Sự hồi sinh của ngôi làng từng bị "xóa sổ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 70 năm sau vụ thảm sát (18-3-1947 - 18-3-2017), ngôi làng Tân Lập xưa (nay thuộc địa bàn thôn 6, xã Đak Hlơ, huyện Kbang) từng bị “xóa sổ” nay đã thực sự hồi sinh. Vùng đất đau thương ấy đang thay da đổi thịt từng ngày.

Những con đường trải dài, những ngôi nhà mái ngói dần mọc lên ở vùng đất vốn xưa kia từng hứng chịu một cuộc thảm sát hết sức dã man của giặc Pháp. Trong cuộc thảm sát ấy, 76 ngôi nhà với 368 người dân lành đã bị giặc Pháp sát hại. Ngôi làng Tân Lập thanh bình chỉ trong một buổi sáng đã chìm trong đau thương, tang tóc. Từ đó, làng Tân Lập trở nên hoang tàn, đổ nát, không có người sinh sống. Phải đến sau ngày đất nước giải phóng mới có một vài người tới đây canh tác làm nông nghiệp.

Câu chuyện lịch sử bi thương

 

Nhà bia tưởng niệm nhân dân làng Tân Lập bị giặc Pháp sát hại năm 1947. Ảnh: Quang Tấn
Nhà bia tưởng niệm nhân dân làng Tân Lập bị giặc Pháp sát hại năm 1947. Ảnh: Quang Tấn

Làng Tân Lập có từ thế kỷ XIX, thuộc tổng Tân Phong, huyện An Khê, tỉnh Gia Lai. Tân Lập là vùng đất màu mỡ được người dân từ nhiều địa phương khác tới chọn làm nơi định cư. Nhân dân trong làng sinh sống an hòa, vui vẻ trong 74 nóc nhà.

Cuối những năm 1946 đầu 1947, phong trào chống thực dân Pháp xâm lược ở Gia Lai diễn ra mạnh mẽ; nhất là chiến dịch tấn công địch trên toàn mặt trận để giải phóng An Khê. Nhằm đàn áp phong trào kháng chiến của quân và dân ta ở nơi đây, thực dân Pháp đã huy động lực lượng và ra sức càn quét khốc liệt. Nghi ngờ dân làng Tân Lập nuôi giấu cách mạng, ngày 18-3-1947, chúng cho lính càn vào làng. Sau khi lục soát, chúng đã tìm thấy dấu vết của bộ đội như bếp nấu, khí cụ và các loại dây phục vụ cho thông tin liên lạc… Cho rằngTân Lập là nơi bao bọc cách mạng, chúng cho quân lính bắt bớ, đốt nhà, đập phá tài sản của nhân dân. Chúng dã man bắn giết từ người già, trẻ em và phụ nữ mang thai. Bắn giết xong, chúng vơ vét toàn bộ của cải, vật nuôi của dân làng mang đi. Cuối cùng, chúng đốt toàn bộ ngôi làng. Buổi sáng hôm ấy, làng Tân Lập với 74 nóc nhà chìm trong biển lửa.

 

Người dân tưởng nhớ những người đã bị sát hại trong vụ thảm sát. Ảnh: Trần Dung
Người dân tưởng nhớ những người đã bị sát hại trong vụ thảm sát. Ảnh: Trần Dung

Một số người dân của làng may mắn sống sót sau trận này do đi chăn bò ngoài làng, ẩn nấp hay giả vờ chết trở về trong đêm và chứng kiến cảnh tan hoang của ngôi làng. Sau gần một tháng họ mới vào được làng để chôn cất người chết. Tuy nhiên, lúc này xác chết đã thối rữa, xương thịt vương vãi khắp nơi, hôi tanh cả một vùng. Họ chỉ còn cách dồn xác lại, lấy đất cát lấp lên. 368 người dân vô tội của làng Tân Lập đã gửi xương máu của mình vào lòng đất một cách đau thương như thế. Sau cuộc thảm sát, nhiều hộ dân của làng không còn ai sống sót nên mồ mả cũng không một ai biết đến. Những người may mắn thoát trong trận càn ấy cũng bỏ đi tới nơi khác sinh sống.

