Song Tử Tây: Gặp làng quê giữa biển cả

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Cách đây chưa lâu, tôi có chuyến công tác đặc biệt trong đời khi theo tàu Trường Sa 571 ra thăm cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa. Trong hải trình, Song Tử Tây là hòn đảo cuối cùng chúng tôi đặt chân đến. Cảnh sắc và những sinh hoạt đời thường trên đảo khiến tôi cứ ngỡ mình đang ở một làng quê nơi đất liền.
Nhìn từ tàu vào đảo, tôi ngỡ ngàng trước một khoảng xanh và những công trình. Đảo như một làng quê thanh bình giữa biển khơi bao la xanh thẳm trong nắng sớm. Tìm hiểu thì được biết, một thuận lợi lớn của đảo là có nhiều giếng nước lợ nên có thể dùng tắm giặt và tưới cây. Môi trường sinh thái ở đây khá thuận lợi cho nên có thể nuôi được bò, heo, gà, trồng được rau xanh các loại tươi tốt bốn mùa. Hình như biển cả đã bao dung, ưu ái ban tặng cho con người nơi đây vị ngọt ngào, chân chất của đất liền để bù lại những con sóng mạnh dội vào không ngớt bốn mùa.
 Tiết mục văn nghệ mừng Xuân Kỷ Hợi của các em học sinh trên đảo Song Tử Tây. Ảnh: H.T.H
Tiết mục văn nghệ mừng Xuân Kỷ Hợi của các em học sinh trên đảo Song Tử Tây. Ảnh: H.T.H
Song Tử Tây hôm nay đã phát triển rất nhiều. Tôi thấy ngọn hải đăng sừng sững vươn cao đêm đêm thắp sáng dẫn đường cho những con tàu vượt qua vùng biển đầy đá ngầm, bãi cạn và sóng gió. Âu tàu Song Tử Tây có khả năng chứa hàng trăm tàu cá công suất lớn, là bến đậu an toàn cho ngư dân các tỉnh Duyên hải miền Trung khai thác hải sản. Hiện tại, đảo đã có trạm dịch vụ hậu cần nghề cá, sửa chữa, cung cấp dầu, nước ngọt cho tàu cá của ngư dân với giá bán bằng giá trong đất liền. Từ năm 2010, hệ thống năng lượng gió và năng lượng mặt trời được đưa vào khai thác sử dụng đã góp phần nâng cao đời sống của quân và dân trên đảo. Nhiều công trình đã được xây dựng trên đảo như: nhà văn hóa, khu tưởng niệm Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, chùa, trụ sở UBND xã, trường tiểu học, nhà ở của dân, bệnh xá, khu làng chài…
Riêng năm 2018, cán bộ, chiến sĩ trên đảo làm rất tốt công tác dân vận, cứu hộ cứu nạn, giúp đỡ ngư dân, giúp cho 285 tàu vào âu neo đậu, sửa chữa máy hỏng miễn phí cho 52 tàu cá, cấp 220 m3 nước ngọt, khám cấp thuốc cho hơn 600 lượt ngư dân, cấp cứu phẫu thuật 62 ca. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo còn quyên góp hỗ trợ quân nhân bị ốm đau và gia đình quân nhân có hoàn cảnh khó khăn trên 185 triệu đồng; thăm hỏi, tặng quà các hộ dân, các cháu học sinh nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, khai giảng năm học mới, Tết Trung thu… Trung tá Bùi Thanh Tùng-Chính trị viên đảo Song Tử Tây-chia sẻ: “Những năm qua, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của thủ trưởng các cấp, sự quan tâm động viên, chia sẻ cả về vật chất và tinh thần của các cấp, các ngành, các địa phương cùng toàn thể đồng bào cả nước nên điều kiện ăn, ở, sinh hoạt trên đảo được cải thiện đáng kể. Nhờ vậy chúng tôi luôn yên tâm công tác, luôn chủ động khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Buổi chiều trên đảo Song Tử Tây thời tiết khá mát mẻ, tiếng chuông chùa văng vẳng, tiếng đàn guitar đâu đó tha thiết ngân lên những giai điệu trong ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao, mấy chàng lính trẻ chơi bóng chuyền hò reo vui vẻ, bầy chó nhỏ chạy loăng quăng theo chân người nơi các góc sân sạch sẽ… Tất cả mang lại cho chúng tôi cảm giác như đang ở đất liền. Tôi ấn tượng mãi về những đứa trẻ ở Song Tử Tây, thầy giáo Nguyễn Hữu Phú, vợ chồng anh chị Ngô Thành Được-Nguyễn Thị Lan cùng 2 cậu con trai kháu khỉnh, thông minh ở làng chài trên đảo. Tôi nhớ cậu bé Thiên Lân “thần đồng” mới 5 tuổi nhưng đã được thầy Phú cho vào học lớp 1 cùng các anh chị vì bé rất thông minh, biết đọc, viết đẹp, thuộc lòng những bài thơ, câu chuyện do thầy giáo dạy. Bài thơ “Quê em Song Tử Tây” dài 5 khổ của thầy Phú, bé Lân đọc thật hồn nhiên, truyền cảm. Chúng tôi quấn quýt bên những em bé nơi đảo xa-những đứa trẻ trong sáng và mạnh mẽ, không biết đến những tiện nghi thành thị, những thiết bị hiện đại thời công nghệ 4.0. Đồ chơi của các em chỉ là những viên đá, những con ốc, san hô, lá bàng vuông, cát biển và những cua cá cha mẹ chài lưới mang về. Người thân của các em là cha mẹ, thầy giáo, các chiến sĩ trên đảo với bao yêu thương, bao bọc nâng niu. Tôi cũng nhớ những món ăn vặt các chị em ở làng chài trên đảo làm đãi khách trưa hè nóng hanh rát mặt, đấy là những bánh đông sương, chè đậu xanh, kẹo lạc, nước vối. Gió biển, nắng biển dường như dịu bớt giữa những râm ran hỏi han chia sẻ tâm tình của anh chị em cư dân trên đảo với anh chị em đoàn công tác. 
Trong tâm tưởng tôi giờ vẫn đọng lại những hình ảnh vô cùng thân thuộc trên đảo Song Tử Tây: vài chú bò vàng và nghé con nằm thong thả tránh nắng dưới những tán cây tra, cây bàng cổ thụ; tiếng gà mẹ lục cục gọi bầy con trong góc vườn; những vườn cải, mồng tơi, rau lang xanh xanh bé xinh được che mát bằng lưới, bằng lá cây; tiếng trẻ đọc bài theo lời thầy ngân vang…
 HOÀNG THANH HƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.