Tấm khiên cho trẻ em

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo xu hướng tất yếu, tiêm vaccine cho trẻ em là điều quan trọng để sống chung với COVID-19.

 

Các trường học trên địa bàn thành phố Quy Nhơn đo thân nhiệt khi học sinh vào trường. Ảnh: Tường Quân/TTXVN
Các trường học trên địa bàn thành phố Quy Nhơn đo thân nhiệt khi học sinh vào trường. Ảnh: Tường Quân/TTXVN


Sau khi hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ tiêm vaccine COVID-19 cho người dưới 18 tuổi, ngày 14/10, Bộ Y tế nước ta cho biết sẽ mở rộng đối tượng tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp.

Thông tin này khiến nhiều phụ huynh muốn tiêm vaccine cho con cảm thấy phấn khởi, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển sang thích ứng với cách tiếp cận mới: sống chung an toàn với đại dịch. Và điều kiện tiên quyết để sống chung an toàn chính là tiêm vaccine, không chỉ cho người lớn mà còn cả người dưới 18 tuổi.

Từ những ngày đầu đại dịch, nhiều phụ huynh luôn tự trấn an rằng SARS-CoV-2 ít nghiêm trọng ở trẻ em so với người lớn. Nhưng trong thực tế, một số trẻ em vẫn mắc COVID-19 rất nặng, thậm chí tử vong. Hơn nữa, nhiều em còn mắc COVID-19 kéo dài, tức là phải chịu đựng một loạt triệu chứng bệnh hàng tháng trời dù chỉ mắc bệnh nhẹ.

Tình trạng COVID-19 kéo dài đủ nghiêm trọng để khiến Cơ quan Y tế Quốc gia Anh phải thiết lập 15 phòng khám điều trị COVID-19 kéo dài cho trẻ em. Ở Israel, các phòng khám dành cho bệnh nhi mắc COVID-19 kéo dài cũng rất đông bệnh nhân. Đây là một trong những lý do khiến việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em là điều cần thiết, thậm chí khẩn thiết không kém người lớn.

Trong những năm đầu đời, trẻ em được tiêm nhiều loại vaccine để phòng những căn bệnh chết người, để lại di chứng nặng nề như ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm não Nhật Bản… Với COVID-19, một căn bệnh mới xuất hiện gần hai năm nay nhưng mức độ tàn phá của bệnh với sức khỏe, mạng sống, đời sống kinh tế-xã hội của toàn cầu cũng đủ nghiêm trọng để thế giới phải đẩy nhanh tiêm chủng cho trẻ em sau khi đã tiêm xong cho người lớn.

Các chuyên gia nhi khoa còn lo về hậu quả xảy ra khi trẻ em cùng lúc mắc cả SARS-CoV-2 và các loại virus thông thường, như cúm, cảm lạnh – các căn bệnh có thể khiến trẻ gặp vấn đề nặng nề về hệ hô hấp.


 

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho học sinh, giáo viên tại Trường Tiểu học Thạnh An. Ảnh: TTXVN phát
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho học sinh, giáo viên tại Trường Tiểu học Thạnh An. Ảnh: TTXVN phát


Việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em càng trở nên cần thiết hơn khi thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chấp nhận sống chung với dịch bệnh, mở cửa lại xã hội, nối lại các hoạt động trong trạng thái bình thường mới, đặc biệt là mở lại trường học.

Trong bối cảnh trường học đông đúc, trẻ em lại là đối tượng năng động, thích giao lưu, tiếp xúc, thì việc lây lan các loại virus, trong đó có virus SARS-CoV-2, là điều không thể tránh khỏi, thậm chí còn lây lan rất nhanh, làm gián đoạn và xáo trộn việc học hành. Mới đây, Phú Thọ đã phát hiện 45 học sinh lớp 7 của trường THCS Chu Hóa, thành phố Việt Trì dương tính với SARS-CoV-2. Chùm ca bệnh này đã khiến học sinh ở Lâm Thao và Việt Trì phải tạm nghỉ học.

Tình trạng lây nhiễm COVID-19 ở trường học cũng xảy ra ở nhiều quốc gia. Tại Anh, hai tuần sau khi bắt đầu học kỳ mùa thu, trên 100.000 trẻ em đã phải nghỉ học vì mắc hoặc nghi mắc COVID-19. Hồi tháng 9, ít nhất 1.000 trường học tại 35 bang ở Mỹ đã đóng cửa khi chỉ vừa bắt đầu mở cửa dạy học trực tiếp trong năm học mới. Nhiều trường đóng cửa sau vài tuần, thậm chí có trường đóng cửa chỉ sau một ngày và tạm thời chuyển sang học trực tuyến.

