Sinh viên mới ra trường: Vòng xoáy lấy lương mới đắp nợ cũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với tâm lý bản thân đã tự kiếm được tiền nên có quyền chi tiêu thoải mái, nhiều sinh viên (SV) mới ra trường liên tục rơi vào cảnh ‘đổ nợ’ khi mới giữa tháng, lẩn quẩn trong vòng xoáy lấy lương mới đắp nợ cũ.

Nhận được những tháng lương đầu tiên do mình làm ra, không ít bạn trẻ có xu hướng cho phép bản thân tiêu xài thả ga để tận hưởng thành quả. Lối chi tiêu “không phanh” đó đã khiến nhiều SV mới ra trường làm mãi vẫn không đủ trang trải, thậm chí còn lâm nợ.

 

Trần Thị Diệu Linh áp lực trước các khoản phí phát sinh từ khi đi làm. Ảnh: NVCC
Trần Thị Diệu Linh áp lực trước các khoản phí phát sinh từ khi đi làm. Ảnh: NVCC



Ăn chơi “quá tay” đến khi hối hận thì “mọi sự đã rồi”

Tốt nghiệp ĐH ngành marketing vào tháng 12 năm ngoái, Tăng Tiểu Mẫn (23 tuổi, ngụ Q.11, TP.HCM) đầu quân vào một công ty truyền thông với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau gần 1 năm đi làm, cô vẫn không có được khoản dư nào mà thường xuyên phải mượn tiền gia đình do lối tiêu xài vô tội vạ.

Mẫn cho biết trừ các chi phí cố định như tiền trọ, điện nước, xăng xe, mỗi tháng cô còn dư 4 triệu đồng. Tuy nhiên, vì thường xuyên tụ tập bạn bè và sở thích mua sắm nên Tiểu Mẫn luôn gặp tình trạng “hết tiền mà chưa hết tháng”, đành phải vay mượn xài tạm, đợi có lương mới rồi trả.

“Tôi là người hay nuông chiều cảm xúc bản thân chứ không biết kiềm chế, đặc biệt là khi đã có lương riêng. Cứ bạn bè rủ đi chơi là tôi nhận lời ngay hay đứng trước một chiếc váy đẹp tôi cũng không kiềm lòng được mà dễ dàng móc ví. Cũng nhiều lần tôi lên mạng học cách lập bảng chi tiêu để tiết kiệm nhưng đều thất bại vì thói quen tiêu xài không suy nghĩ”, Mẫn nói.

Không ngoại lệ, Trần Thị Diệu Linh (22 tuổi, Q.4, TP.HCM) đã ra trường hơn 3 tháng cũng đang chật vật trong vấn đề chi tiêu. Linh chia sẻ lương của mình là 8 triệu đồng/tháng, chi trả xong các nhu cầu thiết yếu thì còn hơn 2 triệu nhưng cuối tháng vẫn rỗng ví do các khoản phát sinh.

“Có công việc rồi tôi cần đầu tư về mặt hình ảnh cho mình, trang phục đi làm mỗi ngày cũng phải tươm tất một chút, cả giày dép, mỹ phẩm. Chưa kể, khi mối quan hệ của mình được mở rộng thì sẽ thường xuyên có những buổi liên hoan, tiệc tùng khó tránh. Nên cứ có bao nhiêu tôi lại xài hết bấy nhiêu, không dư ra được”.

“Bước vào đời” hơn nửa năm, Huỳnh Đặng Khánh Ngọc (22 tuổi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) kể từng có thời gian ăn chơi “quá tay” vì nghĩ bản thân đã tự kiếm được tiền. Ngọc bộc bạch: “Tháng đầu tiên, tôi xài tiền liên tục cho các sở thích cá nhân mà không trích ra dành dụm. Đến khi nhìn lại trong một tháng mình đã tiêu nhiều hơn cả số tiền kiếm được thì “mọi sự đã rồi”. Lúc đó mới hối hận, tự kiểm điểm bản thân và dặn lòng không bao giờ mắc lại sai lầm đó nữa”.


