Sức bật "tam nông" - Kỳ 1: Huyện nghèo chuyển mình mạnh mẽ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn khẳng định: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh-quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước”. Qua hơn 1 thập kỷ thực hiện nghị quyết này, Gia Lai đã có những bước phát triển vượt bậc, trong đó đáng chú ý là hạ tầng ngành nông nghiệp có sự chuyển mình mạnh mẽ, diện mạo nông thôn không ngừng khởi sắc, đời sống nhân dân khu vực nông thôn được nâng cao.
Đak Pơ là huyện thuần nông. Sau 15 năm thành lập, hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là Nghị quyết Tam nông) và triển khai xây dựng nông thôn mới, địa phương này đã có sự chuyển mình vươn lên mạnh mẽ.
Những ngày gian khó
Huyện Đak Pơ được thành lập vào cuối năm 2003, là một trong những địa phương “sinh sau đẻ muộn” của tỉnh. Huyện có 7 xã gồm: Phú An, Tân An, Cư An, Ya Hội, Yang Bắc, An Thành, Hà Tam và thị trấn Đak Pơ, diện tích tự nhiên hơn 50 ngàn ha. Những ngày mới “ra riêng”, huyện phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Cụ thể, cơ sở vật chất tạm bợ, trang-thiết bị làm việc thiếu thốn; kết cấu hạ tầng hầu như chưa có gì đáng kể; đội ngũ cán bộ vừa thiếu về số lượng, vừa hạn chế về năng lực, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; đường giao thông nhiều tuyến liên xã còn lầy lội, đứt quãng; các công trình thủy lợi, trạm bơm, hệ thống kênh mương chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên; trình độ canh tác của người dân còn lạc hậu, chưa ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chưa tìm được cơ cấu cây trồng hợp lý dẫn đến kinh tế nông nghiệp kém hiệu quả. Vì vậy, đời sống của người dân gặp vô vàn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt hơn 3,7 triệu đồng/năm.
Mô hình trồng rau thủy canh của ông Nguyễn Văn Hưng (xã Tân An, huyện Đak Pơ). Ảnh: Ngọc Minh
Mô hình trồng rau thủy canh của ông Nguyễn Văn Hưng (xã Tân An, huyện Đak Pơ). Ảnh: Ngọc Minh
Ông Nguyễn Văn Hưng (thôn Tân Sơn, xã Tân An) bồi hồi nhớ lại: “Thời điểm mới thành lập huyện, Đak Pơ nghèo và buồn lắm. Bà con có công việc hay cần mua sắm đều phải chạy xuống thị xã An Khê vì trên này chưa có gì cả. Hồi đó, gia đình tôi thuê 3 sào đất để trồng rau, quá trình chăm sóc chưa áp dụng quy trình kỹ thuật như bây giờ nên năng suất thấp; rau đã rẻ còn phải mang từng bó xuống tận An Khê bán. Đời sống vô cùng chật vật”.
Gia đình ông Đinh Huynh nói riêng và cả làng Hway (xã Hà Tam) nói chung cũng không nằm ngoài khó khăn đó. Ông Huynh kể, thời điểm ấy, dân làng chủ yếu chỉ biết trồng bắp và đậu các loại. Cứ thả hạt rồi bỏ đấy cho cây tự lên chứ không đầu tư chăm sóc gì nên năng suất thấp. Nông dân làm lụng vất vả quanh năm nhưng đói nghèo vẫn bám riết từng nóc nhà. Con cháu cũng vì thế mà thường xuyên bỏ bê việc đến trường, kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Là huyện thuần nông song trong một thời gian dài, nền nông nghiệp của Đak Pơ vẫn không thể phát huy thế mạnh vốn có. Trên địa bàn gần như không có doanh nghiệp nào đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để nâng tầm sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế. Trong bối cảnh đó, năm 2008, Đảng bộ, chính quyền huyện bắt tay vào triển khai thực hiện Nghị quyết Tam nông với quyết tâm chính trị cao. Ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông Nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ-cho hay: “Từ khi Nghị quyết Tam nông ra đời, các cấp, ngành của huyện đã có những định hướng sát với thực tiễn của địa phương; tập trung xây dựng nền nông nghiệp sản xuất toàn diện theo hướng hàng hóa; đầu tư, hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng vùng chuyên canh rau màu, mía, mì… phát triển theo chuỗi giá trị; khuyến khích trồng mía theo quy mô cánh đồng lớn. Cùng với đó, xây dựng và mở rộng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản trên địa bàn; tăng cường đưa cơ giới vào đồng ruộng. Từ huyện đến cơ sở, đâu đâu cũng thấy không khí thi đua lao động sản xuất đầy phấn khởi”.
Chuyển mình mạnh mẽ
Nông dân nhiều địa phương trong tỉnh đã đưa cơ giới vào thu hoạch lúa. Ảnh: HUY TỊNH
Nông dân nhiều địa phương trong tỉnh đã đưa cơ giới vào thu hoạch lúa. Ảnh: Huy Tịnh
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Tam nông, bộ mặt nông thôn của huyện Đak Pơ đã có sự khởi sắc rõ nét. Kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất được quan tâm đầu tư nâng cấp, giao thông nông thôn được cải thiện. Hiện nay, hầu hết các xã đã có đường bê tông đến trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế-xã hội. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất ngày càng phổ biến. Hiện nay, 95% diện tích sản xuất lúa nước, 100% diện tích trồng mía, 93% diện tích mì, 100% diện tích rau được làm đất bằng máy; nhiều mô hình sản xuất mới, hiệu quả được nhân rộng.
Cùng với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, người dân đã chủ động hơn trong đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Theo ông Hưng, từ ngày có Nghị quyết Tam nông, người dân như ông thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn, hỗ trợ kiến thức và kỹ thuật trồng, chăm sóc rau, hoa màu theo tiêu chuẩn VietGAP do ngành Nông nghiệp địa phương tổ chức. Huyện cũng đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản. Hiện nay, sản phẩm rau của Đak Pơ không chỉ cung cấp cho các huyện, thị xã lân cận mà đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, thậm chí xuất khẩu sang Trung Quốc.
Từ một xã có xuất phát điểm thấp, nhờ sự chung tay, góp sức của người dân và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đến nay, Hà Tam đã đạt chuẩn nông thôn mới; kinh tế-xã hội phát triển, bộ mặt nông thôn thay đổi, đời sống nhân dân được nâng lên. Thu nhập của người dân từ 16,5 triệu đồng/người năm 2008 đã tăng lên 34,7 triệu đồng/người vào năm 2018; tỷ lệ hộ nghèo từ 24,2% năm 2008 giảm xuống còn 4,62% vào năm 2018; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 78% dân số, mạng lưới y tế đáp ứng yêu cầu khám-chữa bệnh của người dân. Đường giao thông thôn làng cơ bản được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển nông sản và đi lại của người dân. Nông dân trong xã còn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng mô hình trồng chanh không hạt, quýt đường, xây dựng cánh đồng mì lớn với diện tích 13,1 ha tại làng Hway… “Người dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học và cơ giới vào sản xuất để nâng cao năng suất, giảm chi phí, tăng thu nhập. Đặc biệt, đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhận thức và tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường”-ông Hoàng Phi Ấn-Chủ tịch UBND xã Hà Tam-cho hay.
Ngoài sản xuất nông nghiệp, gia đình ông Mlơk còn chăn nuôi bò tăng nguồn thu nhập cho gia đình. Ảnh: Ngọc Minh
Ngoài sản xuất nông nghiệp, gia đình ông Mlơk còn chăn nuôi bò tăng nguồn thu nhập cho gia đình. Ảnh: Ngọc Minh

