Những chiếc 'grap' ghe - kỳ 1:Phiêu bạt thương hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trời đã về chiều nhưng nắng trên sông vẫn còn chói chang khi chiếc ghe nhỏ nổ phành phạch chở đoàn người trầm tư cùng một nhà sư mặc áo nâu hướng ra ngã ba sông. Ngoài kia dòng sông lớn chia hai ngả như thể nương theo câu ca: “Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”.
Chuyến đò chiều cuối
Chiếc ghe gắn máy rời dòng kênh để hướng ra sông lớn. Bà Lan, người lái đò nói với tôi: “Xưa chúng tôi chèo tay chở khách, dần dà mới có ghe máy. Đời tôi cũng đã mấy lần sang đò, thay ghe mà nghề thì vẫn thế này thôi”.
Bà Lan năm nay 67 tuổi, bà khởi nghiệp lái đò từ lúc 14 tuổi. Chỉ sang bên kia sông, nơi những tòa nhà tráng lệ mọc lên trên đất Thủ Thiêm, người lái đò bảo: “Quê chúng tôi xưa ở đấy. Rồi bị giải tỏa, giờ tôi về quận 2 sinh sống. Cả làng tôi làm nghề đưa đò, phải cả trăm chiếc đò ấy bác ạ”. Bà lại bảo: “Ngày trước làm gì có cầu với hầm chui. Làng tôi chở khách, chở hàng, buôn bán trên sông. Cả khúc sông Sài Gòn này tấp nập tàu bè suốt ngày đêm”.
Cầu đã xây mấy cái vắt lừng lững qua sông Sài Gòn, lại có cả hầm chui nữa chứ, bà Lan nói: “Tôi không thất nghiệp là may. Không chèo đò tôi còn biết làm nghề gì! Ông bà tôi chèo đò, bố mẹ tôi chèo đò, tôi cũng chèo đò. Cũng may, thỉnh thoảng vẫn còn có khách quen gọi đò, gọi bằng điện thoại ấy bác ạ. Thế là nhà cháu lại khăn gói chở khách ra sông”.
Chuyến ra sông hôm nay, bà Lan chở một gia đình đi rải tro cốt người thân. Không khí trầm mặc lắm. Người con ôm bọc ni lông đựng hài cốt cha, như giữ báu vật, nước mắt thấm ướt cả khẩu trang. Mấy người nhà đi theo, họ ra sông không thắt khăn tang, nhưng nước mắt lưng tròng.
Nhà sư tụng kinh gõ mõ không ngừng từ lúc bước chân xuống đò. Bà Lan bảo tôi: “Tôi chở người ta đi rải cốt cũng thường, vài ba ngày một chuyến. Từ ngày đất đai khan hiếm, người ta hỏa táng ngày một nhiều”.
Ra đến giữa sông, mọi người giúp cho cô con gái rải cốt xuống nơi dòng nước chảy xiết. Cô cứ luống cuống, cảm động đánh rơi cốt xuống thuyền, rồi cô cúi xuống nhặt để rải cho bằng hết.
Xong việc, con đò lại quay về nơi bến cũ, mọi người ai về nhà nấy. Nhà sư cũng về chùa trên chiếc xe máy cũ. Trên chiếc ghe nhỏ còn lại người lái đò khuôn mặt nâu sạm nhìn xa xăm ra dòng sông.
Lái đò chẳng được “lụy đò”
Cả đời bà Lan gắn bó với dòng sông Sài Gòn, chở biết bao nhiêu gia đình, những cặp vợ chồng, những đôi tình nhân qua sông… nhưng giờ đây khi bóng chiều buông xuống dưới chân cầu, một mình bà cặm cụi neo đậu chiếc ghe vào bến tạm.

Người lái đò kỳ cựu
Người lái đò kỳ cựu
Bà Lan bảo tôi: “Tôi có con, nhưng con tôi bị bệnh mất lúc nhỏ. Rồi chồng tôi già yếu cũng qua đời. Bây giờ, trên dòng sông này còn lại mình tôi với con đò thôi”. Làng của bà đã giải tỏa, bạn bè đi tứ xứ. Ngày ngày chỉ quanh quẩn dưới chân cầu với chiếc ghe và cái điện thoại nhỏ xíu, chờ những cuộc gọi đò.
Bến đò Tân Thuận, những năm 1990, cái thời tàu bè còn vào trung tâm thành phố mỗi ngày, có chừng khoảng 80 chiếc đò.
Năm 1996, tôi từ Hà Nội vào TPHCM công tác, tá túc trong nhà của gia đình nhà thơ Lưu Trọng Lư, cách bến đò mấy chục bước chân. Tôi ở đây khoảng một tháng. Sáng, chiều nào cũng thấy tấp nập thuyền, ghe, người xe đông nghẹt cả khúc sông đầy khói bụi.
Bà Tuyết, một người lái đò tầm ngoài 50 tuổi, bảo tôi: “Hiện tại ở bến đò Tân Thuận chỉ còn bốn người lái đò mà trong đó ba người là nữ”. Bà nói thêm: “Ba người nữ thì kẻ chồng chết, người chồng chê nên đều độc thân cả! Suốt ngày ôm đò thay cho chồng!”.
Dấu vết bến đò lừng lẫy một thời ấy, nay còn lại là một cái đền thờ dưới chân cầu. Người thủ từ nói: “Xưa tàu bè tập trung nhiều, người ta mới dựng đền thờ các mẫu chỗ này, để phù trợ cho người sống trên sông nước. Nay thuyền chẳng còn bao nhiêu, nhưng người dân vẫn nhang khói cho các mẫu mỗi ngày”.

