"Sữa học đường": Hiệu quả bước đầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 1 năm triển khai thí điểm, Chương trình “Sữa học đường” đã cho thấy tính thiết thực, hiệu quả và tiếp thêm động lực đến trường của nhiều trẻ em trong tỉnh. Không chỉ cải thiện chế độ dinh dưỡng, chương trình còn góp phần duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh vùng khó.
Niềm vui tới trường
Trường Mầm non Sơn Ca (thị trấn Phú Túc) là 1 trong 2 trường học trên địa bàn huyện Krông Pa được thụ hưởng Chương trình “Sữa học đường” từ tháng 5-2020. Trường hiện có 1 điểm chính và 3 điểm lẻ với 452 học sinh.
Từ khi Chương trình “Sữa học đường” được triển khai thí điểm tại trường, tất cả học sinh đã được uống sữa miễn phí 5 ngày trong tuần, mỗi ngày 1 hộp sữa dung tích 180 ml. Cô Hoàng Thị Xuyến-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Mọi sự chuẩn bị về kho chứa, phương án tiếp nhận, bảo quản và tổ chức cho học sinh uống sữa cũng như xử lý vỏ hộp sữa được nhà trường thực hiện chu đáo. Thông qua chương trình, trẻ hình thành thói quen uống sữa mỗi ngày, đúng giờ để giúp tăng cường thể chất, trí tuệ. Đồng thời, các bé cũng được giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh chung và bảo vệ môi trường. “Khi con đến trường, được học tập và vui chơi với các bạn, sinh hoạt theo chế độ, giờ giấc và còn được uống sữa ngon miễn phí nên chúng tôi rất yên tâm. Mong rằng thời gian đến, nhà trường và các cấp tiếp tục quan tâm hỗ trợ sữa cho các cháu”-anh Ksor Mai (thị trấn Phú Túc) phấn khởi chia sẻ.
Các bé Trường Mầm non Sơn Ca (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) phấn khởi trong giờ uống sữa. Ảnh: Mộc Trà
Các bé Trường Mầm non Sơn Ca (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) phấn khởi trong giờ uống sữa. Ảnh: Mộc Trà
Tương tự, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (xã Ia Trok, huyện Ia Pa) có hơn 99% học sinh dân tộc thiểu số; tỷ lệ học sinh suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thể thấp còi khá cao. Năm học 2019-2020, nhà trường triển khai Chương trình “Sữa học đường” cho tổng số 389 học sinh. Theo đó, các em đã được uống sữa 10 tuần trong học kì II của năm học trước và tiếp tục được uống thêm 8 tuần trong năm học 2020-2021 tính từ ngày 3-9. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngân, nhờ có Chương trình “Sữa học đường” mà sĩ số học sinh luôn duy trì ở mức 100%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 99,7%. Việc được uống sữa mỗi ngày đến lớp đã giúp học sinh cải thiện về chiều cao, cân nặng. Nhiều em thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng, mạnh dạn và tự tin hơn. Sau khi sử dụng, giáo viên và học sinh của trường còn tận dụng vỏ hộp sữa để làm các mô hình trưng bày đẹp mắt như: nhà rông, bảng thi đua học tập, trang phục tái chế… được các em hào hứng tham gia, qua đó tiếp thêm niềm vui tới trường.
Hơn 4.000 học sinh được uống sữa
Chương trình “Sữa học đường” nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học. Tại Gia Lai, chương trình được triển khai thí điểm ở 4 trường mầm non và 4 trường tiểu học thuộc 4 huyện có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn gồm: Kông Chro, Kbang, Ia Pa và Krông Pa, với 4.071 học sinh được thụ hưởng. Công ty Vinamilk hỗ trợ 30% kinh phí mua sữa, thực hiện việc cung ứng sữa cho các trường theo đúng hợp đồng với Sở Giáo dục và Đào tạo; 70% kinh phí còn lại từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ. 
Theo chương trình, học sinh được uống sữa 3 lần/tuần, mỗi lần 1 hộp 180 ml. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, UBND tỉnh đã cho phép điều chỉnh số lượng sữa cho học sinh tăng lên 5 hộp/tuần từ ngày 12-5 đến 15-7-2020. Số sữa còn lại được chuyển sang thực hiện trong tháng 9 và tháng 10-2020.
Sau 1 năm triển khai, Vinamilk đã cung ứng 338.436 hộp sữa với tổng kinh phí gần 1,7 tỷ đồng. Các đơn vị trường học đã thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức cho trẻ uống sữa tại trường; ghi chép sổ sách, lưu mẫu sữa theo quy định về an toàn thực phẩm; đồng thời, phối hợp với trạm y tế xã tiến hành cân đo, đánh giá tình trạng dinh dưỡng học sinh trước và sau khi triển khai chương trình. 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cấp dưỡng các trường đã có kiến thức và kỹ năng thực hành chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ trong trường học. Qua kết quả đối sánh, tỷ lệ học sinh suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm 3%, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm 1,5% so với lúc chưa triển khai chương trình.
Việc tạo nên các sản phẩm tái chế từ vỏ hộp sữa đã góp phần giáo dục học sinh về ý thức bảo vệ môi trường. Ảnh: Mộc Trà
Việc tạo nên các sản phẩm tái chế từ vỏ hộp sữa đã góp phần giáo dục học sinh về ý thức bảo vệ môi trường. Ảnh: Mộc Trà
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện, các trường cũng gặp một số khó khăn trong việc vận chuyển và bảo quản sữa từ điểm trường chính đến các điểm lẻ. Việc theo dõi, đánh giá tình trạng sức khỏe và sự phát triển của học sinh đôi lúc chưa được kịp thời vì hầu hết các trường không có nhân viên y tế, phải phụ thuộc nhiều vào trạm y tế xã.
Bà Bùi Khoa Nghi-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo-đánh giá: Chương trình “Sữa học đường” rất hữu ích đối với công tác chăm sóc và giáo dục toàn diện học sinh, nhất là ở những vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Học sinh vui mừng khi được uống sữa, tích cực và tự giác đến lớp mà giáo viên không phải tới nhà vận động. Phụ huynh cũng dần thay đổi nhận thức về việc nuôi dưỡng, chăm sóc con một cách khoa học. Cùng với đó, chế độ dinh dưỡng của trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng khó đã được cải thiện đáng kể; tỷ lệ học sinh suy dinh dưỡng giảm dần, thể lực, tầm vóc của các em từng bước được nâng cao.
“Với những hiệu quả tích cực mà chương trình mang lại, Sở sẽ tăng cường vận động nguồn lực xã hội hóa giáo dục để tiếp tục nhân rộng chương trình đến tất cả các trường mầm non, tiểu học ở những địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn”-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

(GLO)- Ngày 3-12, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 281-KH/TU ngày 11-10-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5-1-2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2025-2030.