 

 Tự chủ và kiểm soát được tài chính, Huỳnh Đặng Khánh Ngọc vui vẻ, tự tin hơn trong các chuyến đi chơi, mua sắm cho bản thân. Ảnh: NVCC
Tự chủ và kiểm soát được tài chính, Huỳnh Đặng Khánh Ngọc vui vẻ, tự tin hơn trong các chuyến đi chơi, mua sắm cho bản thân. Ảnh: NVCC


Cần tập quản lý chi tiêu từ sớm để không bị chới với

Sau sai lầm “đầu đời”, Khánh Ngọc bắt đầu nghiêm khắc với bản thân trong việc quản lý tài chính và lên kế hoạch tiết kiệm ngắn hạn. Ngọc bày tỏ mình hạn chế mua sắm, đặt hàng trực tuyến, dành thời gian ở nhà nhiều hơn để giảm phí tiêu vặt ngoài đường cũng như tiền xăng. Đồng thời, cô cũng dành 35% tiền lương mỗi tháng gửi ngân hàng để dành cho tương lai hoặc phòng trường hợp khẩn cấp cần dùng.

Có thu nhập riêng khi còn là sinh viên, Lương Phương Dung (23 tuổi, Q.9, TP.HCM) cũng ý thức việc phải cẩn trọng trong tiêu xài từ đó. Chia sẻ về những cách tiết kiệm của mình, Dung cho biết bản thân luôn cân nhắc kỹ trước khi mở ví và chỉ mua những thứ cần thiết, quần áo cũng chọn loại có tính ứng dụng cao để đỡ phải mua nhiều. Đặc biệt, Dung bật mí nấu ăn tại nhà là cách tiết kiệm tốt nhất mà mình luôn áp dụng.


 

Người trẻ nên lên kế hoạch chi tiêu cân đối với thu nhập hằng tháng. Ảnh: Shutterstock
Người trẻ nên lên kế hoạch chi tiêu cân đối với thu nhập hằng tháng. Ảnh: Shutterstock



“Cuối tuần đi chợ 1 lần về sơ chế rồi chia thành từng phần ăn để vào tủ lạnh cho cả tuần. Như thế sẽ cắt giảm được rất nhiều chi phí so với việc 'cơm hàng cháo chợ' mỗi ngày. "Mới ra trường, chúng ta có quyền tận hưởng tuổi trẻ nhưng trong mức cho phép, thường xuyên kiểm tra túi tiền để dừng lại đúng lúc, ghi lại chi tiêu mỗi tháng để so sánh và tự kỷ luật bản thân khi vượt quá giới hạn", Dung khuyên các bạn trẻ.

Theo thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, cựu giảng viên trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nguyên nhân chính khiến SV mới ra trường hay bị thâm hụt chi tiêu là do chưa có kinh nghiệm trong quản lý tài chính. Các bạn không biết cách kiểm soát thu chi nên dễ gặp cảnh “đầu voi đuôi chuột” đầu tháng tiêu xài hoang phí, cuối tháng tằn tiện. Điều này làm chất lượng cuộc sống không được cân bằng khiến tâm lý bạn trẻ dễ stress, cảm thấy đuối sức, áp lực trước vấn đề “cơm áo gạo tiền”.

Thạc sĩ khuyên người trẻ cần tập quản lý chi tiêu ngay khi còn ngồi trên giảng đường dù đó là tiền chu cấp hay tự làm ra để đến lúc ra trường không bị chới với. Một số cách quản lý tài chính cá nhân mà cựu giảng viên tâm lý gợi ý là: nắm rõ nguồn thu để điều tiết chi tiêu hợp lý; cắt giảm nhu cầu không cần thiết; tỉnh táo cân nhắc trước khi quyết định chi trả việc gì; dùng sổ tay hay các ứng dụng để ghi chép chi tiêu; viết ra quyết tâm tiết kiệm dán ở những nơi thường thấy để tăng độ kiên trì.

“Lần đầu tự chủ tài chính, tâm lý người trẻ sẽ cảm thấy vui mừng, tự do nên khó tiết chế trước những sở thích cá nhân. Đặc biệt, thế hệ Gen Z hiện nay hay 'bắt trend', chạy theo các xu hướng đám đông như phải dùng điện thoại đời mới, đồ hiệu mới thể hiện được giá trị bản thân. Điều đó là không nên, SV mới ra trường cần phải lượng sức mình, hoàn cảnh gia đình để chi tiêu phù hợp nâng cao chất lượng cuộc sống từ bên trong”, thạc sĩ Hoàng An chia sẻ.

 

Theo Ý Lê (TNO

 

)

Có thể bạn quan tâm

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…