Bến đò Tân Thuận
Bến đò Tân Thuận
Bà Tuyết tâm sự: “Người ta gọi grap, tắc xi đi đâu cũng tiện mà nhanh! Giờ khách khứa bến chúng em chỉ còn là những người rải tro cốt, phóng sinh cho cá và đám thủy thủ xà lan đậu ngoài sông muốn vào bờ đi chơi. Đò chúng em giờ cũng hiện đại lắm, có máy lắp trong lắp ngoài! Có điện thoại, hoạt động 24/24 giờ, chẳng kém gì xe grap đâu, đò sẵn sàng phục vụ các bác kể cả ngày dông bão! Hãy gọi đò Tân Thuận chúng em!”.
Tiếc con đò
Mẹ bà Tuyết cũng là người lái đò kỳ cựu, năm nay hơn 70 tuổi. Bà cụ bệnh tật mà vẫn tiếc con đò, không muốn lên bờ. Bác sĩ bảo: “Bác lớn tuổi, lái đò giữa trời nắng to, không mái che, lỡ huyết áp cao, choáng mà rớt xuống sông thì nguy. Phải dừng ngay”. Nghe thế cụ mới chịu bỏ thuyền bỏ bến.
Mẹ giải nghệ, bà Tuyết lại tiếc con đò gắn bó gia đình bao nhiêu năm. Phải lúc cuộc sống riêng tư trục trặc, lẫn khi tiền bạc đều khó khăn, thế là bà lại bước chân xuống sông nối nghề của mẹ.
Bà kể: “Tôi chẳng có chữ nghĩa gì, thật thà chẳng biết tính toán, làm ra tiền mà chẳng biết giữ tiền. Đã có những lúc tôi làm bà chủ xà lan chở cát tiền tỷ cơ đấy! Rồi về già lại tay trắng, trở lại mưu sinh trên con đò xưa”.
Dường như bến đò vẫn là nơi cưu mang cho cô gái chèo đò tóc đuôi sam năm nào.

Thuyền đi rải cốt trên sông Ảnh: Trần Nguyễn Anh
Thuyền đi rải cốt trên sông Ảnh: Trần Nguyễn Anh
Hôm nay triều cường, lại mưa to gió lớn. Bà Tuyết than vãn: “Mỗi lần chở khách từ xà lan vào bờ rồi quay ra, em lấy cả hai chiều là 100.000 đồng. Suốt hôm nay mới được 6 chuyến, trừ tiền xăng dầu ra chẳng còn được bao nhiêu!”.
Triều cường, nước lớn, mấy chị em chèo đò chẳng có nơi nào trú ẩn, chỉ biết núp dưới gầm cầu Tân Thuận chờ mưa bão tạnh lại đưa đò chở thủy thủ trở về với những con tàu đang đậu giữa ngã ba sông.

Bà Tuyết, người lái đò lâu năm nói: “Giá xăng dầu tăng, thu nhập chị em chẳng được bao nhiêu. Lắm lúc muốn bỏ nghề, nhưng khách cứ gọi bảo: Thôi! Chị thông cảm, giúp chúng em, thủy thủ đã ở trên tàu cả tháng giờ mong được lên bờ một bữa, chị giúp em. Thế là lại đội mưa, chạy đò ra giữa sông đón khách”.

(Còn nữa)
Theo Trần Nguyễn Anh (TPO)

Có thể bạn quan tâm

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

“Hợp tác xã” là khái niệm tưởng chừng đã lùi vào “muôn năm cũ”. Tuy nhiên, nhiều người trẻ ở Đà Nẵng khởi nghiệp thành công, không chỉ làm giàu trên chính quê hương mà còn đem lại sinh kế bền vững cho người dân địa phương bằng mô hình kinh tế tập thể từ thời “ông bà anh” này.
GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

Nguyễn Thị Lan Anh (sinh năm 2001) đang là Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc (Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Cô gần như là người trẻ nhất trong HTX, cũng là số ít người trẻ còn ở lại với công việc của một tổ du lịch cộng đồng.
Lời ru chim yến…

Lời ru chim yến…

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.
'Bông hồng thép' Diệu Linh

'Bông hồng thép' Diệu Linh

Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, SN 1983, hiện đang làm Quản lý Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giảm thiểu tai nạn thương tích do bom mìn.