Tản bút: Gió Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gió thổi từ hướng Tây về, người dân quê tôi gọi là gió Nam. Tùy cấp độ và thời điểm gió mà gọi Nam non, Nam già. Nam non khởi đầu từ chớm hạ, lay phay vào sáng sớm, chỉ đủ cảm bằng xúc giác. Tinh mắt và tinh ý mới nhận ra: phiến lá trên cao, mặt hồ rộng, sông sâu khẽ xao gợn, sóng xô đuổi về hướng Đông. Mặt trời lên chưa quá ngọn tre thì gió ngừng hẳn. Những ngày ấy thường nắng nóng. Tận cuối chiều mới có chút Nồm lên (gió Nồm thổi từ hướng Đông, mang hơi nước từ biển nên mát mẻ, dễ chịu). Nam non là dấu hiệu để người dân vùng đồng bằng nhận biết Tây Nguyên đã có mưa rào với tần suất dày. Những gia đình có người thân sống ở Tây Nguyên mỗi khi có Nam non thường nói:- Trên đấy vào mùa mưa rồi! Nó hàm nghĩa cảm thông, chia sẻ sự khác biệt hai miền khí hậu “một bên nắng, một bên mưa” bởi đèo ngang cách trở nên nhớ, nên trông.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nam non cũng thật khác đời. Không gian không hẳn mờ, cũng không hoàn toàn rỡ sáng. Mặt trời bẽn lẽn nấp sau làn mây mỏng chưa lâu đã vội hiện ra. Gió ngừng. Mây vội kéo lên cao vài mảng nhạt, da trời xanh ngắt vút cao. Cho nên nắng cứ thế mà chiếu rọi. Nồm, Nam “chống nhau” nên trời bặt gió. Nóng thôi rồi! Ngày hè, miền Trung nắng nóng nhất vào thời điểm này.

Những ngày về cuối hạ, Tây Nguyên mưa dầm, cả gió. Miền đồng bằng nhận biết khí hậu miền ngược qua Nam già.

Nam già thổi suốt đêm ngày. Cuối đêm, rạng sáng gió càng thổi mạnh. Có lúc gió mạnh đến mức gọi là bão Nam. Những ngày Nam già cảnh vật trở nên xác xơ. Không gian ảo mờ, cả ngày không thấy nắng. Nam già khô rốc, người mỏi mệt chẳng ra nằm, cũng chẳng ra đứng ngồi, chân tay không buồn động việc. Những ngày Nam già, cánh đàn ông con trai thường cởi trần, quần xà lỏn. Đêm căng màn ngủ ngoài hè, ngoài sân cho dễ chịu. Gió thổi bụi mù bám vào da thịt mà ngại tắm gội vì uể oải, vì tuyến mồ hôi có chịu hoạt động như ngày nóng bức đâu. Nam già cũng là mùa đàn gia súc, gia cầm dịch bệnh. Giống gà chịu ảnh hưởng nhiều nhất, bệnh gà rù. Lứa nào qua khỏi sẽ miễn dịch mùa sau. Chú gà nào tự khỏi bệnh sẽ để lại di chứng như người bị bại não, thành ra “gà què ăn quẩn cối xay” là thế.

Trong không gian bàng bạc những ngày Nam già, tiếng loài chim đơn độc: “Bắt cô trói cột” rã rời chậm trôi ngược gió giữa không trung chỉ còn là chấm đen cứ buông vọng. Câu chuyện cổ về sự tích loài chim cho trí tưởng non tơ thêm “sởn da gà”, cứ thu người co ro mà vểnh tai lắng nghe.

Nam già mây che khuất mặt trời nên không gian u u, buồn buồn. Gió nhiều làm cây cối chưa đợi thu về đã lao xao trút lá. Mà đâu chỉ có lá vàng. Chúng không rơi mà tao tác bay vèo. Cành cao chót vót, những tổ chim dồng dộc bị gió đánh, đưa ngang đưa dọc. Chim bố mẹ khó nhọc mới đáp cánh mớm mồi cho con. Thấy cảnh thêm buồn. Nam già ví như người già, hắt hiu nhợt nhạt. Cánh đồng lúa ngả chín vàng sóng đổ chao từng đợt, có chỗ bị đổ bẹp. Những chú bù nhìn rơm làm nhiệm vụ đuổi chim cứ nghiêng nghiêng ngả ngả, liên hồi động tay vào sợi dây chăng ngang khua động hàng lon kẽm inh tai. Nam già loài chim ăn lúa cũng khó bề, bởi cánh vừa chạm bông lúa đã bị gió tốc chao nghiêng.

Nam già mặt sông nổi sóng, thuyền câu nhất loạt neo sát bờ chỗ eo tránh gió, hay xếp hàng úp mặt lên bãi cát. Có hôm gió to, chúng rủ nhau lăn tròn tựa hồ chiếc nón lá bay. Thấy cảnh lạ, trẻ con vỗ tay reo hò:- Trông kìa, trông kìa bão cát sa mạc! Người lớn đuổi theo chúng giữ lại. Cát tung vào mặt, mắt phải nhắm nghiền, tay phủi tay che.

Mùa Nam già năm 1984, thêm lứa bạn tôi lên đường nhập ngũ đợt 2. Có bạn không về, máu xương hòa vào lòng đất mẹ.

Nguyễn Đình

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.