Sớm sửa chữa nhiều đoạn trên Quốc lộ 14C qua tỉnh Đắk Nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều đoạn trên mặt đường Quốc lộ 14C bị hư, hỏng, xuống cấp nặng, các phương tiện di chuyển rất khó khăn và việc chậm sửa chữa, khắc phục càng khiến tuyến đường bị 'phá' nhanh hơn.
Nhiều đoạn, tuyến trên Quốc lộ 14C xuống cấp, bong tróc mặt đường. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)
Nhiều đoạn, tuyến trên Quốc lộ 14C xuống cấp, bong tróc mặt đường. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Một số đoạn trên tuyến trên Quốc lộ 14C, đoạn qua huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông nhiều tháng nay bị hư, hỏng, xuống cấp nặng.

Việc sớm sửa chữa, đảm bảo lưu thông cũng như tăng cường kiểm soát tải trọng này cần sớm được triển khai, nhất là trong bối cảnh đây là tuyến đường giao thông huyết mạch về quốc phòng-an ninh, cũng như quản lý, bảo vệ rừng.

Quan sát thực tế mặt đường Quốc lộ 14C vào cuối tháng 10 vừa qua, phóng viên ghi nhận nhiều đoạn, tuyến bị hư, hỏng, xuống cấp nặng, các phương tiện di chuyển rất khó khăn và việc chậm sửa chữa, khắc phục càng khiến tuyến đường bị “phá” nhanh hơn.

Điển hình như tại km317, có 1 đoạn dài bị hư, hỏng, phần lớn mặt đường bị biến dạng, lún sâu. Từ đoạn đường này kéo dài thêm khoảng 15-20 km theo hướng về tỉnh Đắk Lắk tiếp tục nhiều đoạn hư, hỏng nối tiếp nhau.

Tại các đoạn này, mặt đường bị cày xới hết gần hết bề mặt nhựa, chỉ còn nền đất, với nhiều “ổ voi,” “ổ gà,” việc di chuyển rất khó khăn, nhất là trong mùa mưa.

Theo Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông, Quốc lộ 14C đi qua địa bàn tỉnh dài hơn 160 km. Trong đó, đoạn kết nối từ tỉnh Đắk Lắk ra đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14 cũ) dài khoảng 47km, đây cũng là đoạn đường có nhiều vị trí hư, hỏng nhất hiện nay.

Theo lãnh đạo Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh Đắk Nông (trực thuộc Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông), đơn vị đang hoàn thiện các thủ tục để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu triển khai sửa chữa các đoạn, tuyến hư, hỏng, xuống cấp nặng.

Dự kiến, tổng kinh phí sửa chữa trong 2 năm 2023-2024 hơn 70 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn từ sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ do Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) phân bổ.

Cũng theo lãnh đạo Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh Đắk Nông, Quốc lộ 14C, đoạn qua huyện Đắk Mil cũng là tuyến giao thông huyết mạch với các Đồn Biên phòng. Đây cũng là tuyến đường phục vụ công tác tuần tra, quản lý bảo vệ rừng của địa phương.

Được biết, Quốc lộ 14C trước đây do Bộ Giao thông Vận tải đầu tư. Giai đoạn 1, đường được làm từ nền đường đất, hệ thống thoát nước từ những năm 2010-2011.

Hàng năm, Cục Đường bộ Việt Nam (trước đây là Tổng cục Đường bộ Việt Nam) bố trí kinh phí để cứng hóa mặt đường, với kết cấu mặt đường đá dăm láng nhựa.

Mấy năm nay, lưu lượng phương tiện di chuyển qua Quốc lộ 14C tăng cao; trong đó có nhiều phương tiện chuyên chở nặng, có dấu hiệu vượt quá tải trọng.

Tình trạng này khiến kết cấu mặt đường đá dăm láng nhựa của tuyến đường không đủ “sức” chịu lực, dẫn tới mặt đường bị hư, hỏng, xuống cấp trên diện rộng. Nhất là tại các đoạn Km285+500 - Km317+500.

Cũng theo ông Bùi Văn Đoàn, Giám đốc Ban Quản lý dự án bảo trì đường bộ (Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông), trong năm 2023, Cục Đường bộ Việt Nam đã bố trí cho tỉnh 16 tỷ đồng để sửa chữa định kỳ Quốc lộ 14C.

Dự kiến, có 12 đoạn đường hư hỏng nặng, với tổng chiều dài 2,96 km sẽ được sửa chữa.

Tiếp đó, theo kế hoạch vốn đã được phân bổ, dự kiến trong năm 2024, các đoạn Km285+500 - Km332+500 của Quốc lộ 14C sẽ được đầu tư trên 56 tỷ đồng để sửa chữa, cải tạo, đảm bảo việc lưu thông thuận lợi, an toàn qua tuyến đường huyết mạch này.

Thông tin thêm về các giải pháp để bảo vệ kết cấu đường Quốc lộ 14C, ông Bùi Văn Đoàn cho hay: "Bên cạnh việc sửa chữa, cải tạo các đoạn, tuyến bị hư, hỏng, xuống cấp, chúng tôi cũng kiến nghị lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải và ngành chức năng địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát tải trọng của các phương tiện trên tuyến đường này”.

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.