai, sau đó ghép những giống mai khác vào) rộ lên. Nhiều người dân bản địa ngoài thói quen cứ tết đến là tập trung thành nhóm vào rừng sâu chặt nhánh mai rừng về bán thì nay tiếp tục vào rừng đào luôn gốc mai. Những vùng rừng thuộc các huyện như Chư Pah, Ia Grai, Phú Thiện, Đăk Đoa... của Gia Lai vốn không thiếu sắc vàng thắm của những cây mai rừng ngày xuân là thế, nay cứ thiếu dần.
Chỉ vào hai cây mai rừng mới đào về đang được bày bán ven đường ở TP.Pleiku, anh Ksor Giới ở xã Ia Pết, H.Đăk Đoa kể: “Người ta đào nhiều rồi, mình cùng hai người nữa đi từ sáng đến khi mắt không nhìn ra đường nữa mới về đến nhà. Hai cây mai này nằm sát vách đá, vất vả lắm mới đào được. Mỗi cây bán được hơn một triệu đồng thôi. Nếu không có người mua thì mang về vườn nhà trồng. May thì sống, sang năm đóng bầu lại mang đi bán tiếp”.
Những cây mai rừng người dân đào về đủ loại, có cây vài năm tuổi nhưng có cây to hàng chục năm tuổi, gốc đo được cả hai vòng tay. Rất nhiều mai rừng bị đào lên, đóng thành bầu, được chở trên những chiếc mô tô lấm lem bụi đường rừng dựng bên đường chờ người mua. Thực trạng này đồng nghĩa rừng càng vắng sắc vàng hoa mai!
Đào tận gốc, trốc tận rễ - Ảnh: Trần Hiếu
Đào tận gốc, trốc tận rễ - Ảnh: Trần Hiếu
Tấp nập kẻ bán người mua
Nhiều người chưa có kiến thức về trồng, chăm sóc mai nhưng có niềm say mê với những bông mai khi xuân về nên cũng cố tậu cho mình một vài cây đem về trồng. Anh Trần Xuân Hương ở xã An Phú, TP.Pleiku (Gia Lai) là một trong những người mê mai thuộc loại… tay mơ như thế. Nói về mai, anh hào hứng hẳn: “Năm trước mình mua một cây mai rừng về trồng trong vườn nhà nhưng không sống được. Quyết không bỏ cuộc, năm nay mình mua thêm hai cây với giá 10 triệu đồng. Một cây nhờ nhà vườn chăm, một cây tiếp tục trồng trong vườn nhà. Hy vọng cây sống!”.
Tại đường Lê Duẩn, TP.Pleiku cả tháng nay bỗng mọc lên một chợ mai “dã chiến”. Mỗi ngày có hàng trăm lượt người ghé đến xem những cây mai rừng được bọc kỹ, chở trên mô tô đem rao bán với giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng/cây. Khi chúng tôi hỏi nguồn gốc của những cây mai này, hầu hết đều trả lời đào trong vườn nhà, trong rẫy đem bán. Nhưng một vài người có kinh nghiệm trồng mai nói rằng không ít cây được đào trong rừng ra bởi nhiều năm nay đầu nậu đã vào tận các làng gạ mua bằng được những cây mai có thân to, dáng đẹp.
Mai rừng rao bán trên Facebook - Ảnh: Trần Hiếu
Mai rừng rao bán trên Facebook - Ảnh: Trần Hiếu
Chỉ cần gõ vào mục tìm kiếm Google từ khóa “Mua cây mai rừng”, chỉ sau 0,6 giây đã cho ra đến 28 triệu kết quả. Điều này chứng tỏ phong trào chơi mai rừng ngày càng rộ. Chẳng hạn, một tài khoản có tên H.C.L trên trang Facebook cá nhân gần đây thường rao bán những gốc mai rừng lớn. Trong đó, L. rao một gốc mai rừng có hoành 100 cm (vòng đo thân cây - PV) với giá 4 triệu đồng, thu hút nhiều người vào tìm hiểu.
Khi nghe chúng tôi hỏi về việc vào rừng đào vô tội vạ mai rừng về bán, anh Trần Văn Thăng, một người hay có những chuyến lội rừng cùng bạn bè phán: “Thiếu gì, nhiều người thu gom, mua cả trăm gốc mai rừng chở đi các tỉnh bán cho dân mê mai ấy chứ! Chỉ vài năm nữa, bói cũng không ra sắc vàng của mai trong nhiều cánh rừng. Muốn ngắm thì phải đi thật xa vào rừng sâu, xót thật!”.
Xót xa điệp khúc trồng, chết !
Chơi mai rừng có lợi thế là chọn được gốc to, có khi may còn chọn được cây mai có bộ rễ, dáng đẹp. Nhiều tay chơi chuyên nghiệp đã chọn cách mua những gốc mai rừng có đường kính lớn, sau đó về cưa ngắn lại rồi ghép những giống mai khác vào để chơi. Quá trình này rất kỳ công, từ chăm cho mai sống, kỹ thuật ghép, bón phân ra sao để cây phát triển, cho hoa đúng tết.
Chợ mai rừng tự phát trên đường Lê Duẩn, TP.Pleiku - Ảnh: Trần Hiếu
Chợ mai rừng tự phát trên đường Lê Duẩn, TP.Pleiku - Ảnh: Trần Hiếu
Anh Nguyễn Quang Vinh, một người có thâm niên chơi mai ở TP.Pleiku nói: “Nói có vẻ thành quy trình vậy chứ rất khó, không dễ ăn đâu! Tôi mua gần chục cây nhưng cuối cùng chỉ chọn được 5 cây, số còn lại bị chết khi trồng. Mua mai rừng được cái là gốc to nhưng mai rừng bông không bền, bông thưa nên mình phải ghép các loại mai khác vào. Phải mất từ 4 - 5 năm mới chơi được. Còn tạo nên một tác phẩm đẹp thì phải mất từ 6 - 7 năm. Kỳ công lắm!”.
Rất nhiều cây mai rừng đưa về trồng đã bị chết do nhiều nguyên nhân như thổ nhưỡng, khí hậu không hợp; không biết cách đào, cách trồng, chăm sóc... Chỉ một số gốc mai rừng khá lớn chết khô trong chậu, anh Nguyễn Văn Tiếp, một thợ chăm mai lành nghề ở TP.Pleiku nói: “Đấy, khó sống hay không cứ xem mấy gốc mai này là biết. Họ đem về gửi tôi chăm, nhìn gốc mai được đào đơn giản như đào củ lang, củ mì tôi đã từ chối nhưng họ năn nỉ và bảo chết thì thôi nên tôi nhận. Cả mấy cây đều chết. Tiếc quá! Những cây này chắc phải 40 - 50 năm tuổi”.
Vẻ đẹp của mai rừng, lắm khi đã bị sự ích kỷ, sở hữu tính của con người xâm hại!
Theo Trần Hiếu (ThanhNiên)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.