Ở Việt Nam, mới có 25 tỉnh, thành cho học sinh tới trường học trực tiếp, các tỉnh, thành còn lại phải kết hợp học trực tuyến và trực tiếp hoặc học trực tuyến hoàn toàn. Như vậy, có thể thấy đa số học sinh vẫn buộc phải học trực tuyến ở nhà – cách học thích ứng với tình hình mới nhưng hệ lụy của hình thức học tập mới này cũng lớn không kém rủi ro mắc bệnh nếu tới trường.

Nếu các em không thể sớm tới trường để học tập, giao tiếp xã hội, cả một thế hệ sống trong thời COVID-19 sẽ chịu nhiều mất mát khó có thể đo đếm cả về mặt thể chất và tinh thần. Trẻ em là một phần của xã hội, chiếm tới 25,75% tổng dân số. Cũng như bảo vệ người lớn, tấm khiên vững chắc bảo vệ trẻ em trước COVID-19 chính là vaccine chứ không phải là biện pháp “nhốt” các em ở nhà.


 

 Buổi học đầu tiên sau thời gian giãn cách xã hội tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đông Tiến (xã Đông Tiến). Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN
Buổi học đầu tiên sau thời gian giãn cách xã hội tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đông Tiến (xã Đông Tiến). Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN


Đại dịch COVID-19 cũng như sự cố trên máy bay – tình huống mà người lớn phải đeo mặt nạ dưỡng khí cho mình trước rồi mới giúp trẻ em. COVID-19 đã kéo dài gần hai năm, nhiều người lớn đã có “mặt nạ dưỡng khí”. Vì thế, đã tới lúc cần phải trang bị phương tiện bảo vệ cho trẻ em, trước mắt là những trẻ em thuộc đối tượng có nguy cơ cao.

Tất nhiên, vaccine COVID-19 hay bất kỳ vaccine nào khác cũng tiềm ẩn một tỷ lệ nhỏ rủi ro nhất định, với cả người lớn và trẻ em. Do đó, mỗi quyết định tiêm hay không tiêm cho cá nhân nào đó đều cần dựa trên phân tích khoa học, cân đo rủi ro-lợi ích.

Tiêm vaccine cho trẻ không chỉ bảo vệ chính trẻ mà còn bảo vệ cả cộng đồng. Nếu không có vaccine, có thể nói khẳng định khó nước nào sống chung an toàn với dịch bệnh được, chứ chưa nói tới chuyện thoát khỏi đại dịch COVID-19.

Theo Thùy Dương (baotintuc)

Có thể bạn quan tâm

Gỡ vướng trong cấp sổ hồng

Gỡ vướng trong cấp sổ hồng

Mặc dù cơ quan chức năng của TPHCM đã rất nỗ lực tháo gỡ nhưng vẫn còn đến 41.000 căn nhà hiện chưa được cấp giấy chủ quyền (sổ hồng). Đây là con số rất lớn, phản ánh việc cấp sổ hồng vẫn rất gian nan, đòi hỏi phải có quyết tâm cũng như bổ sung các quy định của pháp luật để xử lý rốt ráo.

Thước đo dân sinh

Thước đo dân sinh

Cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó tín dụng phục vụ đời sống bao gồm mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng trưởng cao nhất.

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Với những kết quả đã đạt được, VN được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.

Rối bời vì quy định mông lung

Rối bời vì quy định mông lung

Suốt 2 ngày sau khi Thông tư về quy chế tuyển sinh THCS, THPT được Bộ GD-ĐT ban hành, phụ huynh hốt hoảng, đứng ngồi không yên vì quy định chấm dứt hoàn toàn việc thi hay đánh giá năng lực vào lớp 6. Rồi ngay sau đó, Bộ lại ra văn bản giải thích… vẫn cho các trường đặc thù thực hiện như trước.

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

(GLO)- Mức tăng trưởng GDP 7,09% năm 2024 được ghi nhận là rất tích cực của nền kinh tế đất nước, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động kinh tế thế giới, khắc phục thiên tai.

Tinh gọn chính mình

Tinh gọn chính mình

Đang diễn ra một cuộc “nhảy việc” tập thể, đúng hơn là chuyển việc/mất việc/nghỉ việc chưa có tiền lệ tại nhiều cấp, nhiều ban ngành, cả với không ít cơ quan báo chí, xuất bản từ trung ương tới địa phương.