Rừng cháy, người khát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Lực lượng chức năng phối hợp người dân dập lửa cháy rừng tại thôn 11, xã Đại Lào, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Lực lượng chức năng phối hợp người dân dập lửa cháy rừng tại thôn 11, xã Đại Lào, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Tây Nguyên và Nam Trung bộ: Khô hạn khốc liệt

Đến thôn Đăk Chum 2, xã Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), chúng tôi thấy một vạt rừng thông bị cháy đen gốc, để lại từng mảng tro tàn. Theo ông Tiêu Viết Trinh, Chủ tịch UBND xã Tu Mơ Rông, qua ghi nhận đã có 1,3ha rừng trồng của người dân ở thôn Đăk Chum 2 vừa bị cháy. Nguyên nhân là do Công ty TNHH Quản lý sửa chữa và xây dựng giao thông Đăk Bình trong quá trình đốt dọn lá khô, thực bì để duy tu, bảo dưỡng quốc lộ 40B, đã làm cháy lan vào rừng trồng của dân.

Chi cục kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết, hiện nhiều diện tích rừng ở các huyện Ia H’Drai, TP Kon Tum, Đăk Hà, Đăk Tô, Kon Rẫy, Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đăk Glei có nguy cơ cháy ở cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm. Tại các khu vực này, thời tiết khô hạn kéo dài, có khả năng cháy lớn và tốc độ lan nhanh. Để phòng cháy chữa cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum yêu cầu tổ công tác liên ngành quản lý bảo vệ rừng của các địa phương cần tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt trên các vùng trọng điểm cháy, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào rừng, cấm các hoạt động đốt dọn nương rẫy, đốt xử lý thực bì, đốt giảm vật liệu cháy trong rừng. Các chủ rừng, đơn vị trồng cao su trên đất lâm nghiệp cần phân công trực canh gác các khu vực trọng điểm 24/24 giờ.

Tại Lâm Đồng, TP Bảo Lộc và huyện Đam Rông đang cảnh báo cháy rừng mức độ cực kỳ nguy hiểm. Qua ghi nhận, từ đầu tháng 3 đến nay, tại TP Bảo Lộc liên tiếp xảy ra ít nhất 6 vụ cháy rừng và vườn cà phê; tại TP Đà Lạt đã xảy ra cháy thực bì rừng thông thuộc phường 5, phường 11, gây ảnh hưởng trên 6ha rừng... Để ngăn chặn cháy rừng, các huyện, thành phố đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, bao gồm sử dụng hệ thống camera giám sát tầm cao, flycam kết hợp với các tổ giám sát cộng đồng, đơn vị chủ rừng nhằm sớm phát hiện, dập lửa.

Trong khi đó, theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, từ đầu mùa khô 2023-2024 đến nay, trên địa bàn huyện Đắk Song xảy ra 4 vị trí cháy thực bì rừng thông ven quốc lộ 14 đoạn qua huyện này.

Tại Lâm Đồng, khô hạn kéo dài cũng khiến mực nước ngầm, nước tại ao hồ, sông suối xuống mức thấp. Ghi nhận tại huyện Bảo Lâm, hàng trăm hộ dân xã Lộc Bắc sinh sống quanh hồ Đắk Ka đang lo lắng vì mực nước hồ cạn dần, nguy cơ cây trồng không có nước tưới. Gia đình ông Lương Thanh Thế (xã Lộc Bắc) trồng 3ha cà phê cạnh hồ nhưng do nằm trên đồi cao nên thiếu nước tưới, một phần diện tích cây khô héo. “Gia đình chạy đôn chạy đáo chống hạn nhưng nước hồ quá ít, không đủ tưới. Cà phê năm nay chắc chắn sẽ giảm sản lượng nặng nề”, ông Thế buồn rầu nói... Theo đánh giá của cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có khoảng 9.000ha đất sản xuất có nguy cơ thiếu nước.

Khô hạn khốc liệt cũng diễn ra ở Bình Thuận. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, đến thời điểm hiện tại, địa phương có trên 26.800 hộ dân tại 41 xã, phường, thị trấn ở 5 huyện và TP Phan Thiết bị thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Trong đó, số hộ thiếu nước tập trung chủ yếu tại các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân; cùng với đó là nhiều diện tích cây trồng cũng thiếu nước tưới.

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bình Thuận cho biết, diện tích cây trồng bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước trên toàn tỉnh là 365ha, chủ yếu là thanh long và rau màu; diện tích có nguy cơ bị thiệt hại là gần 1.200ha. Theo ông Hồ Đắc Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận, khó khăn hiện nay là các hồ chứa trên địa bàn có quy mô nhỏ, hệ thống trạm bơm xuống cấp nên khả năng trữ, cung cấp nguồn nước không nhiều. Hiện tại, để chủ động phòng chống hạn hán, thiếu nước, công ty đã thành lập ban chỉ đạo chống hạn, kiến nghị các địa phương nạo vét các tuyến kênh mương nội đồng và tổ chức quản lý, điều tiết nguồn nước hiệu quả.

Miền Tây: Báo động nguy cơ cháy rừng

Có mặt tại cánh rừng Trà Sư (thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang ), chúng tôi chứng kiến nhiều cây tạp bị khô lá, cỏ tranh héo rũ, lớp thực bì nhiều chỗ dày gần 20cm, khô giòn do nắng hạn gay gắt, kéo dài. Nhiều con suối ở bìa rừng khô khốc. Sở NN-PTNT tỉnh An Giang cho biết, các cánh rừng Phú Cường, cụm núi Đất, núi Nhọn… với khoảng 7.300ha (chiếm 43% tổng diện tích rừng toàn tỉnh) cũng đang có nguy cơ cháy rất cao.

Nguồn nước tại đập dâng xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) hiện không còn giọt nước nào Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Nguồn nước tại đập dâng xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) hiện không còn giọt nước nào Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Trong khi đó, tại Cà Mau, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, khảo sát hiện có 33.000ha rừng ở rừng U Minh Hạ và rừng trên các cụm đảo Hòn Khoai có nguy cơ cháy bất cứ lúc nào. Báo động nguy cơ cháy rừng cấp III (cấp cao) là 15.653ha; cấp IV (cấp nguy hiểm) là 13.539ha; cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) là 3.827ha. Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau thông tin, để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng và chữa cháy rừng, từ đầu mùa khô 2024 đến nay, sở đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó đã yêu cầu các chủ rừng duy tu, sửa chữa và xây dựng thêm chòi quan sát lửa, đầu tư máy bơm nước chữa cháy; vòi chữa cháy, dọn kênh, mương...

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, yêu cầu các lực lượng liên quan duy trì các chốt, trạm và tổ, đội tuần tra lưu động; thường xuyên kiểm tra, vận hành máy móc, trang thiết bị, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt; ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội liên kết, phối hợp chặt chẽ các lực lượng có liên quan (công an, quân sự, lực lượng khí điện đạm, người dân…) để huy động, xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra.

Tương tự, theo Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, từ đầu mùa khô đến nay, đã có hàng chục vụ cháy rừng sản xuất, cây tạp xảy ra trên địa bàn tỉnh, trong đó tại TP Phú Quốc xảy ra 6 vụ. Tỉnh hiện có khoảng 82.652ha rừng, trong đó có 41.078ha đang có nguy cơ cháy rất cao, tập trung ở các địa phương: TP Phú Quốc, Hà Tiên, Hòn Đất, Giang Thành, Kiên Lương và Kiên Hải. Ông Trương Thanh Hào, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết, địa phương quán triệt đến các lực lượng liên quan “lấy phòng làm chính”.

“Phải theo dõi chặt chẽ, xử lý kịp thời, triệt để các nguy cơ cháy ngay từ đầu: không để người dân ra vào khu vực rừng đã được khoanh vùng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để răn đe… Nơi nào để xảy ra cháy, người đứng đầu ở đơn vị đó, cơ quan đó phải chịu trách nhiệm”, ông Trương Thanh Hào nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.