Quanh ngôi đình người Việt đầu tiên trên Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giữa lòng thành phố Buôn Ma Thuột, đình Lạc Giao sừng sững như một chứng nhân lịch sử bất tử từ kháng chiến đến thời bình. Năm 1990, đình được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Hơn 20 năm qua, ngôi đình đầu tiên của người Việt trên mảnh đất Tây Nguyên này có một người đàn ông vẫn âm thầm trông coi. Ông nói rằng đó là định mệnh mà “ông thần” đã chọn ông ở lại.
Cơ duyên
Đình Lạc Giao nằm ở ngã tư đường Phan Bội Châu và Điện Biên Phủ (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Giữa nhịp sống sôi động của thành phố, đình vẫn giữ được không gian yên tĩnh.

Cây đa trước sân đình được trồng từ năm 1990
Cây đa trước sân đình được trồng từ năm 1990
Trong tòa đại đình, người đàn ông 78 tuổi còn rất tinh tường, nhanh nhẹn và khỏe mạnh đang sắp xếp các vật dụng. Ông là Nguyễn Văn Bảy, Phó Ban quản lý các hoạt động Văn hóa của di tích lịch sử đình Lạc Giao.
Rảo bước trên nền gạch giữa sân đình, câu chuyện về cơ duyên với đình cổ được ông Bảy kể say sưa. Gia đình ông quê ở TPHCM nhưng anh chị lên đây làm ăn từ lâu. Năm 1961, ông theo lên Buôn Ma Thuột. “Tôi gắn bó với đình đến nay được 22 năm, đó là cơ duyên giống như ông thần định", ông tâm sự.
Đứng dưới tán cây đa cổ thụ trước sân đình, ông kể: Cách đây 22 năm, một lần ông ghé vào đình tham gia cuộc họp. Ông bày tỏ nguyện vọng mong muốn lớp trẻ có thể tiếp thu được những cái tốt của đình làng. Sau vài lần như vậy, các bô lão bàn nhau mời ông về tham gia cùng họ. “Khi đó, tôi về làm thư kí của làng. Thư kí thời đó làm tất cả mọi việc. Các cụ chỉ tới đây tổ chức lễ và thắp hương thôi”, ông Bảy nói.
Bao năm qua, người dân nơi đây đã quen thuộc với hình ảnh ông Bảy lặng lẽ cần mẫn trông coi đình Lạc Giao. Mỗi ngày, ông đóng mở cửa đón khách tham quan, hướng dẫn khách thập phương các nghi thức truyền thống…vì thế mà giữ được vẹn nguyên sự thành kính, thiêng liêng nơi ghi dấu ấn hào hùng dân tộc. “Bây giờ ở đây có bảo vệ, có người dọn vệ sinh. Hiện nay, đình đang đăng ký tìm một ông Từ đình. Ông Từ đình ở đây thường xuyên, làng nuôi ông, ông lo nhang khói hằng ngày”, ông Bảy cho biết.
Theo nhiều cụ lớn tuổi sinh sống quanh đình Lạc Giao, để giữ gìn được ngôi đình cổ gần trăm tuổi, bên cạnh đạo đức, uy tín trong cộng đồng địa phương, người trông coi đình phải có tâm gìn giữ hồn của đình, phải có duyên nghiệp với đình, với các bậc tiền nhân mở đất mới làm được.
Hiện nay, ông Bảy đang kiêm luôn ông Từ đình. Bao năm nay, ông Bảy coi đình như ngôi nhà thứ hai của mình. Thỉnh thoảng ông về TPHCM nhưng trong lòng cảm giác lo lắng, bồn chồn, đi vài ngày ông phải quay lại đình ngay. “Nhà ở phường Thành Nhất, TP Buôn Ma Thuột, nhưng 80% thời gian tôi ngủ ở đình. Hình như tôi gắn bó với ông thần quá rồi, thấy ở đây thích hơn ở nhà, tâm hồn thoải mái”, ông Bảy bộc bạch.
Linh thiêng chốn đình làng

Lễ tế xuân diễn ra tại đình
Lễ tế xuân diễn ra tại đình
Đình Lạc Giao vẫn giữ kiến trúc xưa dù đã được trùng tu tôn tạo, ai đến đây đều bị níu chân bởi vẻ đẹp kiến trúc cổ kính tuy đơn giản nhưng tinh xảo, không bề thế mà rất gần gũi.
Gắn bó với nơi này, ông Bảy như cuốn từ điển sống về những câu chuyện lịch sử xung quanh đình với sự thay đổi của nhịp sống đô thị qua từng ngày. Đình có từ năm 1928, do ông Phan Hộ dẫn một đoàn người gồm 10 gia đình lên để giao lưu với đồng bào dân tộc bản địa ở đây và trao đổi những gì họ có với người Kinh, thời đó chủ yếu là mắm muối…
Ông Phan Hộ nguyên quán ở Quảng Nam nhưng đưa gia đình vào huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa sinh sống. Từ năm 1922 ông đã nhen nhóm ý tưởng lên miền cao nguyên để tìm hiểu giao lưu, đến năm 1928, ông mới thực hiện được.
Khi đặt chân lên vùng đất này, để có nơi sinh hoạt cộng đồng, ông Phan Hộ và người dân đã xây dựng một ngôi đình lấy tên là Lạc Giao. Năm 1932, lúc đó người Pháp ở đây, họ ký một nghị định thành lập làng Lạc Giao. Cùng thời điểm này, triều đình nhà Nguyễn sắc phong cho đình thờ ông Đào Duy Từ.
“Trên đất hoàng triều cương thổ này có chùa Khải Đoan và đình Lạc Giao là Sắc tứ. Từ năm 1932, đình cũng là đình Sắc tứ nhưng do chiến tranh bị bom đạn, bảng Sắc tứ lưu lạc không còn nữa”, ông Bảy cho biết.
Trải qua thăng trầm lịch sử, ngôi đình vẫn gìn giữ nghi lễ thờ cúng, nét văn hóa xưa. Ông Đỗ Văn Vệ (86 tuổi) có một người anh (đã mất) trước đây làm trong Ban quý tế, giờ ông Vệ theo bước anh mình. 20 năm gắn với ngôi đình, ông Vệ vẹn nguyên suy nghĩ phải nỗ lực gìn giữ ngôi đình cùng những kiến trúc, nghi thức thờ cúng, nét văn hóa xưa… để thế hệ sau có nơi hương khói cho các vị có công mở đất lập làng.
Ông Vệ cho biết, tên gọi Lạc Giao có ý nghĩa là lời giao ước an cư lập nghiệp của người Kinh với người dân tộc bản địa cùng chung sức, chung lòng xây dựng vùng đất mới. Mỗi năm đình có 4 lễ chính. Hai lễ truyền thống xuân thu nhị kỳ là tế xuân (17/1) và tế thu (17/8) âm lịch, mục đích cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu sức khỏe, làm ăn phát đạt và mọi sự thiện lành; Lễ giỗ Tổ Hùng Vương (10/3); Từ năm 1945 đến nay, vào ngày 27/10 âm lịch tổ chức lễ tưởng niệm 100 chiến sĩ Nam tiến và đồng bào tử nạn tại Buôn Ma Thuột.
Trong những năm 1930-1945, giặc Pháp thành lập hàng loạt nhà tù, trại giam ở Đông Dương, trong đó có nhà đày Buôn Ma Thuột. Thời điểm đó đình Lạc Giao là nơi ghi dấu quá trình hoạt động của dân làng Lạc Giao che chở, nuôi giấu, cưu mang những người con cách mạng, bảo vệ cán bộ hoạt động ở thị xã Buôn Ma Thuột.
Ông Vệ cho biết: “Thời kỳ khởi dựng, đình Lạc Giao được làm bằng chất liệu tranh tre, nứa, mới đại trùng tu được gần 20 năm. Ngôi đình không chỉ giao lưu văn hóa của người Kinh với các dân tộc anh em trên Tây Nguyên mà còn là một chứng tích lịch sử hào hùng. Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Đình Lạc Giao là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia ngày 2/3/1990”.
Ông Đinh Một, Giám đốc bảo tàng tỉnh Đắk Lắk cho biết, đình Lạc Giao là đình người Việt đầu tiên ở Tây Nguyên. Hằng năm đều thực hiện nghi thức tế xuân, tế thu và các nghi thức, sự kiện quan trọng trong năm để sau này có cơ hội trao truyền cho lớp trẻ tiếp tục duy trì nghi lễ truyền thống ở đình.
Theo Nguyễn Thảo (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.