Sau 10 năm, cây mắc ca vẫn chỉ phát triển theo dạng tự phát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mắc ca là cây trồng mới, có nguồn gốc nước ngoài du nhập vào tỉnh Đắk Nông. Thế nhưng, sau hơn 10 năm, cây trồng này vẫn phát triển theo dạng tự phát, chưa được tỉnh Đắk Nông đánh giá mức độ phù hợp, tính hiệu quả giữa các dòng giống để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất.

Tính đến nay, cây mắc ca đã du nhập vào tỉnh Đắk Nông khoảng 10 năm. Ảnh: Bảo Lâm
Tính đến nay, cây mắc ca đã du nhập vào tỉnh Đắk Nông khoảng 10 năm. Ảnh: Bảo Lâm
Nhiều dòng giống và hiệu quả không đều
Mắc ca là loại cây trồng mới được người dân Đắk Nông phát triển mạnh nhất trong 10 năm qua. Trong đó, huyện Tuy Đức là được xem là "thủ phủ" với diện tích hơn 1.300ha.
Về giống cây mắc ca có 15 dòng đang được người dân trồng phổ biến. Các dòng giống mắc ca bao gồm: OC, 695, 800, 788, 246, 344, 741, 816, 842, 849, A4, A16, A38, QN1, Dadow... Qua khảo sát của cơ quan chuyên môn, cây mắc ca trồng ở huyện Tuy Đức thường từ năm thứ 6 trở đi mới bắt đầu cho trái.
Hiện nay, huyện Tuy Đức có khoảng 554ha mắc ca bắt đầu bước vào thời kỳ thu hoạch (chiếm 44% tổng diện tích). Nhiều vườn mắc ca có tỉ lệ ra hoa, đậu quả cao, mỗi cây cho từ 7 - 10kg trái. Tuy nhiên, có những vườn tỉ lệ cây cho trái thấp, số lượng cây mắc ca ra trái trong một vườn chỉ chiếm từ 30 - 50%, mỗi cây cho từ 1 - 3kg trái.

Hiện nay, địa bàn tỉnh Đắk Nông phổ biến khoảng 15 dòng giống mắc ca khác nhau. Ảnh: Bảo Lâm
Hiện nay, địa bàn tỉnh Đắk Nông phổ biến khoảng 15 dòng giống mắc ca khác nhau. Ảnh: Bảo Lâm
Gia đình anh Phạm Văn Thường (ở xã Đắk Búk So) hiện có 6ha mắc ca hơn 10 năm tuổi. Vườn cây mắc ca của gia đình anh Thường cao hơn 6m, tán rộng khoảng 4m.
Anh Thường cho biết, cây mắc ca đã vào độ chín cho thu hoạch. Thế nhưng, do trong vườn có nhiều dòng giống khác nhau, nên tỉ lệ ra hoa, đậu trái cũng khác nhau. Trung bình mỗi ha mắc ca của gia đình anh thu về chưa đầy 1 tấn trái. Kết quả này chưa tương xứng với công sức đầu tư và quy mô vườn cây.
Cần sớm đánh giá giữa các dòng giống
Cây mắc ca đã có đề án phát triển của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như của tỉnh Đắk Nông với quy mô hàng chục nghìn ha. Thế nhưng, đến nay, việc phát triển cây mắc ca ở tỉnh Đắk Nông vẫn mang tính tự phát, chưa có định hướng khoa học.
Theo đánh giá của nhiều người dân, mấy năm qua, thương lái thu mua hạt mắc ca với giá dao động từ 70.000 -110.000 đồng/kg. Hạt mắc ca được thị trường ưa chuộng, nên rất dễ tiêu thụ. Địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến hạt mắc ca, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thêm đầu ra ổn định.

Trong một vườn, chế độ chăm sóc như nhau nhưng cây cho nhiều trái, cây thì rất ít trái. Ảnh: Bảo Lâm
Trong một vườn, chế độ chăm sóc như nhau nhưng cây cho nhiều trái, cây thì rất ít trái. Ảnh: Bảo Lâm
Điều người dân cần bây giờ là cây mắc ca cho quả đồng đều thì hiệu quả sẽ rất lớn. Hàng năm, diện tích cây mắc ca ở huyện Tuy Đức vẫn liên tục gia tăng, bình quân hơn 100ha mắc ca.
Tuy nhiên, theo UBND huyện Tuy Đức, địa phương đang lo ngại về cây mắc ca. Bởi vì, loại cây trồng này chưa được khảo nghiệm, đánh giá một cách khoa học. Cây mắc ca phải trải qua chu kỳ từ 5-7 năm mới cho ra trái. Do đó, việc đầu tư cây mắc ca hiện nay đối với người dân là một "canh bạc".
Nếu như người dân mua phải bộ cây giống không phù hợp, thiệt hại về kinh tế rất lớn. Ở chiều hướng ngược lại, các cấp, các ngành cũng cần tìm kiếm thị trường tiêu thụ nếu như vấn đề ra hoa đậu trái được khắc phục, cây mắc ca đạt "đỉnh" về năng suất.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố 13 dòng giống mắc ca được đưa vào sản xuất. Trong đó, có 3 dòng giống quốc gia và 10 dòng giống tiến bộ kỹ thuật.

Cơ quan chức năng cần đánh giá mức độ phù hợp, tính hiệu quả giữa các dòng giống. Ảnh: Bảo Lâm
Cơ quan chức năng cần đánh giá mức độ phù hợp, tính hiệu quả giữa các dòng giống. Ảnh: Bảo Lâm
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về cây trồng, 13 bộ giống mắc ca đều dùng chung cho cả nước. Chỉ riêng từng xã như: Quảng Trực, Quảng Tâm… của huyện Tuy Đức là đã có sự khác biệt về giống cây trồng do khau nhau về tiểu vùng khí hậu.
Trước thực tế này, các ngành chức năng cần sớm tổ chức khảo nghiệm, đánh giá tính hiệu quả của cây mắc ca cho từng tiểu vùng khí hậu riêng của tỉnh. Có như vậy, cây lâm nghiệp mắc ca mới phát huy được vị thế đa mục đích về kinh tế, phủ xanh đồi núi trọc...
BẢO LÂM (LĐO)

Có thể bạn quan tâm