Rốn lũ Mường Bang - tự sự của vỏ trái đất...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tình cờ gặp nhau ở xứ Phù Hoa, thủ phủ huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Cánh đồng rộng lớn và đẹp thứ ba của toàn cõi Tây Bắc giờ bị xé lẻ bởi các dự án san đổ nền “công nghiệp hóa”.

Lúa vàng nham nhở sau đận lũ dữ. Những ngôi nhà kiên cố từ từ chỉm nghỉm và mất tích trong dòng nước cuộn xiết. Hai ngả QL37 đều bị cắt lìa theo lối người ta chặt đôi khúc cá trắm, Phù Hoa bị cô lập nhiều ngày...

Giờ đã thông xe, nhưng bùn đất còn bê bết, mù mịt. Vừa gặp, cán bộ huyện đã thảng thốt: “Ông phải vào rốn lũ Mường Bang. Bà con bị cô lập khổ lắm. Nhưng cái đáng sợ hơn, vào đó ông mới cảm nhận hết được sự kỳ bí và sức tàn phá khủng khiếp của mưa lũ. Những tiếng nổ rền trời, biển nước mất tích trong hang núi hẹp. Sau vài cây số luồn trong bụng quả đất, lại những tiếng vỡ oạc vang trời. Nước phun như thác, bẻ gẫy các cây cầu bê tông cốt thép kiên cố nhất trong tích tắc...”.

 

Phía sau, bên phải cây cầu gẫy này là khe núi đã phun “vòi rồng” ra, bẻ gẫy cây cầu bê tông cốt thép ở Bản Khoáng.
Phía sau, bên phải cây cầu gẫy này là khe núi đã phun “vòi rồng” ra, bẻ gẫy cây cầu bê tông cốt thép ở Bản Khoáng.

Núi cựa mình và những cái cây chổng ngọn xuống bùn

Chúng tôi lên đường với cơm nắm, xôi nếp muối vừng để “tích cốc phòng cơ”. Bởi vào vùng đất vừa thoát khỏi cảnh cô lập đó rất hiểm trở, “đi thì biết đi, chứ không tính được ngày ra”, vị cán bộ thở dài.

50km đường vào Mường Bang đúng là chín suối mười đèo. Ít nhất có 41 điểm sạt lở lớn được thống kê. Mấy chục cây số đường lổn nhổn đá, đặc biệt là những khu vực sạt lở khổng lồ đã khiến Mường Bang cô lập nhiều ngày. Núi bửa ra, tràn lấp hết mặt đường. Từ đỉnh vòi vọi, vết trượt lám nhám cỏ cây và đỏ au bùn đất kéo dài xuống mặt đường, bẻ vỡ tan con đường độc đạo, trượt tiếp hàng trăm mét xuống thung sâu.

Xe chúng tôi lội nửa bánh trong bùn, lách qua những khối đá to như gian nhà án ngữ lối đi. Dưới suối trắng lốp toàn đá được “vần vò”, cọ rửa và vỡ vụn sau cơn lũ ác. Nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi bị hất bong gốc, đổ chổng kềnh nằm như cây cầu xanh rêu bắc từ bờ nọ sang bờ kia của con suối. Nhiều cây lớn bị hất ngã từ đỉnh núi, lăn xuống vực. Chúng cắm như cây cảnh kỳ dị, tán lá chúc xuống bùn đất, rễ lơ thơ chổng lên trời.

Nhiều bản vẫn chưa có điện lưới, vì cả trạm biến áp và cột điện cùng ngã đổ hết. Vừa cầm máy gọi điện, đã thấy giọng chị Phùng Thị Quang - Bí thư Đảng ủy xã Mường Bang - nhiệt thành: “Nhà báo đến đầu núi rồi, xe màu đen, bán tải đúng không?”. Tất cả chúng tôi đều nghĩ “bà” Bí thư cho người canh gác báo tin, chứ ai lại tài tình “mắt thần” đến thế. Không ngờ, chị Bí thư thở dài: “Cây đổ hết. Núi trơ trọi, nhà ủy ban xã cũng bị lũ đào cho trơ móng. Cho nên, tầm nhìn bây giờ “thoáng” vô cùng...”

Chị buồn rầu đưa chúng tôi ra sau Ủy ban xã. Trước cửa trường học là một cây cầu bê tông kiên cố bị lũ bẻ gẫy như lão nông vừa bẻ thanh đóm. Suối trơ lơ đá hộc. Đây là cây cột điện mà anh cán bộ xã buộc dây cáp vào nó để đu sang bờ kia, lần lượt cứu sống 8 người. Các cây cổ thụ cuồn cuộn... trơ rễ, nghiêng ngả. Cá biệt, có cây đa mấy trăm năm tuổi nằm trùm xòa rễ sau khi bị lũ ẩy đổ. Cụ nằm vắt mình qua con suối lớn. Bà con đi lại như những sinh vật bé nhỏ bên trên. Họ sang bên kia suối, dựng khung, bệ và khiêng cưa sang xẻ gỗ. Vì gỗ từ thượng nguồn đổ về nhiều như một bãi chiến trường.

Đồng chí An - Phó Công an - và anh Hưng - xã đội trưởng xã Mường Bang-đưa chúng tôi vào bản. Đường thành hang hốc. Các cây cầu đồng loạt gẫy, trẻ em đi học bằng cách dẫm lên các cây tre “cầu khỉ” lắt lẻo. Cầu tre xanh mướt, bởi bà con vừa đẵn về làm cầu tạm. Có cây cầu bị thiếu tre, trai bản bèn làm cho chúng thấp lấp xấp sát mặt nước. Trông xa, lũ trẻ như đang khinh công trên mặt suối. Như thế còn hơn là gần chục ngày qua các cháu không thể qua suối đến trường được.

Xã Mường Bang có 9 bản. Càng đi sâu vào phía hạ lưu con suối Bang vắt qua miền đất này, chúng tôi càng thấy rõ sự thảm khốc. Sau cơn lũ, đường xá bị cắt khúc như có một bàn tay khổng lồ tàn nhẫn đang chặt các cây mía vậy. Lan can sắt sáng loáng bị bẻ vẹo như cái dây thừng rối. Đường nhựa bị xẻ đôi, như người ta đang mổ một con rắn. Mà vết mổ to đến mức 3 người có thể dàn hàng ngang đi vừa.

Đồng chí Phó Công an xã chở tôi trên chiếc Win 100 dã chiến. Ngay cả ngôi nhà của chính nhà bố mẹ An, giờ cũng chỉ còn là một đống gỗ cũ. Bà mẹ An ngồi đào từng lỗ cọc bé xíu để căng bạt nấu cơm bên bờ suối. Duy nhất cái nhà vệ sinh bằng gạch, chả hiểu sao cơn lũ nó tha. Mất mái, mất cửa, nhưng sau quá trình đào bới vẫn... tìm thấy bệ, bệt và còn dùng được. An chỉ ra một dãy nhà ven suối. “Trước mặt em đây, vốn là 9 căn nhà kiên cố, nhà này 2 tầng đắt đỏ lắm. Tất cả đã bị vùi lấp, cuốn trôi trong tích tắc”.

Chúng tôi đi ngót chục cây số vào tít phía bản Khoáng, bắt đầu gặp ven suối đủ thứ cột nhà, khóa giang, lọ lục bình gỗ loại lớn, chúng được sơn bóng, mài nhẵn và đẽo gọt công phu. Tất cả đều nhuộm bùn hoặc bị bẻ gẫy ngọt lịm. Đó là dấu tích của hàng chục căn nhà bị trôi theo lũ...

 

Núi gỗ mênh mông từ rừng tràn về, lấp hết lối đi ven suối.
Núi gỗ mênh mông từ rừng tràn về, lấp hết lối đi ven suối.

Những tiếng nổ vang trời và “vòi rồng” ở Bản Khoáng

Nhưng, thường thì người chết, người tán gia bại sản vì thiên tai, lại không đích thị là thủ phạm phá rừng. Như chị Hà Thị Phiếu đang mê sảng hôm nay. Chúng tôi gặp chị, sau khi rời Mường Bang. Chị đang được điều trị tích cực tại BV Việt Đức, Hà Nội.

Sau 15 ngày kể từ khi anh chồng là Phùng Văn Đạt chết, đến giờ chị Phiếu vẫn chưa biết tin. Thứ nhất là vì chị mê sảng, lúc tỉnh lúc mơ, do vết thương quá nhiều và hầu hết đã hoại tử. Hai vợ chồng đang nằm bên nhau ở bản Khoang, thì lũ gào réo ập đến, nước cao lưng trời. Anh Đạt bị cuốn đi cùng ngôi nhà, vài ngày sau mới tìm thấy thi thể. Chị Phiếu bị dạt vào cỏ rác ven suối. Hôn mê. Đường vào Mường Bang bị cô lập mọi ngả, dân bản khiêng chị ra bìa núi lại khiêng về đến 3 lần. Chờ lâu, da thịt hoại tử từng mảng lớn. Và đó cũng là lý do mà 15 ngày trôi qua rồi, mồ anh Đạt đã xanh cỏ, chị vẫn mơ màng nằm ở Việt Đức và không một ai dám đưa hung tin đến cho chị.

