Ra đi để trở về!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Gần 3 thập kỷ, dân Phổ Cường vào Nam kiếm sống bằng đủ thứ nghề để nuôi con học hành. Nhưng hầu hết họ ra đi là để trở về, chứ không chọn thị thành làm nơi ăn đời, ở kiếp
Tiết tháng 11, Quảng Ngãi mưa dầm. Trên Quốc lộ 1 đoạn về thôn Xuân Thành (xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), trời như xuống thấp hơn. Nhìn những ngôi nhà đổ mái bằng hoặc nhà xây kiểu mái Thái khang trang nhưng cửa đóng then cài, trưởng thôn Trần Hà tư lự: "Nhà cửa đề huề vậy mà có ở được đâu. Cũng vì mưu sinh nên bà con "Nam tiến" quanh năm suốt tháng ở trong những phòng trọ chật hẹp, chen chúc".
Nỗi niềm tha hương
Ông Hà chỉ cho tôi men theo con đường xóm chạy ngoằn ngoèo rồi dừng lại trước ngôi nhà mới khá khang trang. Chủ nhân ngôi nhà là anh Lại Đình Pháp. Anh rót nước mời khách, bộc bạch: "Thì đất quê bạc màu thiếu nước, cuộc sống khó khăn nên năm 2005 có người em gái rủ vợ chồng tôi vào TP Biên Hòa (Đồng Nai) bán hủ tiếu. Vợ tôi bàn để bả đi trước, tui ở nhà lo cày bừa và chăm ba đứa con".
Từ ngày đó, anh Pháp hết cày bừa trên đồng là vội về nhà thay vợ lo cơm nước cho con. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Hương, nấu ăn dưới bếp, lên góp chuyện. Chị kể: "Hồi đó, ban đầu tui đi vài tháng là chạy về thăm con. Sau này, con gái lớn nghỉ học rồi vào đỡ đần cho mẹ nên đến Tết âm mới về".
Chị xuýt xoa: "Đời nghèo khó tha hương bươn chải kiếm ăn buồn nhất là ngày cuối năm. Hồi đó, tui cứ nghĩ dịp Tết, có những người cũng làm nghề như mình trở về quê đón Tết, mình ở lại sẽ bán đắt đỏ hơn. Nhưng chiều 30 Tết đường phố vắng tanh. Nhà nhà lo bận rộn nấu nướng để bày mâm cơm mời tổ tiên thì tui không cầm lòng được nữa. Tui tự nhủ, thì mình cũng có vợ chồng, con cái, cũng có quê. Ngày Tết là ngày sum vầy đoàn tụ. Thế mà...".
Chị Nguyễn Thị Tuyết cũng ở thôn này, vừa trở về quê xây ngôi nhà mới, kể: "Ngày mới vào, nhớ con nhớ chồng tôi cứ khóc rấm rứt. Nhưng rồi cuộc mưu sinh không chờ đợi, niềm mong ước gói trong giấc mơ. Cứ một ngày mới là một ngày nhọc nhằn vất vả. Chẳng ai nhớ mình đã đi qua bao nhiêu con hẻm, mòn hết bao nhiêu đôi dép. Cứ năm, ba người thuê một phòng trọ khoảng 12 m2 làm nơi ngủ nghỉ. Nghề hủ tiếu, bữa nào bán hết thì mua cơm bình dân ăn, hôm nào ế ẩm thì làm cho mình một tô thay cơm. Nếu bán vé số thì bạ đâu ăn đó, lúc thì cơm bình dân, cơm từ thiện, ngày rằm, mùng một thì cơm chay nhà chùa.
Nhiều người cứ đến mùa cấy cày gieo hạt thì trở về quê cày cuốc. Dăm bữa nửa tháng lại đi. Đến hẹn lại về.
 
