Sui Pơi người thầy nhân hậu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tôi có hơn 7 năm làm việc cùng nhà giáo Siu Pơi ở cơ quan Ty Giáo dục Gia Lai-Kon Tum, thời kỳ cô Võ Thị Quế làm Trưởng ty (sau là Giám đốc). Bấy giờ, thầy Siu Pơi là Phó Trưởng ty phụ trách lĩnh vực bổ túc văn hóa và dạy-học tiếng dân tộc Jrai, Bahnar.
Sau đó, thầy đảm nhận cương vị Giám đốc Sở thay người đương nhiệm vừa về hưu. Gia đình Nhà giáo Nhân dân Siu Pơi có 3 thành viên đều là nhà giáo: vợ là Nhà giáo Ưu tú Nay HWin, nguyên Hiệu trưởng Trường Sư phạm Mầm non của tỉnh; con gái Nay  HTuyết cũng là Nhà giáo Ưu tú, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Gia Lai. Có thể nói, đây là một gia đình nhà giáo người dân tộc Jrai duy nhất ở địa phương có nhiều công lao với ngành GD-ĐT, được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý. Riêng thầy Siu Pơi là người đầu tiên của ngành GD-ĐT tỉnh nhà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2008, sau khi ông về hưu.
Nhà giáo Nhân dân Siu Pơi cần mẫn với công việc nghiên cứu, phát triển tiếng Jrai. Ảnh: Sơn Ca
Nhà giáo Nhân dân Siu Pơi cần mẫn với công việc nghiên cứu, phát triển tiếng Jrai. Ảnh: Sơn Ca
Hình ảnh thầy Siu Pơi trong tôi và các đồng nghiệp bấy giờ là một nhà giáo có thâm niên, trung thực và nhân ái, luôn chiếm được cảm tình của cán bộ, giáo viên ở cơ sở. Vì lĩnh vực được phân công theo dõi, chỉ đạo là ngành học bổ túc và dạy học tiếng dân tộc địa phương bậc Tiểu học nên thầy Siu Pơi thường xuyên gắn bó với cơ sở tận vùng sâu, vùng xa, từ huyện Krông Pa phía Đông Nam đến các huyện Đak Glei, Đak Tô phía Bắc tỉnh Gia Lai-Kon Tum (cũ). Đến đâu thầy cũng cùng với cán bộ chuyên môn của Sở cũng như phòng GD-ĐT cấp huyện đi kiểm tra tận cơ sở trường học, động viên, khuyến khích giáo viên, học sinh bám trường bám lớp, thi đua dạy tốt và học tốt. Những nơi nào qua kiểm tra chưa thực hiện đầy đủ quy chế của ngành và địa phương, nhà giáo Siu Pơi cùng đoàn công tác hội ý thống nhất nội dung để làm việc cùng cán bộ quản lý ở cơ sở và chính quyền địa phương. Với bản tính từ tốn, thầy không bao giờ phê phán nặng lời trước những hạn chế của cơ sở mà thường tìm ra nguyên nhân và giải pháp để tháo gỡ. Những đề xuất của cán bộ, giáo viên và học sinh được thầy lĩnh hội chu đáo rồi cùng với chính quyền địa phương bàn phương án giải quyết. Vấn đề nào vượt quá quyền hạn, thầy đều ghi chép cẩn thận để báo cáo cho tập thể lãnh đạo ngành và lãnh đạo tỉnh. Thầy quan niệm rằng: “Mình làm giáo dục là đào tạo con người từ chưa hiểu biết đến có nhận thức đúng. Nếu ai đó lỡ có sai sót thì giúp họ tìm cách sửa chữa, không nên có thái độ nặng nề, quy chụp khiến họ thối chí, không muốn phấn đấu nữa”. Trong kháng chiến chống Mỹ, thầy Siu Pơi ra Bắc rồi về quản lý, giảng dạy tại Trường Học sinh Dân tộc miền Nam ở Thái Nguyên. Nơi đây, thầy cùng tập thể nhà giáo đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh dân tộc thiểu số trưởng thành, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiều học sinh trở thành cán bộ, sau năm 1975 trở lại Tây Nguyên công tác luôn nhắc đến thầy giáo Siu Pơi với lòng thành kính, biết ơn.
Có lần, tôi tháp tùng thầy Siu Pơi với tư cách là chuyên viên Sở GD-ĐT đến dự lễ khai giảng tại một trường Tiểu học ở thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa). Lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện và Hiệu trưởng nhà trường muốn mời thầy phát biểu chỉ đạo nhân dịp đầu năm học mới. Chỉ còn khoảng 30 phút nữa là tiếng trống khai trường sẽ điểm. Khi thầy trao đổi với tôi về việc chuẩn bị bài phát biểu, tôi nói: “Thời gian gấp quá, thầy nên phát biểu ngắn gọn, động viên thầy và trò là chính. Em nghĩ không cần có văn bản đâu!”. Thầy bảo: “Không được! Em cần vạch ra một số ý chính căn cứ vào nhiệm vụ năm học. Mình nói vo là thiếu sư phạm, không tôn trọng đại biểu và thầy trò nhà trường”. Nghe vậy, tôi phải tức tốc ngồi tốc ký những điều cốt lõi mà chỉ thị năm học mới của ngành đã nêu trước đó để thầy phát biểu trong buổi lễ trang trọng. Khi ra về, ngồi trên xe, thầy Siu Pơi còn nhắc tôi rằng, đi công tác với thầy cần phải nắm rõ nội dung làm việc và chuẩn bị sẵn sàng để khi cần thì phát biểu chỉ đạo những vấn đề cụ thể; không nên nói suông và hứa hẹn những điều xa vời mà cần những lời trung thực, nói được làm được… Tôi hiểu ý và từ đó khi tháp tùng lãnh đạo ngành đi cơ sở, bao giờ tôi cũng chuẩn bị chu đáo để không bị động.
Khi thầy Siu Pơi nhận nhiệm vụ mới là Giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai-Kon Tum thì tôi đã chuyển ngành sang lĩnh vực báo chí. Một thời gian sau, thầy cũng về hưu. Cơ quan tôi làm việc không xa nhà thầy là bao. Thỉnh thoảng, tôi sang thăm thầy cô, nhân đó tìm hiểu thêm về những công trình biên soạn, nghiên cứu của thầy, trong đó có Từ điển Jrai-Việt, Ngữ pháp Jrai, Giáo trình dạy tiếng Jrai… Thầy tâm sự: “Còn sức thì phải làm việc! Làm cho bà con và học sinh của mình có thêm cái chữ và kiến thức để xây dựng quê hương giàu đẹp hơn. Hồi nhỏ, mình vất vả lắm mới học được đôi chữ. Bây giờ phải giúp con em mình làm sao có điều kiện để nỗ lực học tập suốt đời!”.
Thời điểm Báo Gia Lai được phép xuất bản ấn phẩm báo ảnh bằng 2 thứ tiếng (Bahnar và Jrai), Ban Biên tập đã mời thầy Siu Pơi tham gia trong việc chuyển ngữ để đảm bảo sự chính xác về ngôn ngữ địa phương. Thầy đã vui vẻ cộng tác nhiệt tình, thường xuyên với tư cách “cố vấn” cho công tác xuất bản báo bằng tiếng dân tộc bản địa. Tờ báo ảnh Gia Lai được thành công như ngày hôm nay là có công sức đóng góp không nhỏ của Nhà giáo Nhân dân Siu Pơi cũng như nhiều vị trí thức dân tộc khác trên địa bàn tỉnh nhà.
Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.