Rừng "chảy máu" ở Đăk Lăk-Kỳ 3:Ai đã "nhúng chàm"để đại ngàn chảy máu?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Rừng bị khai thác ngổn ngang, xe chở gỗ lậu hiên ngang đi qua trụ sở UBND xã Ea Hiao (huyện Ea H'leo) nhưng cơ quan chuyên trách không hề hay biết. Và rồi, những lời tố cáo về những cán bộ có dấu hiệu nhận tiền để đại ngàn “chảy máu" là rất có cơ sở.
Trải qua một loạt bài phóng sự điều tra được đăng tải trên Thương hiệu và Pháp luật điện tử trong thời gian vừa qua, chính lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện Ea H'leo, UBND xã Ea Hiao, Công ty Lâm nghiệp Ea H'leo cũng đã thừa nhận là có hiện tượng phá rừng và đã nhận trách nhiệm.
Để khách quan mà nói, trong các buổi làm việc với ông Nguyễn Công Hùng (Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Ea H'leo), ông Nguyễn Xuân Trọng (Chủ tịch xã Ea Hiao), lãnh đạo các đơn vị này cũng không né trách trách nhiệm, họ dám nói thẳng, nói thật về một số cán bộ đã “bắt tay" với “lâm tặc" và rồi rừng vẫn bị khai thác, gỗ lậu vẫn bị tuồn ra khỏi rừng.
Trong quá trình vào cuộc điều tra của tôi về tình trạng phá rừng tại xã Ea Hiao (huyện Ea H'leo), tôi đã phải mất rất nhiều công sức và thời gian để thâm nhập, gặp gỡ những “người trong cuộc", chính họ là người hiểu rõ nhất về cách thức đóng “luật ngầm" cho nhiều cán bộ chuyên trách để được vào rừng khai thác gỗ.
 
Ai đã "nhúng chàm" để đại ngàn "chảy máu"? (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).
Khi tôi đã đủ niềm tin, họ bắt đầu kể câu chuyện về những cán bộ đã bán rẻ lương tâm của mình vì những đồng tiền bất chính. Và để rồi, những tên “lâm tặc" cứ thế lộng hành, còn đại ngàn thì vẫn “kêu cứu" trong vô vọng.
Anh Đ. từng là một “lâm tặc" nhưng nay đã giải nghệ, Đ. ngày trước làm cho một chủ gỗ bên xã Ea Tân (huyện Krông Năng). Anh Đ. kể: “Muốn đi qua khu “5 dốc" để vào rừng khai thác gỗ thì phải đi qua đội 2 (trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đăk Lăk), còn đội 3 nằm bên ngoài Nông trường Cà Chè. Xe chở gỗ nào đi lên hết “5 dốc" thì đều phải đi qua Trạm của đội 2, vì chỉ có 1 con đường độc đạo".
Anh Đ. còn cho biết: “Xe càng của mình làm chung chi theo tháng, phải chung chi tiền cho nó rồi (ý nói là kiểm lâm-PV). Lúc đó đóng theo tháng chưa đến chục triệu/1 tháng (10 triệu đồng-PV). Lúc đó thì gỗ nhiều và gần, xe càng sáng đi thì chiều về”.
“Một xe càng bình thường cũng chở được 3m3 gỗ trở lên, nhưng xe độ bây giờ thì có thể chở được 5m3 trở lên. Bây giờ xe độ chạy từ ngoài vào trong bãi gỗ đã hết cả buổi sáng”, anh Đ. cho hay.
Anh Đ. cho biết, tại xã Ea Hiao có một người biết rất rõ cách thức khai thác và đóng “luật ngầm" cho cán bộ. Theo lời hướng dẫn, chúng tôi tìm đến nhà anh T. Sau những ngờ vực về một người lạ như tôi, anh T. bắt đầu câu chuyện về cuộc “bắt tay ngầm" giữa những chủ gỗ và cán bộ chuyên trách.
Anh T. khẳng định: “Đội 3 quản lý gỗ lạt của 4 huyện và 1 thị xã, gồm: huyện Ea H'leo, huyện Krông Năng, huyện KRông Búk, huyện Cư M’ga và Thị xã Buôn Hồ. Đáng ra khai thác là phải xin giấy phép, nhưng người dân mình làm nhỏ lẻ thì đóng “luật ngầm". Anh thì anh không đi rừng nhưng anh mua 1 cái xe, thuê các em lái và vào trong rừng mua của những người khai thác trong đó".
Sau này khi về làm việc với ông Nguyễn Đức Quảng- Đội trưởng Đội Kiểm lâm Cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 3 (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đăk Lăk), trụ sở đặt tại Thị xã Buôn Hồ. Ông Quảng khẳng định đội 3 quản lý 4 huyện và 1 Thị xã đúng như lời anh T. cung cấp cho tôi.
Tiếp tục câu chuyện với tôi, anh T. cho biết: “Luật thì anh đội 3 này, khi đó đội 3 là 4 triệu, 4 triệu là chung “công đoàn". Khi tôi thắc mắc về tiền “công đoàn" thì anh T. giải thích: “Nghĩa là đưa 4 triệu cho 1 ông nào của Chi cục Kiểm lâm và ông đó nộp vào tiền “công đoàn". Chung “công đoàn” thì đi không phải báo, còn chung cá nhân thì đi phải báo".
“Ngày trước đừng xe độ chế, kết hợp 2 hộp số, 1 tháng bình thường đi được 8 chuyến. Nói chung phụ thuộc vào nguồn hàng trong đó em à. Anh làm 1 thời gian anh bỏ luôn, chung không chịu nổi, nó ăn quá em à", anh T. cho hay.
Anh T. còn khẳng định với tôi rằng: “Đến hiện tại đóng cho đội 3 vẫn 4 triệu, kiểm lâm huyện có thằng N. là kiểm lâm địa bàn, 1 tháng nó lấy 1 triệu. Bây giờ có xe Quang “ốc" (thôn 9B) hay đi và đóng luật".
 
 
Công an tỉnh Đăk Lăk đã xử lý nhiều vụ vi phạm lâm luật. (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).
Trao đổi với phóng viên Thương hiệu và Pháp luật, ông Nguyễn Đức Quảng - Đội trưởng Đội Kiểm lâm Cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 3 (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đăk Lăk), cho biết: “Tại huyện Ea H'leo có 3 đồng chí phụ trách địa bàn là ông Phạm Minh Luân, ông Y Toan Niê, Y Pe Kriêng. Bên cạnh đó còn có đồng chí Đào Đức Hạnh- Phó đội trưởng phụ trách huyện Ea H'leo, huyện Krông Búk và Thị xã Buôn Hồ. Trách nhiệm chính là thuộc về các cán bộ kiểm lâm địa bàn".
Có hay không tiêu cực của cấp dưới khi để xảy ra tình trạng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn xã Ea Hiao? ông Trương Văn Hồng, khẳng định: “Hiện giờ Công an tỉnh Đăk Lăk đang đặt huyện Ea H'leo là “điểm nóng" về tình trạng phá rừng, vận chuyển và cất giữ lâm sản trái phép. Mình sẽ báo thông tin này cho bên Nội chính, trực tiếp là đồng chí Bí thư huyện ủy Ea H'leo để bên công an đưa vào chuyên án”.
Hàn Hưng-Hải Nguyễn (THPL)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.