Đường quê Xuân Thành có những ngôi nhà mới nhưng cửa đóng then cài vì chủ nhà đang bận làm ăn nơi phương xa. Ảnh: Võ Quý Cầu
Ông Nguyễn Trực, nhà gần chị Tuyết, từng có nhiều năm tha hương, nói: "Ở quê có thắt lưng buộc bụng chắc cũng chỉ nuôi nổi một đứa con học đại học. Đằng này, vợ chồng tui có 3 đứa ăn học, không đi Nam lấy gì nuôi con. Ngẫm lại, đời tha hương có khi cũng dại. Nhiều lúc khát nước khô cổ mà chẳng dám mua một chai nước ngọt để uống. Mình cứ chắt chiu, có 3.000 đồng thì cố gắng để được 5.000 đồng. Nhưng mà đời mình "khát" để đời con "không khát" thì cũng được thôi".
Tình quê, tình người
Trưởng thôn Mỹ Trang (xã Phổ Cường) Tô Hùng Hoanh nhẩm tính: "Thôn nay có 1.280 hộ thì khoảng 350 hộ có người đi Nam làm ăn. Tiền kiếm được chia ba, xé bảy, phần lớn nhất để nuôi con học hành, thuốc thang cho mẹ cha già, tu sửa phần mộ tổ tiên, mua phân rải ruộng, mua thêm con bò để người ở quê chăn dắt sinh lời. Muốn dễ thở hơn thì phải siêng năng bươn chải".
Rồi 5 năm, 10 năm, ở làng lại có những ngôi nhà mới mọc lên.
Một điều mà trưởng thôn Tô Hùng Hoanh tâm đắc là người làng tha hương làm ăn nhưng chẳng mấy ai bỏ làng mà hầu như đều trở về. Anh Nguyễn Lượng, cũng ngụ thôn Mỹ Trang, bộc bạch: "Mình vào thành phố làm ăn nhưng nếp quê không thay đổi được, nên khi các cháu học có công ăn việc làm là quày quả trở lại quê chứ nhà cửa, mộ phần sao bỏ được."
 
Ngôi nhà khang trang của anh Đoàn Dưỡng xây dựng từ tiền gom góp của những năm tha hương bán hủ tiếu. Ảnh: Võ Quý Cầu
Làng vui hơn trong những ngày giáp Tết. Từ đèo Mỹ Trang cho đến phía trong UBND xã, cứ từng tốp từng tốp người đứng chờ người thân trở về. Cứ mỗi lần có xe khách dừng là nhiều người vây quanh. Rồi mẹ con, vợ chồng quấn quýt cùng nhau theo các đường quê về nhà. Cũng từ đó, xóm làng đêm ngày rậm rịch. Người lo dãy cỏ, quét vôi, sửa lại nhà cửa, vườn tược rồi kéo nhau ra chợ Đức Phổ mua sắm.
Trưởng thôn Trần Hà nói: "Cái được của những tháng năm tha hương không chỉ dừng lại ở chuyện cơm áo, gạo tiền mà còn giúp người quê có cái nhìn khoáng đạt".
Đưa tay chỉ ngôi nhà truyền thống của thôn xây dựng năm 2013 với kinh phí đóng góp của toàn dân là 661 triệu đồng, ông kể: "Ở xã, thôn đầu tiên xây dựng nhà truyền thống là làng Thanh Sơn, rồi lan ra toàn xã. Trước khi xây dựng, ở thôn cũng tính huy động mỗi hộ 500.000 đồng. Nghĩ bà con tha hương kiếm sống khó khăn nên mình lưỡng lự. Nhưng rồi có việc phải vào TP HCM nên mình cùng bí thư chi bộ tiện thể huy động. Đến nơi nào bà con cũng đều nói đây là việc làm đạo lý. Bởi chiến tranh làm miếu mạo hư hỏng đổ nát, có những gia đình tất cả đều hy sinh. Vậy nên xây dựng cái nhà truyền thống để thờ tiền hiền, liệt sĩ, khắc tên những bà mẹ Việt Nam anh hùng càng có ý nghĩa nên mức huy động bình quân là vậy nhưng nhiều người trút hầu bao đóng góp nhiều hơn".
Không chỉ góp tiền xây nhà truyền thống, những người dân quê tha hương còn đóng góp Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ ủng hộ người nghèo, xây dựng đường giao thông nông thôn. Niềm vui ngày trở về như sợi dây vô hình gắn bó người quê với làng.
 
