(GLO)- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) giai đoạn 2010-2020 theo chỉ đạo của Trung ương và Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy Gia Lai, công tác XDNTM trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả nhất định. Nhờ sự nỗ lực của cấp ủy và chính quyền các cấp, cùng sự tập trung mọi nguồn lực với mục tiêu hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân nông thôn, bộ mặt nông thôn của tỉnh đang dần từng bước thay đổi.
Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh tổ chức được 365 lớp tập huấn hướng dẫn và cấp phát trên 18.458 ấn phẩm, nội dung tập trung về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM. Hướng dẫn về chức năng nhiệm vụ của Ban chỉ đạo các cấp và bộ máy quản lý điều hành chương trình, hướng dẫn chương trình triển khai quy hoạch, xây dựng đề án XDNTM, lập kế hoạch có sự tham gia của người dân, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong XDNTM, tạo cơ chế huy động các nguồn lực và công tác tuyên truyền vận động, quy trình triển khai thực hiện dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi…
Làm đường giao thông nông thôn tại huyện Ia Pa. Ảnh: T.N |
Tất cả 185/185 xã hoàn thành đồ án quy hoạch chung về XDNTM, quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã và đã công bố quy hoạch, 41/185 xã đã cắm mốc chỉ giới các công trình hạ tầng theo quy hoạch. Đã làm mới 196 km và cải tạo nâng cấp 690 km đường giao thông nông thôn. Xây dựng mới và nâng cấp 17 công trình thủy lợi, kiên cố hóa gần 95 km kênh mương, chủ động tưới tiêu cho 75,449 ha diện tích đất trồng trọt, làm mới 94 km và nâng cấp 141 km đường dây điện trung thế và hạ thế, xây dựng 1 nhà văn hóa xã và 27 nhà văn hóa thể thao thôn làng, có 13 chợ đạt chuẩn trong tổng số 50 chợ được cải tạo nâng cấp và xây dựng mới.
Đến nay đã tổ chức đào tạo nghề nông thôn với 17.130 người tham gia, giải quyết việc làm cho 9.364 lao động sau đào tạo chủ yếu là các ngành nghề khu vực nông thôn, đến nay có 26 xã đạt tiêu chí về thu nhập. Trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 80% số dân ở vùng nông thôn được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh thông qua giếng đào, giếng khoan, hệ thống tự chảy…
Qua 3 năm thực hiện Chương trình XDNTM, theo đánh giá của UBND tỉnh, trong tổng số 185/185 xã đã hoàn thành công tác quy hoạch XDNTM, có 15 xã đạt tiêu chí về giao thông nông thôn, 58 xã đạt tiêu chí về thủy lợi, 151 xã đạt tiêu chí về điện nông thôn, 6 xã đạt tiêu chí trường học, 1 xã có cơ sở vật chất văn hóa đạt chuẩn, 38 xã đạt tiêu chí chợ nông thôn, 68 xã đạt tiêu chí bưu điện, 15 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư, 26 xã đạt tiêu chí thu nhập, 106 xã đạt tiêu chí cơ cấu lao động, 21 xã đạt tiêu chí hộ nghèo, 63 xã đạt tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất, 43 xã đạt tiêu chí giáo dục, 50 xã đạt tiêu chí y tế, 58 xã đạt tiêu chí văn hóa, 24 xã đạt tiêu chí môi trường, 57 xã đạt tiêu chí hệ thống chính trị vững mạnh, 152 xã đạt tiêu chí an ninh trật tự xã hội. |
Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã chỉ đạo Ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” gắn với XDNTM.
Trong đó, tập trung hướng dẫn giúp bà con sản xuất, đổi mới nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất và đời sống, gắn với tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, góp phần thiết thực vào công tác XDNTM trên địa bàn tỉnh.
Đời sống nhân dân tiếp tục ổn định, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 17,23% (tương đương 53.389 hộ), trong năm giải quyết việc làm mới cho 24.100 lao động-đạt 100,4% kế hoạch. Tỉnh đã chú trọng các chế độ, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Về giáo dục-đào tạo 185/185 xã được phổ cập giáo dục THCS, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học đến năm 2013 là 78% (tăng 2,64%), 50 xã có tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 20% trở lên, toàn tỉnh có 43/185 xã đạt tiêu chí giáo dục.
Mạng lưới y tế cơ sở từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, có 75% trạm y tế xã có bác sĩ và 100% trạm y tế xã có nữ hộ sinh trung học, 100% thôn làng có nhân viên y tế. Hộ gia đình văn hóa đạt 73% trên tổng số hộ thuộc 185 xã. Có 67 xã đã có hệ thống internet và tỷ lệ hộ gia đình sử dụng đến năm 2013 là 11,01%.
Tuy nhiên, Gia Lai là tỉnh có xuất phát điểm thấp, số lượng xã XDNTM nhiều, trong đó có nhiều thôn làng ở địa bàn rộng và phức tạp, do đó nhu cầu vốn đầu tư cho chương trình XDNTM là rất lớn, trong khi đó nguồn kinh phí hỗ trợ từ trung ương còn rất hạn chế so với nhu cầu thực tế của địa phương, việc huy động vốn từ doanh nghiệp, vốn tín dụng, cũng như nguồn huy động từ nhân dân đang gặp khó khăn, đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai XDNTM...
Thanh Nhật