Tân Lập hồi sinh

 

Sự sống đã hồi sinh trên mảnh đất Tân Lập xưa. Ảnh: Trần Dung
Sự sống đã hồi sinh trên mảnh đất Tân Lập xưa. Ảnh: Trần Dung

Chúng tôi đến làng Tân Lập (nay thuộc địa bàn thôn 6, xã Đắk Hlơ, huyện Kbang) những ngày giữa tháng 3 khi người dân nơi đây đang tất bật cho ngày giỗ lớn nhất - ngày xảy ra vụ thảm sát. Nhìn vùng quê ấy với bao đổi thay, ít ai nghĩ nơi đây vốn là một vùng đất chết, in hằn những tàn tích khốc liệt của một thời.

Cho tới năm 1975, khi Nam-Bắc thu về một mối, đất nước hòa bình thống nhất thì Nông trường quốc doanh sông Ba (thuộc huyện An Khê xưa) mới thu hút được người dân tới làm công nhân tại vùng đất gần 30 năm không có ai sinh sống này. Làng Tân Lập từ đó lại bắt đầu có sự sống. Cũng từ đó, người dân đi theo diện kinh tế mới từ phía Bắc và Bình Định lên ngày càng nhiều. Với họ, chỉ suy nghĩ một điều rằng vùng đất chết này sẽ được hồi sinh mạnh mẽ nếu cần cù chịu khó. “Ông nội tôi thoát chết sau vụ thảm sát. Sau vì quá đau buồn, ông đã lên Buôn Ma Thuột sinh sống. Sau này, ông đưa gia đình, con cháu về lại quê hương Tân Lập xưa của ông. Rồi chúng tôi-thế hệ cháu con của ngôi làng từng bị giặc Pháp “xóa sổ” lại tiếp nối cuộc sống của cha ông mình, sống và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”-bà Huỳnh Thị Lan (thôn 6, xã Đak Hlơ-huyện Kbang) chia sẻ.

70 năm trôi qua, ký ức về vụ thảm sát năm xưa như trở thành động lực cho thế con cháu hôm nay phấn đấu vươn lên. Anh Đặng Xuân Tâm (thôn 6, xã Đak Hlơ-huyện Kbang) tâm sự: “Khi nghe kể về vụ thảm sát, mình không những không sợ hãi mà còn tin vào vùng đất này khi được hồi sinh chắc chắn sẽ là mảnh đất màu mỡ để gây dựng nên cơ nghiệp. Phải biến đau thương xưa trở thành nguồn động lực mạnh mẽ. Hiện gia đình mình ngoài việc trồng 6 sào mía thì còn trồng thêm ớt, nuôi thêm bò, gà… Ngoài việc phát triển kinh tế, mình còn tham gia làm công an viên của thôn”. Không chỉ anh Tâm mà 47 hộ dân của thôn hiện nay đều có thu nhập ổn định từ việc phát triển cây mía và kết hợp mô hình vườn-ao-chuồng.

Thế hệ con cháu lao động sản xuất trên mảnh đất thấm đẫm xương máu cha ông mình. Ảnh: Trần Dung
Thế hệ con cháu lao động sản xuất trên mảnh đất thấm đẫm xương máu cha ông mình. Ảnh: Trần Dung

Năm 2015, huyện Kbang đã hoàn thành xây dựng Nhà bia tưởng niệm nhân dân làng Tân Lập bị giặc Pháp sát hại năm 1947 với tổng diện tích hơn 5.000 m2; trong đó có danh sách của những chủ hộ và số người bị giết hại. Hiện nay, có 10 ngôi mộ tập thể nằm xung quanh khu Nhà bia tưởng niệm và chỉ có 1 ngôi mộ duy nhất trong số này được người thân dựng bia và khắc tên 2 người. Hàng năm, đến ngày giỗ chung, người dân trong thôn 6 lại có mặt tại khu vực Bia tưởng niệm thành tâm nhớ về những người dân làng Tân Lập đã bị giặc Pháp giết hại. “Vào ngày 26-3 Âm lịch hàng năm, những người con của làng Tân Lập trước đây còn sống sót, cùng những người thân của nạn nhân bị thảm sát cùng bà con nhân dân tại địa phương đều tụ họp về đây làm giỗ, thắp nén hương cho người đã khuất”-Chủ tịch xã Đak Hlơ Bùi Phích cho biết.

Màu xanh đã trở lại trên vùng đất chết, người dân đã an tâm lao động sản xuất trên mảnh đất thấm đẫm xương máu cha ông mình. Làng Tân Lập xưa giờ đã căng tràn sức sống với bát ngát những cánh đồng mía, ruộng ớt, lúa non…

Trần Dung-Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm