Rừng Tây Nguyên bị tàn phá nghiêm trọng: "Tàng hình" trách nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) kết luận, thời gian qua các công ty lâm nghiệp ở Đắk Lắk đã làm mất rừng nghiêm trọng, gây thiệt hại về tiền tương đương cả vạn tỷ đồng, và đã đề nghị lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo công an vào cuộc điều tra, xử lý trách nhiệm hình sự các chủ rừng để mất rừng.
 
Rừng thuộc phạm vi Ban quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa quản lý bị tàn phá
Mất hàng trăm ngàn ha rừng, thiệt hại hàng vạn tỷ đồng
Ngày 19/1/2018, Phó tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên ký thông báo kết quả kiểm toán số 53 về công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp tại các công ty nông, lâm nghiệp tỉnh Đắk Lắk. Tại trang 2 thông báo này, KTNN cho biết: Từ năm 2014 - 2016, diện tích rừng tự nhiên do các công ty lâm nghiệp trong tỉnh Đắk Lắk quản lý bị mất vẫn tiếp tục gia tăng nghiêm trọng, đặc biệt trên địa bàn huyện Ea Súp.
“... Hết năm 2016, diện tích rừng tự nhiên do các công ty lâm nghiệp quản lý đã bị mất có thể lên đến 64.237 ha. Nếu tính theo đơn giá trồng rừng mới do UBND tỉnh Đắk Lắk quy định (84,6 triệu đồng/ha) thì giá trị tối thiểu của diện tích rừng đã mất là 6.434 tỷ đồng”.
KTNN khẳng định diện tích rừng chưa bị mất tại nhiều công ty cũng có dấu hiệu suy giảm chất lượng nghiêm trọng. Cụ thể, từ 2012 - 2017, toàn bộ diện tích hơn 11.664 ha rừng trung bình tại Công ty Lâm nghiệp Ea H’mơ và Công ty Lâm nghiệp Ya Lốp đã chuyển thành rừng nghèo và nghèo kiệt. Trữ lượng gỗ đã bị mất từ năm 2012 - 2017 tại hai công ty này lên tới 1.913.692 m3, tương đương 3.827 tỷ đồng. Như vậy, cộng với 6.434 tỷ đồng bị thiệt hại do mất rừng nói trên, tổng giá trị thiệt hại việc mất rừng tại các công ty lâm nghiệp Đắk Lắk, theo cách quy đổi ra tiền của KTNN lên tới hơn 10,2 nghìn tỷ đồng.
KTNN đề nghị tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo công an tỉnh điều tra, xử lý hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước đối với người đứng đầu và các cá nhân liên quan tại các công ty để mất rừng nghiêm trọng.
Theo kết luận của KTNN, UBND tỉnh Đắk Lắk đã quyết định giao đất lâm nghiệp gắn liền với giao rừng, cho thuê rừng đối với doanh nghiệp nhưng không chỉ đạo kiểm kê, phân loại rừng, đánh giá trữ lượng của từng loại rừng để gắn trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng của các công ty lâm nghiệp. Do vậy, suốt 10 năm qua, tỉnh không đánh giá được việc suy giảm trữ lượng rừng để làm cơ sở xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc các công ty lâm nghiệp để rừng bị phá với mức độ nghiêm trọng. Tỉnh cũng không chỉ đạo thống kê, phân loại rừng, đánh giá trữ lượng gỗ, góp phần che giấu tình trạng suy giảm trữ lượng rừng, giúp các công ty lâm nghiệp trốn tránh trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát triển rừng, khiến tình trạng chặt phá rừng càng kéo dài, liên tục nhiều năm.
Đủ kiểu sai phạm của các Ban quản lý rừng
Kết luận của Thanh tra tỉnh chỉ rõ, Bản quản lý rừng phòng hộ Ia Grai đã thực hiện việc giao khoán trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng trồng từ năm 2009 đến nay không đúng đối tượng, chi sai hơn 4,1 tỷ đồng. Ban này đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để đưa họ ký một số chứng từ hoặc giả mạo chữ ký trên một số phiếu thanh toán chi phí trồng, chăm sóc bảo vệ rừng với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng. 
Cũng theo kết luận của Thanh tra tỉnh, ban này đã không thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ rừng vì trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ban đã thiếu trách nhiệm, không bảo toàn vốn để phát triển rừng bền vững, không thực hiện nhiệm vụ theo dõi, thống kê, báo cáo diễn biến rừng hàng năm theo quy định, để mất rừng, cháy rừng, cây rừng trồng bị chết gây thiệt hại, lãng phí tài sản Nhà nước gần 12,5 tỷ đồng…
Còn Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Đoa từ năm 2011-2017 đã sử dụng nguồn kinh phí được cấp trái quy định. Thanh tra yêu cầu thu hồi, nộp ngân sách hơn 5,3 tỷ đồng. Cụ thể, trong quá trình thực hiện chi các hạng mục công trình lâm sinh bằng kinh phí được cấp từ quỹ dịch vụ môi trường rừng, ban đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số để lập chứng từ kế toán thiếu trung thực, hợp thức hóa hồ sơ nhằm sử dụng nguồn kinh phí không đúng với nội dung, mục đích thanh toán với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng. Trong việc đào hào chống xâm lấn vào các năm 2013-2014, ban cũng đã tổ chức nghiệm thu, thanh toán vượt khối lượng cho đơn vị thi công hơn 190 triệu đồng. Ngoài ra, ban trên còn thực hiện chi một số nội dung không đúng quy định về chế độ, tiêu chuẩn định mức, sai nguyên tắc quản lý tài chính hơn 2,4 tỷ đồng… 
Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ để lấn chiếm, mất quyền sử dụng hơn 2,4 nghìn ha, thiệt hại 278 ha rừng trồng. Trong đó, nhiều cán bộ là lãnh đạo, viên chức, nguyên lãnh đạo, nguyên viên chức của ban đã lấn chiếm, sử dụng hàng chục ha đất rừng do ban quản lý. Ngoài ra, từ năm 2012-2016, ban này đã vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính, để ngoài sổ sách và không chứng minh được việc sử dụng hợp pháp, có dấu hiệu vụ lợi số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.
Thanh Tâm-Tiền Lê (TP)

Có thể bạn quan tâm