Sự thật về loại cây giống sâm Ngọc Linh ở Lâm Đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 20-11, Sở KH&CN Lâm Đồng cho biết, loại cây giống sâm Ngọc Linh, được nhiều người đổ vào rừng khai thác, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tới ANTT thực chất không phải là sâm Ngọc Linh. 
Trước đó, vào tháng 8-2019, hàng trăm người dân tộc Mông, thuộc các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông, chia thành từng đoàn (mỗi đoàn khoảng 10 người), xâm nhập trái phép vào rừng tự nhiên thuộc hai huyện Đam Rông và Lạc Dương (Lâm Đồng), trong đó có cả Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà, để tìm một loại cây mà họ cho rằng đó là sâm Ngọc Linh.
Dòng người đổ về, xâm nhập vào rừng cấm khiến cho công tác đảm bảo ANTT tại các địa phương trên gặp rất nhiều khó khăn. Lực lượng quản lý bảo vệ rừng, Công an và chính quyền địa phương đã phải ngày đêm túc trực, lập chốt chặn ở cửa rừng, kiên quyết không cho các đoàn người xâm nhập vào rừng.
 
Thời điểm người dân đổ vào rừng khai thác trái phép sâm Langbian nhưng lại tưởng là sâm Ngọc Linh
UBND huyện Đam Rông và Lạc Dương đã có văn bản báo cáo sự việc lên UBND tỉnh Lâm Đồng để xin ý kiến chỉ đạo. Sau đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao cho Sở KH&CN nghiên cứu, xác minh cây giống sâm Ngọc Linh mà bà con người Mông đang đổ xô vào rừng khai thác bất hợp pháp thực chất là loại cây gì.
Sở KH&CN Lâm Đồng đã phối hợp với Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên và Trường Đại học Đà Lạt thành lập nhóm nghiên cứu, gồm các chuyên gia về phân loại thực vật, di truyền, hóa hợp chất tự nhiên... 
Sau 2 tháng nghiên cứu, tập trung vào đặc điểm hình thái, vị trí phân bố, xác định tên khoa học, phân tích di truyền và hóa hợp chất tự nhiên, phân tích ADN, đặc điểm hình thái sâm, đặc điểm sinh lý về thân, rễ củ, quả, hoa, lá, nhóm nghiên cứu đã có đủ cơ sở khẳng định loại cây trên thực chất là sâm Lang Bian.
 
Cây giống sâm Ngọc Linh thực chất là sâm Langbian
Kết quả phân tích thành phần hóa học, loại sâm này không có chất majonosid-R2, vốn là chất đặc trưng của sâm Ngọc Linh. Loại sâm này có hàm lượng saponin thấp, chỉ bằng 4,78%/ mẫu khô đối với cây 10 năm trong khi hàm lượng chất này trong sâm Ngọc Linh là 52 - 56%/mẫu khô. 
Sâm Lang Bian có tên khoa học là Panax, hàm lượng hoạt tính sinh học thấp, không có giá trị cao về dược liệu, do đó tính thương mại cũng không cao như sâm Ngọc Linh. 
Khắc Lịch (CAND Online)

Có thể bạn quan tâm