Sài Gòn đâu dễ gục ngã!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hệ thống y tế Sài Gòn đã "báo động đỏ". Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… sẽ đón con em họ từ Sài Gòn trở về quê. "Chia lửa" với Sài Gòn, nhưng cũng chính là cách khẩn cấp để cứu con em của họ khỏi mắc kẹt giữa tâm dịch. Hàng triệu dân ngụ cư sẽ tạm rời thành phố.

Sài Gòn chợt mưa, chợt nắng!

Mưa, nắng bất chợt, thường khi vẫn khiến Sài Gòn xô bồ bỗng đáng yêu hơn trong cảm nhận của lữ khách.

Đang mưa sầm sập, bỗng dưng ráo hoảnh. Đơn giản thế, mới đủ để bất kỳ lúc nào Sài Gòn cũng có thể "gửi chút nắng vàng ra ngoài ấy" với "tình yêu tha thiết ở trong này".

Nhưng mưa nắng bất chợt có khi lại là sự thất thường, rồi thì khói bụi… là nỗi lo bệnh tật.

Mà bây giờ thì Sài Gòn đang bệnh - chính xác hơn, thì là trọng bệnh. Vì với việc đang điều trị 20.800 trường hợp mắc Covid-19 (trong đó 306 ca đang thở máy, 8 ca cần can thiệp ECMO – số liệu đến hết ngày 17/7) thì hệ thống y tế đã "báo động đỏ" vì quá tải, đã có những ngày hết giường điều trị cấp cứu cho F0, đã có việc bệnh viện từ chối nhận F0 làm chậm trễ việc đưa đi điều trị, rồi cũng đã quá căng thẳng để tập trung F1…

Dĩ nhiên, Sài Gòn đâu dễ gục ngã. Nhưng trục trặc, đứt gãy, và rất nhiều chuyện không muốn, không hay đã xảy ra, không lường hết được. Đang khi căng thẳng, con người ta dễ sai lầm dễ nổi nóng, dễ chấp nhặt. Mà dịch bệnh tấn công dồn dập như thế, một Sài Gòn rộng lớn như thế, đông đúc như thế thì không phải lúc nào cũng có thể vận hành trơn tru được ở mức tuyệt đối. Cho nên, cần lắm sự thấu hiểu, cảm thông, sẻ chia để cùng nhau vượt khó.

Nhưng, một đô thị đầu tàu của cả nước như Sài Gòn, năng động và hiện đại như Sài Gòn, thì bây giờ vẫn chưa thể nói ngay được là đã ở đỉnh dịch Covid-19 lần này hay chưa. Vì số ca dương tính vẫn tăng vọt từng ngày mà chưa có dấu hiệu gì sẽ giảm nhanh.

Mà hơn thế nữa, là Sài Gòn đã đến lúc thấm mệt vì phải gồng lưng để trải qua những kịch bản giãn cách từ thấp đến cao nhưng bây giờ vẫn cần giãn cách thêm; rồi cần phong toả ngay không chỉ vài hẻm, vài khu phố mà có lúc là cả vài phường, vài quận. Vì số ca dương tính phát hiện ngoài cộng đồng vẫn ngày cao ngày thấp - con số nhảy múa như ẩn hiện, như bóng ma quái đản, ám ảnh, để rồi bất chợt đâu đó sẽ xuất hiện một ổ dịch, có khi là hàng chục ca dương tính.

Rồi còn vì những địa phương có thể nhanh chóng "chia lửa" với Sài Gòn như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang… cũng đang lâm vào tâm trạng căng thẳng vì sự bùng phát của dịch. Rồi ngoài 3 tỉnh, thành đang áp dụng Chỉ thị 16 là Sài Gòn, Bình Dương và Đồng Nai, thì từ 0h ngày 19/7 sẽ có thêm 16 tỉnh, thành nữa của miền Đông Nam Bộ và miền Tây phải giãn cách theo chỉ thị này để chống dịch.

 

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại TP.HCM. Ảnh HCDC
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại TP.HCM. Ảnh HCDC


Dĩ nhiên, Sài Gòn đâu dễ gục ngã. Đã có kế hoạch, đúng hơn là kịch bản, cho việc Sài Gòn phải điều trị 50.000 ca mắc Covid-19, thậm chí là 100.000 ca, đã nhanh chóng được đặt ra. Người đứng đầu thành phố cũng đã quả quyết "không để người dân nào bị đói" trong dịch... Người đứng đầu Chính phủ cũng đã công bố ưu tiên nguồn lực vắc-xin cho Sài Gòn. Đã có hàng loạt chuyến xe chở đội ngũ thầy thuốc, hàng quà… từ tứ xứ hướng về Sài Gòn.