Nơi này, có lẽ phải dùng từ cuồng nộ hay cuồng loạn để miêu tả sức nước như ngàn vạn con ngựa chứng lao đi, tàn phá tất cả. Bà con cũng có lỗi, ấy là sau khi đường kiên cố được mở dọc suối, thì những người có tiền và thích “mặt đường” mới “nhảy” ra dựng nhà kiên cố. Như thế là chặn dòng chảy. Là đánh đu với tử thần trong thời kỳ biến đổi khí hậu hành hoành. Bây giờ, người chết, nhà tan, huyện xã mới chỉ đạo di dời hết nhà cửa ven suối. Nhưng với sức nước và củi rác khổng lồ cứ hung hãn thêm sau mỗi năm kia, thì “di vén” nhà cả lên cao chưa phải là giải pháp tối ưu. Mà các nhà quản lý cần phải nhìn rõ, cây cầu kiên cố cốt thép, nhà hai tầng bê tông nước còn bẻ gẫy, đứt phăng. Nước từ trời đổ xuống, do các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng đáng sợ. Nước đổ xuống, suối dâng cao như biển lớn. Trong bụng nước là đá hộc, là ngàn vạn cây gỗ, khúc gỗ từ các đám phá rừng đang tiếp thêm sức mạnh cho “thủy quái”.

Thêm nữa, với Mường Bang thì rất kỳ lạ, các nhà khoa học cần vào cuộc thật sự để nghiên cứu. Từ bao đời, nước suối trôi vào một cái lỗ nhỏ ở chân núi, dọc đường vào Bản Khoáng. Nhà cửa, trâu bò, xác người, cả núi gỗ từ trăm cánh rừng đổ về, đều bị hút hết vào cái “lỗ đen” bí ẩn đó.

 

Dấu tích quan trọng hơn là cảnh phá rừng

Nếu các nhà báo từng lạ lùng chua xót trước các hồ thủy lợi phủ kín gỗ ở Mồ Dề, Mù Căng Chải sau lũ, thì bây giờ xin mời lên Mường Bang, dăm bảy cây số đường ven suối bị vùi lấp bởi rác và gỗ. Gỗ chất cao như núi, những chiếc xe máy và những người bản Khoáng chui luồn trong vô thiên lủng gỗ mà đi. Đến đây, người ta mới thấm thía được rằng, thiên tai chính là lời tố cáo, một sự trừng phạt đanh thép của cao xanh với loài người.

Đoàn chuyên gia 7 người đến từ Úc còn thám hiểm cả tuần trong hang đó chưa tìm được đáy. Lãnh đạo xã, đặc biệt là những người già đưa chúng tôi ra hang hút nước đó. Rồi họ miêu tả: Năm nay, rác và gỗ về nhiều, bít mất cửa hang, nước dâng cao, tắc tị! Nước dâng như đại dương, gây ra ngập lớn cho toàn vùng. Rồi một vài tiếng nổ vang trời. Mặt đất vỡ ra. Bụng nước khổng lồ trổ lối để giải phóng áp suất cho mình. Núi vỡ ra một miếng lớn. Nước phun như vòi rồng sau quá trình “chạy bộ” nhiều cây số trong lòng quả đất. Nó phun ra ở đúng cầu Bản Khoáng. “Vòi rồng” bẻ gẫy cầu bên tông, xoáy xuống suối, đẩy những hòn đá tảng nặng hàng tấn lăn lông lốc ra phía sông Đà.

Những cánh đồng trơ trọi toàn đá, sau khi cơn lũ bóc hết lớp đất thịt. Xác súc vật và nhà cửa, mọi công trình bị thổi bay. Dòng suối lẩn lút ven đường, giờ to như sông, đá trắng hếu như trời đất vừa khai sinh. Trời đã kiến tạo lại núi non làng bản. Ai đã làm cửa hút nước kia bị tắc? Con người đã không giữ rừng và không tôn trọng dòng chảy ngàn đời của con suối vốn dịu dàng ấy.

Lãng Quân/laodong

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.