Sơn Lang: Đất ấy và người ấy…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một cái tên ngỡ như vùng đất miền xuôi nhưng thuần khiết một vẻ đẹp tâm hồn Bahnar, Sơn Lang (huyện Kbang) suốt 30 năm chiến tranh lẫn thời bình luôn tâm niệm một hành trình theo chân Bác…

Từ phiến gỗ trong Lăng Bác

Cụ Đinh Lực dẫn tôi ra rẫy xem “di tích lịch sử” của làng Đak Asê. Ấy là một cây trắc cao tầm 7 mét tái sinh từ gốc mẹ. Cụ bảo: Cả xã bây giờ chỉ còn 2 gốc đang được bà con giữ gìn như bảo vật. Chính cụ là người đã đề xướng và đích thân chăm nom một gốc… Thong thả nhồi thuốc vào tẩu rít một hơi dài, già làng đưa tôi về sự kiện thiêng liêng nhất đời của người Sơn Lang cách nay vừa tròn bốn chục năm…
 

Một góc làng Đak A Sê, xã Sơn Lang. Ảnh: N.T
Một góc làng Đak A Sê, xã Sơn Lang. Ảnh: N.T

- Năm sáu chín (1969) Bác Hồ mất, đồng bào ai cũng thương khóc. Bác như cha mình. Cha mất không còn người dạy bảo, mình có thắng Mỹ được không? Cán bộ phải vấn an: Bác mất nhưng chúng ta còn Đảng, còn những người con khôn lớn đã đủ sức gánh việc nước. Vả lại Bác đi, mọi việc đã dặn cả lại trong Di chúc. Cứ làm theo lời Bác thì việc gì cũng thành công…

Thế rồi một ngày cuối năm 1973 ông Trần Văn Bình-Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai về họp với bà con. Vẻ mặt đầy xúc động, ông nói: Cấp trên giao cho chúng ta chặt 40 khối gỗ trắc gửi ra Hà Nội để xây dựng Lăng Bác. Ai yêu nước, yêu Bác Hồ thì xung phong? “Yêu nước, yêu Bác Hồ sao còn phải hỏi người Sơn Lang. Nhưng “lăng” là cái gì?”. Ông Bình giải thích: Lăng là cái nhà to giữ thi hài Bác để mai mốt thống nhất bà con được nhìn thấy Bác. Ồ thế thì trúng cái bụng mọi người quá rồi, ai cũng xung phong. Những người yếu sức bị loại cứ ấm ức không thôi…

Nhà hát Ca-Múa-Nhạc Đam San biểu diễn phục vụ bà con ở Sơn Lang. Ảnh Bích Hà
Nhà hát Ca-Múa-Nhạc Đam San biểu diễn phục vụ bà con ở Sơn Lang. Ảnh Bích Hà


Rừng Sơn Lang bấy giờ còn nguyên sinh, gỗ trắc rất nhiều nhưng phải chọn cây nào ưng ý nhất để tỏ lòng với Bác. Đoàn người khai thác gỗ trong tay chỉ có cây rìu với nắm củ mì nhưng cả đỉnh Kon Ka Kinh quanh năm mây phủ cũng tìm tới. Gỗ trắc già, rìu chặt vào như chạm phải đá cứng. Có những cây phải mất bốn, năm ngày mới đẽo xong một khúc. Kế hoạch giao 40 khối nhưng bà con chặt thành 50 khối “Gỗ Sơn Lang dành cho Bác cũng như lòng người Sơn Lang, không thiếu, chỉ có thừa”.

Khai thác được gỗ đã khó nhưng chẳng thấm vào đâu so với kéo gỗ ra. Rừng Kbang núi cao nối tiếp suối sâu, trâu bò không có, tất cả phải dùng sức người. Bắp tay căng cứng, chân miết lõm đất, súc gỗ nặng cả tấn mới nhích từng tấc một… Mặc, đoàn người như không cần biết đến nỗi nhọc nhằn. Mỗi ngày khi bóng tối còn lẩn khuất, họ đã trở dậy nướng củ mì ăn. Rõ mặt người là bắt tay vào kéo gỗ… Ròng rã một tháng trời chỉ bằng đôi tay trần, đoàn người đã đưa 50 khối gỗ vượt quãng đường hơn 100 km đến sông Trà Khúc. Nhìn những súc gỗ vuông vắn, nguyên lành được bộ đội nâng niu đưa lên xe, ai nấy đều ứa nước mắt nhìn theo…

Đường đời có Bác…

Từ trụ sở UBND xã nhìn ra, một mảng Sơn Lang trông tựa bức tranh thủy mặc. Những khoảng cà phê ngăn ngắt nhấp nhô pha màu vào dáng núi. Giữa tấm thảm xanh ngút mắt, sắc đỏ của những mái nhà sàn lãng đãng trong sương sớm trông tựa những vệt hoa pơ lang nở bung bất chợt giữa trời… Bí thư Đảng ủy xã Đinh Văn Tư bảo: Mảng màu mới của Sơn Lang đấy, cũng mới có được hơn sáu, bảy năm nay…

Anh Đinh Văn Tư năm nay 49 tuổi. Thuộc thế hệ “chiến tranh và hòa bình”, anh không chỉ là người chứng kiến vẻ đẹp yêu nước thuần khiết của dân mình mà còn dẫn dắt phẩm chất cao quý ấy vào cuộc sống mới… Tư kể: Ngày mới ra khỏi chiến tranh, Sơn Lang nghèo lắm. Nghèo mà không ai biết mình nghèo bởi cuộc sống cố hữu của người Bahnar bao đời vẫn thế. Cho đến quãng năm 1993 khi “cơ chế thị trường” lan tỏa đến vùng đất này, bà con mới chợt nhận ra… Quyết tâm biến cải cuộc sống có thừa nhưng bằng cách nào thì không ai nghĩ được.

