'Săn' phu đào vàng: Những cách 'săn' người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phu vàng, công việc nặng nhọc không phải ai cũng làm được nên việc tìm lao động là không dễ, vì thế phải có cách thức “chiêu mộ” riêng...
 
Những hầm vàng sâu hun hút đòi hỏi phải có lao động khỏe. ẢNH: HOÀNG SƠN
Được mệnh danh là “thánh địa” vàng của cả nước, nhưng rất ít người bản địa tại Phước Sơn (Quảng Nam) làm phu vàng. Nghịch lý này được chúng tôi phát hiện khi thâm nhập thực tế tại các bãi vàng ở Phước Kim, Phước Hiệp, Phước Thành… Đa số phu vàng đến từ Nghệ An, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị…
Những chuyến xe băng rừng giữa đêm
"Mấy tay săn lao động thường về Mường Xén (H.Kỳ Sơn, Nghệ An) tìm người. Xong họ đưa xuống TP.Vinh và sẽ có người đón, trả tiền xe để đổi chuyến vào Khâm Đức. 

Vào đến nơi, tôi nhận người. Mua đứt bán đoạn, tiền trao xong thì kết thúc"


Lúc nào cũng có nhu cầu tuyển mới “lao động”, nên chủ bãi vàng luôn kết nối hoặc cử ra đội quân chuyên “săn đầu người”. Từ một lời giới thiệu, chúng tôi liên hệ một người đàn ông tên H. chuyên lái xe tuyến Đà Nẵng - TT.Khâm Đức (Phước Sơn) để tìm hiểu “đội quân” này. Trong vai một người có người thân từ Nghệ An muốn vào các bãi vàng làm việc, chúng tôi đặt vấn đề với ông H. về việc muốn kết nối với lực lượng “cò” lao động.
Ông H. hướng dẫn: chỉ cần người vào đến Bến xe Đà Nẵng, ông sẽ đưa lên Khâm Đức và làm việc trực tiếp với những “thợ săn”. “Khi xe lên tới Khâm Đức, họ (người môi giới - PV) sẽ đưa người vào các bãi vàng làm việc. Tiền công môi giới sẽ nhận từ công ty”, ông H. nói. Thấy chúng tôi có vẻ không yên tâm, ông H. trấn an rằng tại các bãi vàng lâu nay đều tuyển người như vậy.
Giới “săn đầu người” làm việc rất bí ẩn và chỉ tin vào những lời giới thiệu của “tay trong”, từ nguồn tin của các lao động trong các bãi hoặc trực tiếp về những địa phương khó khăn để lùng tìm. Chủ bãi H. “bắc” tại xã Phước Hiệp (H.Phước Sơn) kể, năm 2018, ông có khoảng 100 "quân", chủ yếu là người Nghệ An.
 
Đa số phu vàng là thanh niên ở phía bắc
“Mấy tay săn lao động thường về Mường Xén (H.Kỳ Sơn, Nghệ An) tìm người. Xong họ đưa xuống TP.Vinh và sẽ có người đón, trả tiền xe để đổi chuyến vào Khâm Đức. Vào đến nơi, tôi nhận người. Mua đứt bán đoạn, tiền trao xong thì kết thúc”, ông H. "bắc" kể. Những năm trước, ông thường xuyên làm việc với một người phụ nữ dân tộc Thái có “nghệ danh” L.Q. - thường “săn” người rồi đưa vào bãi vàng của ông H. "bắc". “Năm ngoái, có tay “săn” được 3 người Lào. Ba người này theo chân bạn bè từ Mường Xén vào bãi của tôi”, ông H. “bắc” vui miệng kể.
Những ngày thâm nhập bãi vàng Phước Hiệp, chúng tôi chạm mặt “thợ săn” V.C.Th ở một bãi vàng được cấp phép. Vào một buổi tối tháng 5, chính ông Th. đã bí mật đưa 8 thanh niên vào bãi. Ông Th. nói chuyện với chúng tôi, đó là những người dân tộc Mông sinh sống tại Mù Cang Chải (Yên Bái). Xe đưa 8 người này đến Phước Hiệp trong đêm. Rạng sáng, ông đưa ngay cả nhóm vào bãi để tránh bị phát hiện. Số lao động trái phép này ngay cả công an địa phương cũng không thể nắm được.
“Riêng với người Nghệ An, tôi trực tiếp đến tận nơi để đón người. Một số công ty khác thì lại qua những tay “săn đầu người”, ông Th. nói.
Chiêu dụ “việc nhẹ lương cao”
Lao động tại các bãi vàng chủ yếu là người dân tộc thiểu số Khơ Mú, Mông, M’Nông… Nhiều thanh niên không hiểu được tiếng Kinh nên giao tiếp bập bõm. Họ đều xuất thân trong những gia đình nông nghèo khó. Như tại bãi của ông Th., có 2 cặp vợ chồng được “săn” về từ Bản Vẽ (Nghệ An). Vốn gốc Nghệ An, nên ông Th. thường xuyên về quê để tìm lao động. V.Th (25 tuổi) và C. (33 tuổi, cùng là dân tộc Khơ Mú) kể cách đây 1 tháng được ông Th. tìm tới nhà để “mời” đi làm việc. Thế là cả C. và V.Th rủ vợ đi cùng. Hai cặp vợ chồng được đưa ngay vào bãi rồi cho xuống hầm sâu để đào quặng, mức lương 6 triệu đồng/người.
 