Nhà truyền thống thôn Mỹ Trang - công trình được xây dựng có sự đóng góp của hàng trăm nhân khẩu của thôn đang xa quê làm ăn. Ảnh: Võ Quý Cầu
Bầu trời của mẹ, của con
Trong số những ngôi nhà của những người tha hương "ra đi để trở về" ở Phổ Cường, nhà của anh Đoàn Dưỡng ở thôn Xuân Thành thuộc loại khang trang nhất. Vợ chồng anh tha hương hồi năm 2007.
Hồi đó, vợ chồng anh gom góp được 5 chỉ vàng sang xe hủ tiếu bán ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP HCM. Tháng năm đi qua, các cháu lớn lên. Đứa lớn học xong phổ thông thì theo nghề của ba mẹ, con gái thứ thì học cao đẳng quản trị kinh doanh giờ công tác ở quận Phú Nhuận.
Anh cho hay ngôi nhà xây dựng xong năm 2017 với số tiền 1,3 tỉ đồng. Vợ chồng của anh còn mua được ngôi nhà cấp 4 nữa ở tỉnh Bình Dương, đem cho thuê, lấy tiền thuê lại một phòng trọ dưới Tân Kiên để ở.
Hỏi sao cuộc sống khá rồi mà vợ và con vẫn xa quê, anh Dưỡng bộc bạch: "Cuộc sống bây giờ khá hơn nhiều chứ. Nhưng đứa út còn đang đi học, hai cháu lớn thì chưa có gia đình. Cũng biết rằng bầu trời của con thì con lo liệu nhưng làm cha làm mẹ ai muốn chúng vào đời khó khăn như mình nên bây giờ còn sức khỏe thì cố gắng bươn chải, chắt chiu để ngày sau con cái đỡ hơn".
Cũng cách nghĩ này, nên sau non 3 thập kỷ tha hương, cuộc sống của người dân Phổ Cường đã khá dần lên nhưng người quê vẫn cứ đi và còn đi, đi để trở về. Và ngày trở về, không chỉ tiền của mà còn có những đứa con được nuôi dạy bằng tình thương, sự nhọc nhằn của mẹ cha trong những năm mưu sinh mưa nắng xứ người. 
Vẫn giữ được cốt cách

Ông Trần Nguyên Giang, Chủ tịch UBND xã Phổ Cường, nói: "Phổ Cường là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Đi qua chiến tranh, toàn xã có đến 873 liệt sĩ, 317 thương bệnh binh và 70 bà mẹ được phong danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng. Sau chiến tranh, đất quê khô cằn, người quê lần hồi ra đi vào các tỉnh phía Nam kiếm sống. Hiện nay, số người vào Nam phải tính bằng con số ngàn. Ở quê, những năm gần đây nhà nước đầu tư nâng cấp hồ chứa nước Huân Phong, Hóc Nghì và chuẩn bị tu sửa hồ Hóc Cầy, vận động người dân trồng rừng phát triển sản xuất. Thế nhưng, sự phát triển chưa đáp ứng mong đợi của người dân nên bà con vẫn cứ vào các tỉnh phía Nam làm nhiều nghề khác nhau kiếm sống. Tuy vậy, với truyền thống của địa phương nên dù tha hương bà con vẫn giữ được cốt cách của quê mình, cố gắng làm ăn nuôi con học hành và góp phần xây dựng quê hương".

Võ Quý Cầu (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.