Ông Nguyễn Trường-Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ: “Trong thời gian tới, huyện tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp-dịch vụ, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông sản phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh áp dụng khoa học vào sản xuất, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp; nâng cao chuỗi giá trị nông nghiệp của địa phương thông qua việc xây dựng các thương hiệu về sản xuất rau an toàn, VietGAP, hữu cơ…”.


Với 1,5 ha đất của gia đình, ông Huynh giờ đây không chỉ gieo đậu, bắp mà còn trồng thêm keo lai. “Nhờ cán bộ xã xuống làng tổ chức tập huấn, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ cây giống, con giống nên gia đình mình và nhiều hộ khác đã thoát nghèo, cuộc sống khá giả hơn”-ông Huynh vui vẻ nói. Tương tự, được sự vận động của địa phương, gia đình ông Đinh Mlơk (làng Hway) cùng hơn 10 hộ dân trong làng đã phá bỏ bờ bao, dồn thửa để triển khai cánh đồng mì lớn rộng hơn 13 ha. Ông Mlơk cho biết: “Từ khi chuyển sang giống mì mới, rồi được hướng dẫn chăm sóc, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất tăng 30% so với trước. Cán bộ nhà máy còn xuống tận ruộng thu mua giúp người dân yên tâm sản xuất. Cùng với chăn nuôi bò sinh sản và nghề mộc, mỗi năm gia đình tôi thu nhập hơn 80 triệu đồng”.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Trường-Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-cho biết: Có được kết quả trên, ngoài sự nỗ lực của người dân, huyện đã lồng ghép nhiều chương trình, dự án của Trung ương, tỉnh và ngân sách địa phương xây dựng các mô hình khuyến nông phù hợp với điều kiện thực tế để người dân học tập ứng dụng vào sản xuất. Trên cơ sở thành quả đạt được từ thực hiện Nghị quyết Tam nông giai đoạn 2008-2015, năm 2016, Huyện ủy cũng đã ban hành nghị quyết cho giai đoạn 2016-2020; triển khai xây dựng cánh đồng lớn sản xuất mía, mì… theo chuỗi giá trị. Từ đó đã tiếp đà cho huyện thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
 N.SANG - H.THI - N.MINH

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.