Sự kỳ diệu của rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2015, tôi cùng người yêu đạp xe rong ruổi từ Việt Nam đi London (Anh) khám phá thế giới. Những trải nghiệm của một hành trình dài thoát khỏi vòng tròn an toàn đã giúp tôi hiểu hơn về bản thân và quyết tâm theo đuổi con đường trở thành nhà văn. Thế là, mùa thu 2019, tôi đến Scotland học thạc sĩ ngành Viết sáng tạo tại Đại học Aberdeen-ngôi trường hơn 500 tuổi và lâu đời thứ 5 trong cộng đồng các quốc gia nói tiếng Anh. Khi đi tìm nhà thuê ở Aberdeen, tôi có 2 sự lựa chọn: một căn nhà gần trường học, căn còn lại có cửa sổ nhìn về quả đồi thơ mộng như Đà Lạt. Tôi chọn căn hộ thứ hai.
Aberdeen là thành phố lớn thứ 3 ở Scotland nhưng chỉ có hơn 200.000 dân. Thành phố nằm phía Đông Bắc đất nước, đón gió biển Bắc thổi về và sau lưng là những cánh đồng xanh mướt. Tôi đã đi qua bốn mùa Aberdeen dưới những hàng cây trên dòng Don, nơi gợi cho tôi bao ý tưởng sáng tác cho môn học Viết sáng tạo. Mỗi ngày, tôi dành 1 tiếng đồng hồ dạo bước trên bờ sông Don, trên con đường mòn ẩn mình dưới những tàng cây và dưới sông chưa bao giờ ngớt bóng lũ chim hải âu, thiên nga… Mùa thu khoác lên mình những gam màu đẹp rực rỡ, phản chiếu xuống dòng Don sắc màu lấp lánh. Và tôi ngỡ ngàng nhìn chú nai vàng thẹn thùng nấp sau vạt lá.
Đông sang, xuân tới, trong cơn mưa nhè nhẹ, tôi hít hà mùi hương thơm nồng của loài tỏi dại. Những hạt mưa bay lất phất trong làn không khí vô hình, chúng không gợi lên sự cô độc mà là một cảm giác thanh tịnh. Bốn mùa, dòng Don khoác lên mình những sắc màu rực rỡ của thiên nhiên: thủy tiên vàng tô thắm mặt nước, hoa chuông nhỏ xíu xiu với màu xanh lam của biển, bồ công anh nâng niu khoảnh khắc gió cuốn đi những giây phút cuối cùng, anh đào lặng lẽ thả những cánh hoa trắng mỏng manh xuống làn nước, kim tước thổi mùi hương dừa ngây ngất vào thinh không ở mép sườn đá, những loài hoa dại mơn man sắc xanh, đỏ, trắng, hồng, cam…
Ảnh minh họa (nguồn: INTERNET)
Ảnh minh họa (nguồn: INTERNET)
Những ngày xuân đầy lưu luyến, tôi vừa mở mắt ra đã nhìn thấy những chùm hoa anh đào hồng rực rỡ đung đưa trong gió ngay ô cửa sổ phòng ngủ. Sắc hoa làm tôi nhớ lại những tháng ngày được lớn lên trong bầu không khí trong trẻo và sắc màu dịu dàng của thiên nhiên quê hương mình. Ký ức sâu đậm trong tuổi thơ tôi là được đắm mình dưới dòng suối vào những buổi trưa hè êm ru, lắng nghe tiếng nước chảy róc rách, ánh nắng soi bóng lũ cá nhởn nhơ bơi lội và cơn gió mát lạnh xuyên qua những tán cây rừng Kbang. Tôi rời nhà đi tìm một cuộc sống mới, nhưng dù ở bất kỳ đâu thì những ký ức ấy vẫn luôn trở lại trong tôi, như một nỗi khao khát được vỗ về những thương tổn dưới làn nước êm đềm soi bóng tán cổ thụ của một cánh rừng già Tây Nguyên. Mỗi lần trở về quê hương, tôi nhìn vào dòng suối ấy, tự hỏi những gì còn lại trong ký ức kia phải chăng là điều duy nhất còn lưu giữ tôi với mảnh đất này nếu một mai bố mẹ tôi trở về với cát bụi?
Trong thế giới của thiên nhiên, con người cũng chỉ là một thực thể nhỏ bé, có chăng chỉ lớn hơn lũ thỏ ẩn nấp trong bụi cây hay đàn hươu với bản tính e thẹn. Ở đâu đó trong rừng, có tiếng chim ngân vang như một dàn nhạc giao hưởng bốn mùa không ngớt. Có hôm ngồi bên gốc cây sưởi nắng và đọc sách, tôi quên mất thời gian trôi, nhưng câu nói mà cô giáo dạy môn Triết học vào năm tôi 18 tuổi lại văng vẳng bên tai: “Không ai tắm 2 lần trên một dòng sông”. Dòng Don kia luôn chào đón tôi với những món quà kỳ diệu về tinh thần mỗi lần tôi ghé thăm. Tôi bước đi giữa thiên nhiên, cảm nhận sự vỗ về của cây cối và lắng nghe tiếng thì thầm của những sinh vật sống khác; đó chính là phương thuốc thần kỳ xoa dịu tâm hồn tôi giữa đại dịch Covid-19, trên một vương quốc nơi số người chết đã vượt quá con số 42.000.
Khi một đứa trẻ được nuôi dưỡng giữa thiên nhiên, chúng sẽ lớn lên với một tâm hồn an yên. Và tôi may mắn là đứa trẻ ấy. Tự hỏi, đâu đó, vì cớ gì loài người lại mê muội tàn phá nguồn sức mạnh tinh thần tuyệt diệu của mẹ thiên nhiên, để rồi phải mải miết đi tìm sự cứu rỗi linh hồn cho những ngày Trái đất nổi giận.
Bốn mùa đến rồi đi như một quy luật tuần hoàn. Hạ đã về và tôi hân hoan vì vẫn được màu xanh yên bình dang tay ôm mình vào lòng.
KIM NGÂN
-----------------
* Kim Ngân-tác giả cuốn sách “Nào, mình cùng đạp xe đến Paris”.

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.