Công việc đào quặng, xay đá ngốn rất nhiều sức của phu vàng
Có kinh nghiệm “săn” người như ông Th. tại các bãi vàng không nhiều. Thông thường, để có người làm, các ông chủ bãi phải qua tay của cánh “thợ săn”. Ông H. “bắc” kể, tùy thời điểm mà mức giá phải trả cho “thợ săn” dao động từ 1,5 - 2 triệu đồng/lao động. Dịp cao điểm, thiếu lao động như sau Tết Nguyên đán, phí trả cho mỗi lao động có khi lên đến 3 triệu đồng nhưng cũng không dễ tìm. “Như cô L.Q có lần vào bãi vàng mang theo khoảng 10 quân giao cho chủ bãi, lấy 20 triệu đồng ngon ơ”, H. “bắc” nói.
Nhiều nạn nhân đào thoát khỏi các bãi vàng đã khai nhận với ngành chức năng rằng, họ được các “thợ săn” hứa hẹn việc nhẹ lương cao nên mới gật đầu đồng ý. Thế nhưng, thực tế khác hẳn.
Làm việc đến kiệt sức vẫn không được quan tâm, khi xin về thì bị “đầu cánh” dọa đánh đập. Chẳng hạn, tháng 5.2014, nhóm 4 thiếu niên 15 - 16 tuổi ở H.Kỳ Sơn (Nghệ An) đã trốn khỏi bãi vàng của Công ty TNHH P.M vì tin lời một người môi giới hứa cho làm việc trong bóng râm. Lúc trốn, nhóm đã đi bộ suốt 4 ngày đêm mới ra đến TT.Khâm Đức, trong đó có 2 đêm phải ngủ lại giữa rừng sâu, ăn lá rừng cầm hơi.
Những kẻ “săn đầu người” sau khi “bán đoạn” lao động cho chủ bãi vàng thường... mất dạng, nên ngành chức năng dù có lời khai của các nạn nhân cũng rất khó xác minh. 11 thanh niên Quảng Trị trốn chạy bãi vàng của Công ty TNHH P.M hồi năm 2018 từng khai rằng, do cuộc sống khó khăn, không có công ăn việc làm nên khi có người tên Nh. (trú xã Tà Rụt, H.Đakrông) và một người tên G. nói giọng Quảng Nam gợi ý về việc đi làm vàng với mức lương từ 4 - 6 triệu đồng/tháng, lại được nuôi ăn ở, làm việc không mấy vất vả, chế độ đãi ngộ tốt... nên đã đồng ý.
Theo tài liệu của ngành chức năng, Nh. và G. tuyển dụng theo từng đợt, mỗi đợt từ 5 - 11 người. Họ tập trung số người này đến một địa điểm và yêu cầu ký vào đơn xin việc đã soạn sẵn. Trong đơn chỉ thể hiện thông tin cá nhân của người xin việc, còn nội dung chi tiết về công việc làm thì bỏ trống, chỉ trao đổi miệng. Sau đó, số người này được thuê xe chở vào trụ sở Công ty P.M bàn giao. Công ty lập danh sách xong thì đưa ngay vào khu vực mỏ. Tại mỏ vàng, lao động lại được yêu cầu ký vào hợp đồng lao động đã soạn sẵn mà không hề biết nội dung. Kết luận điều tra vụ việc cho thấy, Nh. và G. đã dùng lời lẽ không đúng như sự thật, sử dụng thủ đoạn để lừa các nạn nhân hợp thức hóa các thủ tục hồ sơ giấy tờ nhằm tạo niềm tin để họ vào làm việc cho Công ty P.M.
4 công ty chỉ đăng ký... 85 công nhân
Ông Nguyễn Thanh Lực, Trưởng công an xã Phước Hiệp (H.Phước Sơn), cho biết tại bãi vàng thôn 8 hiện có 4 công ty, gồm: Công TNHH N.M, Công ty TNHH N.L, Công ty TNHH H.M, Công ty CP khoáng sản S. Trong số này, Công ty TNHH N.L và S. được cấp phép khai thác, đăng ký tạm trú lần lượt là 57 và 28 công nhân. Đây chỉ là số lao động được đăng ký “bề nổi”, thực tế tại bãi vàng này tổng quân số phải lên đến hàng trăm người.
Ông Lực thừa nhận, việc ông Th. đưa 8 lao động trái phép vào bãi vàng, công an xã không nắm được vì “chuyển quân” vào giữa khuya. “Khâu quản lý gặp rất nhiều khó khăn do các công ty khai thác vàng trong rừng sâu. Các công ty có thể đưa vào hàng trăm người nhưng khi vào kiểm tra thì họ trốn vào các hầm hố nên không thể xác định chính xác. Hai công ty H.M và N.M hiện vẫn đang chờ giấy phép, nhưng chúng tôi ghi nhận việc các công ty này đã đưa quân rầm rộ vào để khai thác”, ông Lực nói.

Đối với lao động trẻ em tại bãi vàng, ông Lực cũng cho biết công an xã chỉ có thể kiểm tra trên sổ sách chứ không thể gọi “quân” của từng công ty ra để đếm. Thậm chí, chỉ quản lý trên danh sách có CMND, không thể kiểm soát việc chuyển "quân" chui, không được các công ty phối hợp để vào hầm mỏ...

(còn tiếp)
Hoàng Sơn (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.