Rắc rối với 'tiền thu lợi bất hợp pháp'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho rằng còn nhiều vướng mắc cần chờ hướng dẫn từ Bộ Công Thương, Bộ Tài chính

Thời gian qua, nhiều chủ đầu tư dự án thủy điện ở tỉnh Lâm Đồng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi "Đưa hạng mục công trình hoặc công trình điện lực vào vận hành, sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật".

2 năm, 2 cách xử lý

Những chủ đầu tư bị xử phạt có thể kể đến là Công ty CP Thủy điện Bồng Lai - chủ đầu tư thủy điện Đa Cho Mo 2; Công ty CP Thủy điện Đa Dâng 3 - chủ đầu tư thủy điện Đa Dâng 3; Công ty CP Đầu tư phát triển Đam B’ri - chủ đầu tư thủy điện Đam B’ri 1 và Công ty CP Cao Nguyên Sông Đà 7 - chủ đầu tư thủy điện Yan Tann Sien. Năm 2022, mỗi doanh nghiệp bị phạt 180 triệu đồng.

Đến năm 2023, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Công ty CP Thủy điện Trung Nam-Krông Nô (Công ty Trung Nam-Krông Nô) cung cấp kết quả hoạt động kinh doanh làm cơ sở xử lý vi phạm như trên tại thủy điện Krông Nô 2 và Krông Nô 3.

Việc yêu cầu cung cấp kết quả hoạt động kinh doanh còn để cơ quan chức năng áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả - "Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính là khoản lợi đối tượng vi phạm có được từ hoạt động phát điện để sung vào ngân sách nhà nước" đối với 2 dự án thủy điện Krông Nô 2 và Krông Nô 3.

Thế nhưng, việc xác định thế nào là "số lợi bất hợp pháp" đối với Công ty Trung Nam-Krông Nô, số lợi này là bao nhiêu… đến nay vẫn chưa thực hiện được vì nhiều vướng mắc đến từ quy định pháp luật.

Dự án thủy điện Krông Nô 2.
Dự án thủy điện Krông Nô 2.

Chờ trung ương tháo gỡ

Theo thông tin của phóng viên, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, lãnh đạo các sở Công Thương, Tài chính, Tư pháp, Cục Thuế tỉnh đã có buổi làm việc, trao đổi để làm rõ vấn đề "số lợi bất hợp pháp" trong việc xử lý vi phạm của Công ty Trung Nam-Krông Nô.

Theo ông Hoàng Trọng Hiền, Giám đốc Sở Công Thương, chưa có quy định hướng dẫn phương pháp xác định số lợi bất hợp pháp đối với doanh nghiệp hoạt động điện lực nói chung và thủy điện nói riêng.

Hiện nay chỉ có Thông tư 65/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chi tiết thi hành khoản 2 điều 91 Nghị định 98/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, đại diện các bên dự họp đánh giá việc áp dụng phương pháp tính số lợi bất hợp pháp theo Thông tư 65/2022 đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực điện lực, cụ thể là hoạt động thủy điện là không phù hợp.

Thứ hai, việc truy thu toàn bộ số lợi nhuận có được từ hoạt động phát điện khi xử lý vi phạm hành chính cũng chưa hợp lý. Sở Công Thương cho rằng toàn bộ lợi nhuận có được là kết quả của tổng thể các hoạt động mà Công ty Trung Nam-Krông Nô thực hiện theo các quy định pháp luật để phát điện và có lợi nhuận. Do đó, nếu xem toàn bộ số lợi nhuận của doanh nghiệp có được là do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên là chưa phù hợp với thực tiễn và bản chất vụ việc. Hơn nữa, doanh nghiệp thủy điện hoạt động được là do đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động điện lực, giấy phép khai thác, sử dụng mặt nước.

Từ những vướng mắc trong áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp khi xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp này, Sở Công Thương đề xuất UBND tỉnh có văn bản gửi Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét, ban hành quy định hướng dẫn chi tiết về phương pháp tính số lợi bất hợp pháp đối với các hành vi cụ thể trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện.

Sau đó, căn cứ chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương sẽ lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty Trung Nam-Krông Nô để tỉnh ban hành quyết định xử phạt bằng hình thức phạt tiền. Biện pháp khắc phục hậu quả là "Buộc phải kiểm định chất lượng công trình đối với phần công trình hoặc toàn bộ công trình đã kết thúc thi công hoặc đã nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng đối với hành vi vi phạm theo quy định".

Còn đối với việc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp thì sẽ xác định sau khi có văn bản hướng dẫn chi tiết phương pháp xác định số lợi bất hợp pháp của Chính phủ hoặc Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.

Phạt chồng phạt?

Theo phản hồi từ Công ty Trung Nam-Krông Nô, vi phạm được cơ quan chức năng xác định là căn cứ từ Nghị định 17/2022, trong khi đó, thời điểm 2 thủy điện đi vào hoạt động thì Nghị định 134/2013 không quy định xử phạt về hành vi này.

Do đó, Công ty Trung Nam-Krông Nô cũng như 4 doanh nghiệp bị xử lý vào năm 2022 đã chủ quan, thiếu nghiên cứu để hoàn tất thủ tục gửi văn bản đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu và ban hành văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình thủy điện trước khi đưa vào hoạt động khai thác.

Trong khi việc xác định có buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp đối với Công ty Trung Nam-Krông Nô vẫn chưa có kết quả, vào tháng 8-2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành 2 quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng đối với doanh nghiệp này vì những vi phạm tại công trình thủy điện Krông Nô 2 và Krông Nô 3 với tổng số tiền là 175 triệu đồng.

Có thể bạn quan tâm