Ảnh: Bích Hà
Ảnh: Bích Hà


Giữa lúc đó, Lâm trường Hà Nừng đứng ra giúp xã. Họ cung cấp cây giống cà phê, cho vay phân bón. Vụ cà phê đầu  vừa cho thu hoạch thì đùng một cái giá rớt thê thảm… Cuộc “khủng hoảng cà phê” đã cho lãnh đạo xã bài học: Muốn bà con nghĩ được xa hơn, cái ăn  phải được coi là một “cuộc cách mạng”. Để có 5 cánh đồng lúa nước, cán bộ xã đã mất ăn mất ngủ hàng tháng ròng bám dân, cầm tay chỉ việc... Trong cuộc “lột xác” đầy gian khổ này, Sơn Lang may mắn đã có một đội ngũ cán bộ lão thành làm nòng cốt.

Họ đã đi tiên phong, thuyết phục bà con bằng hiệu quả của cái mới. Những điển hình như Đinh H’Ni, Đinh A Nhung… nhờ đi đầu với các mô hình phát triển cà phê, bời lời, lúa nước… cho thu nhập mỗi năm từ 100 triệu đồng trở lên đã tạo sức lôi cuốn mạnh mẽ. Cây cà phê sau quãng thời gian khủng hoảng đã củng cố lại thế đứng chủ lực với diện tích 1.300 ha. 90 ha lúa nước hai vụ đã dư sức giải quyết nhu cầu lương thực. Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2005 đã được kéo xuống còn 9,4%...

Nhưng dẫu sao thì từ năm 2010 trở về trước cũng chỉ được coi là bước khởi động. Sau quãng thời gian tự gột rửa những lề thói làm ăn cũ, được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng được một đội ngũ lãnh đạo chủ chốt hầu hết có trình độ đại học, từ năm 2011, Sơn Lang mới bước vào một giai đoạn được coi là đột phá với việc thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo gương Bác, gắn với xây dựng nông thôn mới-Dương Quốc Diệp, Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định với tôi như vậy.

Ảnh: Bích Hà
Ảnh: Bích Hà


Trong hàng ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Sơn Lang, những người như Diệp được coi là vốn quý. Từ quê hương Nghệ An, anh tìm đến đất Sơn Lang lập nghiệp. Lòng nhiệt huyết của Diệp đã được cán bộ lãnh đạo ở đây nâng đỡ, dìu dắt. Cảm nghĩa lòng người và ân tình vùng đất cưu mang, Diệp đang nỗ lực cống hiến. Một chương trình hành động học tập và làm theo gương Bác cụ thể và thiết thực đã được anh góp sức xây dựng… Diệp say sưa kể cho tôi nghe những mô hình đã trở thành nghị quyết của chương trình nông thôn mới: phát triển cam đường canh, sa nhân tím, nuôi cá tầm.

Chẳng phải là sự áp đặt duy ý chí, đây là những mô hình đã thành công đầy thuyết phục bởi chính bàn tay của người Sơn Lang… Cây cam đường canh được đưa vào xã cách đây ba năm. Ba hộ trồng thử đã chứng minh hiệu quả kinh tế đạt tới 600-700 triệu đồng/ha. Tiềm năng mặt nước hơn 1.600 ha đã được ông Tâm nuôi cá tầm thành công, lãi gần 100 triệu đồng/sào. Cây sa nhân tím, ba hộ cũng đã thử nghiệm với mức thu nhập đạt xấp xỉ 200 triệu đồng/ha/năm…

Dẫu vậy thì Diệp vẫn chưa cho là đủ. Anh kể rằng mình đang “bí mật” thử nghiệm cây thảo quả và đã cho hiệu quả hết sức bất ngờ. Sa nhân tím và thảo quả chắc chắn sẽ tạo ra một hướng làm ăn mới mang tính đột phá cho đồng bào dân tộc Bahnar…
*

Chiến tranh và hòa bình-thời nào Sơn Lang cũng lung linh một vẻ đẹp. Trong cuộc bứt phá để tạo cho mình một cuộc sống ấm no hơn, vẻ đẹp ấy lại càng lung linh, thuần khiết. Dù hãy còn không ít khó khăn nhưng hưởng ứng phong trào học tập và làm theo gương Bác, đồng bào đã đóng góp 20% cho các công trình nông thôn mới. Một xã có 8 dân tộc chung sống nhưng tình đoàn kết chưa bao giờ sứt mẻ. Một xã chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số mà có năm đậu đại học tới 30 cháu. Giữa thời buổi thị trường, mọi giá trị đều bị thử thách bằng tiền mà Sơn Lang, những giá trị tinh thần truyền thống như Hơ Amon (kể khan) vẫn là một ma lực của lòng người. Và những chứng tích cách mạng như gốc trắc đã góp phiến gỗ xây Lăng Bác vẫn được nâng niu gìn giữ…

“Tôi gặp giữa Sơn Lang một mảnh hồn Tổ quốc”-một nhà thơ đã cảm nhận như thế về vùng đất này. Chỉ một khoảnh khắc với Sơn Lang, tôi cũng đủ cảm nhận hơi thở của mạch ngầm cách mạng, mạch ngầm văn hóa cứ như đôi dòng hải lưu ấm dào dạt trong mỗi hành trình đi tới của người và đất Sơn Lang…

Ngọc Tấn

Có thể bạn quan tâm