Một sinh viên nha khoa đã tìm thấy con dao găm 2.000 năm tuổi của lính La Mã bằng máy dò kim loại.
Con dao găm của chiến binh La Mã cổ. Ảnh: ADG. |
Theo Live Science, một sinh viên nha khoa ở Thụy Sĩ đã phát hiện ra một con dao găm được trang trí công phu thuộc về Đế quốc La Mã cách đây 2.000 năm. Khám phá này đã dẫn nhóm các nhà khảo cổ đến một chiến trường, nơi họ phát hiện ra hàng trăm hiện vật từ cuộc chiến của các binh đoàn La Mã với các chiến binh Rhaetia khi đế quốc này tìm cách củng cố quyền lực trong khu vực.
Lucas Schmid, khi đó là một sinh viên nha khoa, bắt đầu khám phá khu vực gần ngôi làng trên núi Tiefencastel ở bang Graubünden, đông nam của Thụy Sĩ vào mùa xuân năm 2018. Anh ta tìm thấy con dao găm được trang trí bằng bạc và đồng thau khảm trên một ngọn đồi nhỏ bên cạnh hẻm núi sông vào mùa xuân năm 2019.
Địa điểm nơi Schmid tìm thấy con dao La Mã. Ảnh: Đại học Basel |
Máy dò kim loại của Schmid lúc đầu chỉ cảm nhận được một tín hiệu rất nhỏ, và anh nghĩ đây chỉ là một mẩu kim loại. Tuy nhiên, khi bắt đầu đào, Schmid nhận ra rằng tín hiệu đến từ một vật thể lớn bị chôn vùi tương đối sâu. Sau đó, anh phát hiện ra con dao găm hoàn chỉnh cách mặt đất khoảng 30cm.
Ngay lập tức, Schmid báo cáo khám phá cho cơ quan khảo cổ của bang, Archäologischen Dienst Graubünden (ADG). Sau đó cơ quan đã cấp giấy phép cho công việc dò tìm kim loại của anh trong khu vực. Đến tháng 9.21, các nhà khảo cổ học (bao gồm cả Schmid) từ ADG và Đại học Basel đã tiến hành điều tra địa điểm này.
Khi cuộc khai quật hoàn thành vào cuối tháng 9, nhóm nghiên cứu đã khai quật được hàng trăm hiện vật khảo cổ nằm rải rác trên diện tích hơn 35.000 mét vuông. Các phát hiện bao gồm mũi giáo, súng cao su bằng chì, các bộ phận của khiên, tiền xu và móng guốc từ đôi dép đế nặng - được gọi là "caligae" trong tiếng Latinh - mà lính La Mã đã mang.
Con dao găm La Mã này hiện do ADG nắm giữ theo yêu cầu của luật pháp Thụy Sĩ, và được bảo quản để đánh giá khoa học. Schmid vẫn tham gia vào dự án khai quật chiến trường, mặc dù anh không có ý định làm khảo cổ toàn thời gian. Tính đến cuối tháng 9 năm nay, anh đã dành hơn 70 ngày tại địa điểm khai quật trong rừng, làm việc cùng với các nhà khảo cổ học ADG và Đại học Basel.
https://laodong.vn/the-gioi/sinh-vien-tim-thay-co-vat-la-ma-bang-may-do-kim-loai-975060.ldo
Theo ANH VŨ (LĐO)