Nhưng lòng người không là sắt thép. Dân miền Nam nói chung, Sài Gòn nói riêng, vốn ít phải chịu những cú sốc vô lượng của thiên tai như các vùng miền khác, nên cũng không dễ "bình thường hoá" ngay được với sự gò bó, bức bách, căng thẳng kéo dài của những ngày giãn cách.

Mà không chỉ riêng chính dân Sài Gòn, kể cả con em cả nước tụ hội về Sài Gòn sinh sống cũng đang mất ăn mất ngủ. Họ chấp nhận đến độ thành thói quen chịu vất vả trong nhà máy hay phơi nắng đội mưa ngoài đường khói bụi để mưu sinh hơn là ngồi chơi không trong nhà để chờ cứu trợ.

Là tiền ăn, tiền trọ, con cái học hành, là gánh nặng quê nhà… tất cả đều chỉ có thể giải quyết được nếu hết dịch. Mà bao giờ thì hết dịch? Câu hỏi chưa có lời giải.

 Đã có một sự lo lắng, đúng hơn là sợ hãi, đến với nhiều người. Sợ nhiễm dịch hơn sợ đói. Có những người mất ăn mất ngủ chỉ vì có muốn cũng không rời được Sài Gòn để tìm một nơi khả dĩ an lành hơn, dù đấy là quê nhà. Có người cha mất, mẹ mất ở quê cũng đành ngồi khóc, vì không biết sẽ về quê bằng cách nào khi các sân bay địa phương lần lượt từ chối khách từ tuyến Sài Gòn, xe khách liên tỉnh ngừng hoạt động và đường sắt lần lượt ngưng đón khách từ ga Sài Gòn, rút dần ra Biên Hoà, Long Khánh…

Nhưng nút thắt nay đang được mở dần từ việc Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi lên tiếng sẽ đón con em họ từ Sài Gòn trở về quê. Chỉ một ngày 16/7 đã có hơn 500 người dân Đà Nẵng và hơn 400 người dân Quảng Ngãi ở Sài Gòn đăng ký với hội đồng hương của họ để xin được về quê ngay đợt đầu, dù biết là về vẫn phải cách ly.

Là 5.000 chuyến xe từ Tập đoàn Phương Trang đã được lên kế hoạch phục vụ; là 70 đầu xe khách được Công ty TNHH Chín Nghĩa (Quảng Ngãi) sẵn sàng lên đường; là những chuyến tàu hoả đang được tỉnh Thừa Thiên - Huế… Tất cả đều chung mục tiêu hỗ trợ đưa đón người dân các tỉnh, thành phố ở miền Trung và miền Tây từ Sài Gòn về quê. "Chia lửa" với Sài Gòn, nhưng cũng chính là cách khẩn cấp để cứu con em của họ khỏi mắc kẹt giữa tâm dịch.

Chỉ nay mai thôi Sài Gòn sẽ bớt căng thẳng, không phải vì nắng sẽ dịu hơn mà vì sự tạm xa của hàng triệu người ngụ cư. Sài Gòn là thế, rất khổ vì phải gánh vác làn sóng dân ngụ cư nhưng lại rất buồn trong những dịp phải tạm chia tay họ. Ai từng sống với Sài Gòn trong những dịp lễ tết đều hiểu điều này.

Dân ngụ cư, lâu nay là một phần máu thịt không thể thiếu của Sài Gòn. Dù vậy, có người đã sống trọn đời ở Sài Gòn mà vẫn không quên mình có một dòng sông quê kiểng chảy trong huyết quản, vẫn không quên có một cội nguồn từ miền quê nghèo khó ở đâu đó trong xa ngái.

Dể hiểu vì sao Sài Gòn vẫn luôn chọn cách sống trọn vẹn với hai chữ Nghĩa Tình!

 

https://danviet.vn/sai-gon-dau-de-guc-nga-20210718125505043.htm

Theo Lương Duy Cường (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Xe dù chui lọt lỗ kim

Xe dù chui lọt lỗ kim

Những năm qua, lực lượng chức năng cũng như các ban ngành hữu trách đã đề ra một số biện pháp nhằm dẹp bỏ loại 'xe dù, bến cóc', nhất là tại khu vực trung tâm, thì căn bệnh trầm kha này lại 'di căn' ra đến khu vực đường dẫn cao tốc.

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Khi gợi mở các định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm không ít lần khẳng định phải xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Dù chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì chúng ta không cấm. Tình trạng không cấm nhưng không quản tiền số không chỉ lãng phí một khoản không nhỏ cho ngân sách, mà còn gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân suốt mấy năm qua.

Tạo xung lực mới cho phát triển

Tạo xung lực mới cho phát triển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.