Quỹ tín dụng nhân dân ở Gia Lai hoạt động hiệu quả, an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thực hiện Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (TDND) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, tới thời điểm này, 6 quỹ TDND trên địa bàn tỉnh Gia Lai hoạt động ổn định, an toàn, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của thành viên và hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh.

Ngày 22-2-2023, UBND tỉnh có Công văn số 373/UBND-KTTH triển khai thực hiện Công văn số 1187/TTg-KTTH của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống quỹ TDND.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục củng cố, chấn chỉnh hoạt động hệ thống quỹ TDND theo đúng mục tiêu, định hướng và giải pháp được nêu tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 8-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” và Kế hoạch số 2695/KH-UBND ngày 17-11-2022 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”.

Các quỹ tín dụng nhân dân đã làm tốt vai trò cung ứng nguồn vốn nhỏ lẻ cho nông hộ và hộ sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ. Ảnh: Sơn Ca

Các quỹ tín dụng nhân dân đã làm tốt vai trò cung ứng nguồn vốn nhỏ lẻ cho nông hộ và hộ sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ. Ảnh: Sơn Ca

Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh yêu cầu các quỹ TDND tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp tại Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống quỹ TDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Cụ thể, kiểm soát hoạt động về quy mô, địa bàn, đảm bảo hoạt động tập trung chủ yếu phục vụ thành viên, hạn chế huy động tiền gửi và cho vay khách hàng không phải là thành viên; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ; bảo đảm ổn định hoạt động và an toàn tài sản của Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của người dân trong quá trình thực hiện cơ cấu lại; triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng.

Tính đến hết quý I-2023, doanh số cho vay của Quỹ TDND Trà Bá (TP. Pleiku) đạt 12,4 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 8,8 tỷ đồng, tổng nguồn vốn huy động đạt 27 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng đạt 42,6 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,08%/tổng dư nợ. Theo bà Lê Thị Oanh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Quỹ TDND Trà Bá: Quỹ hoạt động tại địa bàn các phường Trà Bá, Phù Đổng, Chi Lăng với 966 thành viên. Trong quý I-2023, Quỹ đã giải ngân cho vay 320 hồ sơ, đảm bảo nguồn vốn tín dụng cho thành viên phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Còn tại Quỹ TDND Thắng Lợi (TP. Pleiku), doanh số cho vay quý I-2023 đạt 8,6 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 12,1 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng đạt 68,9 tỷ đồng, tổng nguồn vốn huy động đạt 71,9 tỷ đồng. Bà Phan Trịnh Thục Uyên-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Quỹ TDND Thắng Lợi-thông tin: “Quỹ hoạt động trên địa bàn xã Chư Á và phường Thắng Lợi với 1.609 thành viên, đa số là hộ nông dân, hộ kinh doanh quy mô nhỏ nên nhu cầu vốn nhỏ lẻ rất nhiều. Trong giai đoạn 2021-2025, Quỹ đã thực hiện xử lý nợ xấu qua từng năm, hiện tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 0,01%. Bên cạnh đó, Quỹ chủ động nâng cao chất lượng nghiệp vụ tín dụng trong khâu thẩm định cho vay, theo sát tình hình và thực hiện kiểm tra sau cho vay để đảm bảo nguồn vốn phát triển an toàn và hiệu quả”.

Quỹ TDND Thắng Lợi hiện có 1.609 thành viên, hoạt động trên địa bàn phường Thắng Lợi và xã Chư Á (TP. Pleiku). Ảnh: Sơn Ca

Quỹ TDND Thắng Lợi hiện có 1.609 thành viên, hoạt động trên địa bàn phường Thắng Lợi và xã Chư Á (TP. Pleiku). Ảnh: Sơn Ca

Toàn tỉnh hiện có 6 quỹ TDND hoạt động trên địa bàn TP. Pleiku (2 quỹ), thị xã An Khê và các huyện: Ia Grai, Mang Yang, Đak Đoa với 7.306 thành viên. Các quỹ đã làm tốt công tác huy động và cho vay, là cầu nối quan trọng đưa nguồn vốn quy mô nhỏ lẻ đi vào thực chất hoạt động sản xuất kinh doanh ngay tại địa bàn nông thôn, xóa khoảng trống về tín dụng đối với nông hộ không đủ điều kiện tiếp cận các ngân hàng thương mại.

Theo ghi nhận của Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh, doanh số cho vay trong quý I-2023 của 6 quỹ đạt 116 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 113 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng đạt 380 tỷ đồng (giảm 7 tỷ đồng so với đầu năm), tổng nguồn vốn huy động đạt 371 tỷ đồng (tăng 20 tỷ đồng so với đầu năm).

Ông Nguyễn Hữu Nghị-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh đánh giá: “Các quỹ TDND đã phát huy vai trò, hiệu quả, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” tại địa bàn nông thôn. Trong quá trình thực hiện đề án, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh luôn tăng cường chỉ đạo, nắm tình hình, tiến hành thanh tra, giám sát các quỹ theo định kỳ cũng như triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương. Đến nay, tất cả các quỹ đều được củng cố, chấn chỉnh hoạt động, công tác thu hồi và xử lý nợ xấu đạt hiệu quả tích cực, tạo sự chuyển biến qua các năm. Nếu như cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,73% thì đến cuối năm 2022 giảm còn 1,13%. Tính đến hết tháng 3-2023, tỷ lệ nợ xấu giảm còn 1,09%”.

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).